Ông Nguyễn Văn Bình – Chủ trang trại nhân giống hoa cúc ở Đền Đô, Từ Sơn (Bắc Ninh) cho biết: “Trại nhân giống hoa của tôi rộng 750m2. Để đảm bảo cho cây sinh trưởng và phát triển, trước đây tôi phải sử dụng 80 bóng đèn sợi đốt, mỗi bóng đèn công suất 100W. Nhờ tư vấn của các chuyên gia đến từ Trung tâm R&D Rạng Đông, tôi đã thay thế bằng 80 bóng đèn KC-20W, chi phí điện năng đã giảm tới 75% so với trước đây”. Cũng theo ông Bình, sau một thời gian sử dụng hệ thống chiếu sáng chuyên dụng cho thấy, mầm cây hoa cúc cũng mập hơn, đặc biệt là thời gian thu hoạch (ngắt ngọn cây giống hoa cúc) được rút ngắn từ 10 ngày thu hoạch xuống còn 7 ngày.
Không chỉ có hoa cúc, hệ thống đèn chuyên dụng của Rạng Đông đã được ứng dụng thử nghiệm đối với các hệ thống Trung tâm Ươm tạo giống nông nghiệp công nghệ cao cho thấy chỉ tiêu sinh trưởng cây giống đều tốt, chiều cao tăng 20%, số lá tăng 25%... so với hệ thống điện năng cũ. Ngoài ra, hệ thống đèn chuyên dụng của Rạng Đông cũng thành công khi ứng dụng vào chiếu sáng điều khiển ra hoa ở cây thuốc lá; đèn chuyên dụng này cũng thành công khi ứng dụng vào điều khiển ra hoa, ra quả nghịch vụ ở cây thanh long. “Cây thanh long sử dụng đèn chuyên dụng CFL – 20W kích thích ra hoa rất tốt, ra quả thanh long nghịch vụ, quả to, đều, đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn so với sử dụng các loại bóng đèn khác” - ông Nguyễn Văn Thanh ở Thuận Hàm (Bình Thuận) chia sẻ.
Trao đổi với NTNN, GS-TS Võ Tòng Xuân cho biết, việc ứng dụng thiết bị chiếu sáng vào sản xuất nông nghiệp ở các nước trên thế giới đã được áp dụng rất phổ biến và ở nước ta cũng được nhiều người dân, viện nghiên cứu, trung tâm sản xuất giống ứng dụng vào điều khiển nuôi cấy mô, điều khiển sự ra hoa của cây hoa cúc, hoa thuốc lá, hoa thanh long…Tuy nhiên, hệ thống đèn sản xuất trong nông nghiệp trước đây chủ yếu dùng đèn sợi đốt và đèn sinh hoạt, chưa có đèn chuyên dụng. Rất mừng là với sự hợp tác của các nhà khoa học với doanh nghiệp Rạng Đông đã sản xuất ra các loại đèn chuyên dụng, phục vụ cho sản xuất nông nghiệp của bà con nông dân.
PGS-TS Trần Đức Viên – Hiệu trưởng Trường ĐHNN Hà Nội cho biết, “Có nhiều công trình nghiên cứu, chúng tôi còn sẵn sàng “sống chết” cùng doanh nghiệp, tức là nghiên cứu ra không bán cho doanh nghiệp mà chỉ sử dụng như hình thức góp cổ phần để doanh nghiệp ứng dụng vào thực tế. Việc doanh nghiệp tìm đến đặt hàng nhà nghiên cứu như Công ty Rạng Đông để chế tạo ra thiết bị chiếu sáng phục vụ cho sản xuất nông nghiệp, nhất là nông nghiệp công nghệ cao là một điều hiếm có” - ông Viên nói.
Bộ trưởng Bộ KHCN Nguyễn Quân cho biết, nhiều lĩnh vực sản xuất nông nghiệp đều băn khoăn vì sao chúng ta không liên kết được “3 nhà” thì với mô hình của doanh nghiệp Rạng Đông, dù chỉ mới thành công ở bước đầu thôi nhưng đã trả lời được câu hỏi đó. Doanh nghiệp đã tự tìm đến đặt hàng nhà khoa học, còn nhà khoa học đến với doanh nghiệp bằng tâm huyết và trí tuệ để góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp cho người nông dân.
Thanh Xuân
Vui lòng nhập nội dung bình luận.