Thiệu Hóa đạt chuẩn huyện nông thôn mới của Thanh Hóa, 3 năm nữa thu nhập 70 triệu/người/năm
Thiệu Hóa đã đạt chuẩn huyện nông thôn mới, 3 năm nữa phấn đấu 50 thôn kiểu mẫu, 4 xã nông thôn mới kiểu mẫu
Hữu Dụng - Hoài Thu
Thứ bảy, ngày 25/06/2022 15:04 PM (GMT+7)
Sau hơn 10 năm triển khai xây dựng nông thôn mới (NTM), huyện Thiệu Hóa (Thanh Hóa) đã có những bước đột phá rõ rệt về hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, đời sống vật chất và tinh thần của người dân cũng được nâng cao.
Năm 2011, khi bắt tay vào xây dựng NTM, huyện Thiệu Hóa gặp nhiều khó khăn do xuất phát điểm thấp, bình quân mỗi xã mới chỉ đạt 5,7 tiêu chí nông thôn mới. Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội chưa đồng bộ, quy hoạch phát triển manh mún. Cơ cấu ngành, nghề nông thôn chưa có chuyển biến đột phá, tỷ lệ hộ nghèo còn cao...
Đến nay, sau hơn 10 năm triển khai xây dựng NTM, huyện Thiệu Hóa đã có bước phát triển khá toàn diện, bộ mặt nông thôn có nhiều khởi sắc, hạ tầng được đầu tư đồng bộ. Thu nhập bình quân đầu người năm 2021 ước đạt 50 triệu đồng/ năm, tăng gấp 3,4 lần so với năm 2011; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 0,7% (thấp hơn bình quân chung toàn tỉnh), đời sống vật chất, văn hóa tinh thần của người dân được nâng cao.
Ông Nguyễn Thế Anh - Chủ tịch UBND huyện Thiệu Hóa cho biết, huyện đã xác định xây dựng NTM là Nhà nước và nhân dân cùng làm. Do đó, huyện Thiệu Hóa đã tập trung huy động tốt nguồn lực trong dân để đầu tư xây dựng hạ tầng nông thôn theo đúng phương châm "lấy sức dân để lo cho dân", "lấy lợi ích nhân dân làm mục tiêu thực hiện".
Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền nên ngay từ những năm đầu triển khai, chương trình xây dựng NTM đã tạo được sự đồng thuận, ủng hộ của mọi tầng lớp nhân dân. Khắp nơi người dân đều chung tay góp sức thực hiện.
Trong quá trình xây dựng NTM, toàn huyện đã huy động hơn 9.130 tỷ đồng cho xây dựng NTM, trong đó nguồn lực huy động từ Nhân dân chiếm hơn 70%. Không ít hộ gia đình ngoài tự nguyện đóng góp theo mức chung còn ủng hộ thêm tiền mặt, ngày công hoặc hạng mục công trình, nâng tổng số tiền huy động được lên đến hàng trăm tỷ đồng.
Trong hơn 10 năm, nhân dân trong huyện đã tự nguyện hiến hơn 45 ha đất, đóng góp hàng nghìn ngày công lao động và tiền mặt để mở rộng đường làng, ngõ xóm, bê tông hóa đường giao thông nông thôn, xây dựng nhà văn hóa thôn, chỉnh trang nhà ở dân cư…
Toàn huyện đã phát động trồng được trên 82,9 km đường hoa, cây xanh; xây dựng được trên 18km đường giao thông, tường rào kiểu mẫu; vẽ hơn 300 bức tranh bích họa trên các tuyến đường, xây dựng hệ thống đèn đường, tạo cảnh quan sáng – xanh - sạch - đẹp.
Chú trọng phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập
Điểm nổi bật trong quá trình xây dựng NTM của huyện Thiệu Hóa, đó là chú trọng đến phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân.
Sau nhiều năm chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đến nay, trên địa bàn đã hình thành vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung đối với các sản phẩm nông nghiệp chủ lực của huyện, bảo đảm có quy mô đất đai, mặt nước lớn, liên xã theo quy định và phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương; áp dụng đồng bộ quy trình sản xuất bảo đảm an toàn thực phẩm và phát triển bền vững.
Trên địa bàn huyện Thiệu Hóa đã hình thành được 5 vùng sản xuất tập trung, quy mô lớn với tổng diện tích hơn 3.500 ha phát triển theo chuỗi giá trị. Trong đó, vùng lúa năng suất, chất lượng, hiệu quả cao diện tích 2.600 ha, vùng sản xuất rau an toàn tập trung 36 ha sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, vùng sản xuất ớt xuất khẩu diện tích 205 ha…
Qua thực hiện tích tụ, tập trung đất đai, trên địa bàn đã hình thành nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp có hiệu quả. 37/37 HTX dịch vụ nông nghiệp có hợp đồng liên kết, tiêu thụ sản phẩm lúa, ngô, ớt, khoai tây, rau màu các loại... với các doanh nghiệp, cửa hàng thực phẩm sạch, cửa hàng an toàn thực phẩm.
Cùng với sản xuất nông nghiệp, huyện Thiệu Hóa cũng tập trung chỉ đạo phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, xây dựng và đã trở thành ngành chủ lực tạo ra giá trị sản xuất, giải quyết nhiều việc làm cho người lao động, góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội và xây dựng NTM.
Trên địa bàn huyện có 3 làng nghề truyền thống được UBND tỉnh Thanh Hóa công nhận: Làng nghề đúc đồng Trà Đông, xã Thiệu Trung; làng nghề bánh đa Đắc Châu, xã Tân Châu; làng nghề ươm tơ, dệt nhiễu Hồng Đô, thị trấn Thiệu Hóa.
Ngoài ra, huyện Thiệu Hóa đã có 5 sản phẩm được UBND tỉnh Thanh Hóa công nhận sản phẩm OCOP 3 - 4 sao, đó là: trống đồng Quý Châu, trống đồng Toàn Linh, dưa vàng, dưa chuột Baby Vạn Hà, cơm cháy Ánh Dương.
Ông Nguyễn Thế Anh - Chủ tịch UBND huyện Thiệu Hóa, cho biết: Quy hoạch xây dựng vùng huyện Thiệu Hóa, đến năm 2045 đã được UBND tỉnh Thanh Hóa phê duyệt tại Quyết định số 5588/QĐ-UBND ngày 30-12-2020.
Thời gian tới, huyện tiếp tục tập trung chỉ đạo đẩy mạnh phát triển công nghiệp và dịch vụ; tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng quy mô lớn, công nghệ cao, có hình thức tổ chức sản xuất và cơ cấu kinh tế hợp lý. Đồng thời, tiếp tục chỉ đạo nâng cao chất lượng lĩnh vực văn hóa – xã hội.
Huyện Thiệu Hoá phấn đấu đến năm 2025, thu nhập bình quân đầu người đạt 70 triệu đồng/người/năm; mỗi xã có ít nhất 1 thôn đạt tiêu chí NTM kiểu mẫu, toàn huyện có 50 thôn kiểu mẫu; 12 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, 4 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.