Thị trường lao động “hồi sinh” sau dịch Covid -19

Minh Nguyệt Thứ sáu, ngày 02/09/2022 14:46 PM (GMT+7)
Như một cơ thể ốm yếu dần được hồi sinh, thị trường xuất khẩu lao động đang dần được tái sinh đúng nghĩa. Nhờ vậy mà hàng nghìn lao động, trong đó có nhiều lao động nữ yếu thế có cơ hội được thoát nghèo.
Bình luận 0

Đạt hơn 90% mục tiêu năm

Bên cạnh thị trường lao động trong nước đang phục hồi mạnh mẽ, trong 7 tháng đầu năm 2022, xuất khẩu lao động (XKLĐ) cũng đạt được nhiều thành tựu, có bước chuyển quan trọng.

Cục Quản lý lao động ngoài nước cho biết, trong tháng 7/2022, cả nước đã đưa được 10.285 người lao động đi làm việc ở nước ngoài, bằng 1.316,9% so với cùng kỳ năm ngoái (tháng 7/2021 là 781 lao động).

Cộng dồn, trong 7 tháng đầu năm 2022, cả nước đã đưa 81.429 người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, đạt 90,8% mục tiêu kế hoạch năm (kế hoạch năm là 90.000 lao động), trong đó, có 29.990 lao động nữ.

Thị trường lao động “hồi sinh” sau dịch Covid -19 - Ảnh 1.

Lao động Việt Nam làm nông nghiệp tại Hàn Quốc. Ảnh: N.T

"Mặc dù chỉ tiêu năm 2022 là đưa 90.000 lao động đi làm việc ở nước ngoài, nhưng chúng tôi phấn đấu phải vượt mục tiêu, tạo tiền đề cho các năm tiếp theo".

Ông Nguyễn Gia Liêm - Phó Cục trưởng

Cục Quản lý lao động ngoài nước

Ông Nguyễn Gia Liêm - Phó Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước cho biết, hoạt động XKLĐ sẽ còn nhiều khởi sắc. Gần đây các nước đều đã thay đổi chính sách thích ứng với dịch Covid-19 để đẩy mạnh các hoạt động phục hồi kinh tế, sản xuất kinh doanh, do đó, nhu cầu tiếp nhận lao động sẽ gia tăng. Đây là thời cơ thuận lợi để Việt Nam tăng cường đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài. Việc thực hiện kế hoạch đưa 90.000 lao động đi làm việc ở nước ngoài trong năm 2022 là hoàn toàn khả thi.

Cụ thể, thị trường các nước châu Âu mở lại từ năm 2021; Hàn Quốc từ tháng 5/2021 (sau hơn một năm ngừng tiếp nhận lao động đi theo chương trình EPS); Đài Loan mở lại từ ngày 15/2/2022 (đóng cửa từ 19/5/2021); Nhật Bản bắt đầu mở lại từ tháng 3/2022 (sau hơn một năm đóng cửa từ cuối tháng 1/2021) và một số thị trường lao động khác cũng đã có chính sách tiếp nhận lao động với các điều kiện và quy định phù hợp trong thời gian qua.

Theo ông Nguyễn Gia Liêm, khả năng thực hiện mục tiêu đưa 90.000 lao động đi làm việc ở nước ngoài là hoàn toàn khả thi. "Ngoài ra, chúng ta còn có nhiều cơ hội để vượt kế hoạch với việc mở rộng thị trường tiếp nhận lao động sang các nước châu Âu, các thị trường mới như AusTralia, Đức..."- ông Khiêm nói.

Hiện nay, cùng với các thị trường truyền thống, Bộ LĐTBXH đang tiếp tục thúc đẩy ký kết các thỏa thuận về hợp tác lao động đối với các nước để mở rộng thị trường lao động ngoài nước, như với CHLB Đức, Liên bang Nga, Israel và một số thị trường châu Âu khác.

Tăng hỗ trợ lao động yếu thế

Không chỉ đặt mục tiêu nâng cao số lượng lao động đi làm việc ở nước ngoài, chúng ta còn đặt mục tiêu phải nâng cao chất lượng lao động. Đồng thời tìm giải pháp để hỗ trợ lao động nghèo, lao động yếu thế đi làm việc ở nước ngoài.

Chia sẻ về định hướng XKLĐ trong thời gian tới ông Nguyễn Gia Liêm cho rằng yếu tố chất lượng lao động vẫn cần đặt lên hàng đầu. Điều này không chỉ giúp ích nâng cao thu nhập cho lao động mà còn giúp tạo uy tín thương hiệu cho lao động Việt Nam.

Để làm được điều này, ngay từ đầu năm, Bộ LĐTBXH đã xúc tiến nhiều hoạt động. Cụ thể như mở rộng ký kết bản ghi nhớ hợp tác lao động trong nông nghiệp với Australia. Dự kiến Australia sẽ tiếp nhận khoảng 1.000 lao động/năm. Mức lương cơ bản (chưa trừ phí sinh hoạt) từ 3.200 - 4.000 dollar Australia/tháng (tương đương 52,8 - 66 triệu đồng/tháng).

Ngoài ra, chương trình tuyển chọn điều dưỡng viên và hộ lý sang làm việc tại CHLB Đức; điều dưỡng đi làm việc ở Nhật Bản cũng đang được triển khai mạnh mẽ.

Đó là chưa kể tới các thị trường tiềm năng khác trong khu vực như: Thái Lan, Singapore; Malaysia... Hiện các thị trường này cũng được nhiều lao động trong nước lựa chọn bởi lợi thế cạnh tranh về thu nhập, khoảng cách địa lý.

Đặc biệt, để nâng cao chất lượng đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài, Bộ LĐTBXH cũng quán triệt doanh nghiệp làm tốt công tác tuyển chọn, đào tạo, tạo nguồn. Chú trọng đào tạo thêm về ngoại ngữ, tay nghề và ý thức tổ chức kỷ luật cho lao động, cũng như truyền thông phòng tránh tình trạng người lao động bị lạm dụng, cưỡng bức khi đi làm việc ở nước ngoài.

"Hiện nay, Chính phủ cũng ban hành nhiều chính sách hỗ trợ lao động nghèo, lao động yếu thế như phụ nữ, lao động người dân tộc. Các lao động thuộc diện này có thể được nhận các hỗ trợ miễn phí đào tạo, học tiếng, được cho vay vốn tín dụng ưu đãi, ký quỹ lao động..."- ông Liêm nói.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem