Thiếu iốt vì… hạt nêm

Thứ ba, ngày 20/12/2011 20:30 PM (GMT+7)
Nhu cầu sử dụng muối của người dân thành phố đã có nhiều thay đổi, chuyển từ muối iốt sang các loại bột canh hay hạt nêm hiện đại... Đây là một trong những nguyên nhân quan trọng gây thiếu hụt iốt ở một bộ phận lớn dân cư, đặc biệt là người thành thị
Bình luận 0

Khi sử dụng muối iốt nên để trong lọ có nắp đậy hoặc túi nilông buộc kín. Do iốt là chất dễ bay hơi nên lưu ý không rang muối iốt, không để muối iốt gần bếp lửa nóng hay nơi có ánh nắng chiếu vào. Dùng xong mỗi lần rửa lọ sạch, phơi khô xong lại dùng tiếp đợt khác. Muối iốt không làm thay đổi mùi vị thức ăn mà hoàn toàn như muối thường, được dùng để cho vào thức ăn.

Hiện đại cũng lo

Bà Nguyễn Lan Anh, 60 tuổi (ở Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết, mấy năm nay gia đình đã dùng hạt nêm để nấu nướng trong bữa ăn hàng ngày. Đặc biệt, khi làm các món xào hay nấu canh, bà chỉ dùng hạt nêm, chỉ khi nào nấu đồ kho mặn bà mới dùng một muối.

img
 

Thói quen dùng hạt nêm, nước mắm cũng khá phổ biến ở các gia đình thành thị. Chị Ngọc Minh, ở phố Bạch Mai (Hai Bà Trưng, Hà Nội) chia sẻ, gia vị nêm nếm nhà chị đủ cả, từ muối, bột canh, hạt nêm, nước mắm, nước tương. Thế nhưng một vài năm nay chị thường có thói quen dùng hạt nêm và nước mắm khi nấu ăn, rất ít khi dùng muối. Ngay cả khi chế biến đồ ăn cho con nhỏ 18 tháng tuổi chị cũng sử dụng chủ yếu là nước mắm và hạt nêm chứ hầu như không cho muối.

Theo giới chuyên môn, thói quen dùng bột nêm thay muối để nấu ăn đang là một trong những nguyên nhân làm gia tăng các bệnh do thiếu iốt. Một kết quả khảo sát của Tổng Cục thống kê vừa được công bố khiến mọi người không khỏi giật mình khi mà độ bao phủ muối iốt đủ tiêu chuẩn phòng bệnh đang giảm đáng kể. Hiện chỉ khoảng 45% người dân sử dụng muối iốt đảm bảo đủ tiêu chuẩn phòng bệnh của Tổ chức Y tế thế giới. Nếu so sánh với năm 2005, tỷ lệ này giảm 48.3%.

Đây cũng là lý do kéo theo các bệnh lý về thiếu hụt iốt đang gia tăng tại Việt Nam. Theo TS Nguyễn Văn Tiến, Giám đốc Bệnh viện Nội tiết Trung ương, số bệnh nhân bướu cổ tới khám và điều trị tại viện đang có xu hướng tăng và chiếm đến gần 50% tổng số bệnh nhân vào viện. Tỷ lệ thiếu iốt ở thai phụ cũng đang ở mức báo động. Theo kết quả điều tra, có tới 44,6% thai phụ ở ba khu vực là miền Đông Nam Bộ, miền Tây Nam Bộ và TP. HCM bị thiếu iốt từ trung bình đến nặng.

Do chỉ dùng hạt nêm, muối thường

Lý giải tình tình trạng “lười” dùng muối iốt, bác sĩ Lê Phong, Bệnh viện Nội tiết Trung ương cho biết, tỷ lệ sử dụng iốt sụt giảm những năm gần đây là do nhận thức của người dân về tầm quan trọng của iốt với sức khỏe. Có một thực tế là nhiều gia đình ở thành thị đang thay thế việc dùng muối iốt bằng các chế phẩm gia vị khác như hạt mên, bột canh, nước mắm hoặc sử dụng gia vị muối, bột canh mà không chú ý đến thành phần iốt.

img
 

Trong khi đó Nghị định 163/2005/NĐ-CP qui định về sản xuất và cung ứng muối ăn cho người nhưng các địa phương chưa được thực hiện đầy đủ, do ngay cơ quan chức năng vẫn đang vui mừng vì VN đã thanh toán các bệnh do thiếu iốt từ 2005, mà không biết rằng nếu chế độ ăn thiếu iốt, bệnh sẽ trở lại. Trên toàn quốc hiện nay có 75 cơ sở sản xuất bột canh, muối ăn đáp ứng đủ nhu cầu sử dụng cho mọi người dân, thế nhưng các cơ sở sản xuất chưa tuân thủ việc bổ sung iốt vào muối ăn, chính vì thế trên thị trường vẫn có muối iốt, muối thường, bột canh iốt và bột canh thường.

Theo bác sĩ Phong, hiện nay muối iốt bảo đảm chất lượng được quy định tại nơi sản suất là 30 +- 10 mcg iốt/10g muối (30 +- 10 ppm). Nước mắm bổ sung iốt được thực hiện năm 1995 nhưng không khả quan. Với hạt nêm, việc bổ sung iốt trong quá trình tạo ra sản phẩm cũng rất khó vì khi sấy khô hạt nêm phải sử dụng nhiệt độ rất cao, trong khi đó Iốt chỉ chịu nhiệt 100 độ C trở xuống. Nếu nhiệt độ cao hơn Iốt sẽ bị phân hủy và mất tác dụng. Như vậy, với hạt nêm, công đoạn sấy khô ở nhiệt độ cao sẽ làm iốt bốc hơi hết. “Có thể các loại hạt nêm này đều có chứa iốt song thực tế thì hàm lượng, giá trị vi chất dinh dưỡng trong sản phẩm chế biến đã giảm đáng kể.

Chính vì thế Chương trình phòng chống bướu cổ do Bộ Y tế chủ trì đang nghiên cứu đưa iốt vào nhiều loại sản phẩm ngoài muối như nước mắm, hạt nêm, nước tương... đạt hiệu quả phòng bệnh, giúp người dân có thêm nhiều chọn lựa trong việc sử dụng thực phẩm hằng ngày. Năm 2010 Bệnh viện Nội tiết Trung ương đã phối hợp với một doanh nghiệp nghiên cứu, tính toán hàm lượng đưa vào các sản phẩm hạt nêm để từ đó có thể đưa ra một công thức định lượng chung khuyến cáo đối với các cơ sở sản xuất sản phẩm này"- bác sĩ Phong thông tin.

Theo giới chuyên môn trong thời điểm này, mong người dân chia sẻ, sử dụng phối hợp muối iốt cùng với các phụ gia nêm nếm khác trong bữa ăn hàng ngày để phòng chống các bệnh do thiếu hụt iốt. Riêng với trẻ em, nhất là lứa tuổi ăn dặm, khi chế biến thức ăn, các bậc phụ huynh cũng nên sử dụng muối iốt để chế biến thức ăn cho trẻ.

Tác hại khó lường

Các bác sĩ cũng thông tin thêm, trước đây bệnh bướu cổ được coi là bệnh của người dân miền núi, vùng sâu, vùng xa, nhưng vài năm trở lại đây, căn bệnh này đã được phát hiện nhiều ở vùng đồng bằng, thậm chí ở Hà Nội và TP. HCM. Tuy nhiên, bướu cổ chỉ là biểu hiện nhẹ nhất của thiếu iốt.

img
 

Theo bác sĩ Tiến, trẻ em và phụ nữ mang thai là những đối tượng rất dễ bị thiếu iốt do nhu cầu tăng cao. Thiếu iốt ở thai phụ dễ xảy ra sảy thai, thai chết lưu hoặc sinh non, nếu thiếu iốt nặng trong giai đoạn mang thai trẻ sinh ra sẽ bị đần độn, câm, điếc, liệt chân, nói ngọng, câm điếc, lé mắt và các dị tật bẩm sinh khác. Thiếu iốt ở trẻ em sẽ gây chậm phát triển trí tuệ, chậm lớn, nói ngọng, nghễnh ngãng...

Ngoài ra thiếu iốt còn gây ra bướu cổ, thiểu năng tuyến giáp ảnh hưởng lớn đến sự phát triển và hoạt động của cơ thể, giảm khả năng lao động, mệt mỏi... Nếu lượng iốt được cung cấp quá nhiều do cung nhiều hơn cầu hoặc uống thuốc chứa iốt thường xuyên... sẽ gây nên hội chứng cường giáp, ngoài ra còn có u tuyến độc giáp, viêm tuyến giáp. Vì thế các tốt nhất để bổ sung iốt là sử dụng muối và các chế phẩm có chứa iốt.

Ông Nguyễn Mạnh Hùng - Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam cho rằng, ở nhiều nước, cơ quan chức năng quy định rõ, bắt buộc nhà sản xuất ghi rõ nước mắm nguyên chất, nước mắm pha chế, để người tiêu dùng phân biệt, lựa chọn. Việt Nam chưa quy định rõ điều này nên nhiều đơn vị mua nước mắm có nồng độ đạm cao rồi pha chế, thêm chất phụ gia, hương liệu... ra sản phẩm, rồi gọi chung là nước mắm. Hiện các sản phẩm nước mắm bán trên thị trường nước ta vẫn ghi chung chung tên sản phẩm là nước mắm chứ không phân biệt nước mắm nguyên chất vànước mắm pha chế.

Liên tiếp trên các diễn đàn của người tiêu dùng xuất hiện các ý kiến lo ngại về tác hại của chất I & G trong hạt nêm. Có ý kiến cho rằng I & G, kết hợp từ hai chất Disodium 5’ – Guanylate và Disodium 5’ – Inosinate.

Theo nghiên cứu của các chuyên gia thuộc cơ quan Quản lý thực phẩm và dược phẩm Hoa Kỳ, hai chất trên nếu kết hợp với nhau sẽ tạo ra một số độc chất, nếu tích trữ trong cơ thể người quá nhiều, chúng có thể gây quái thai và rối loạn chuyển hóa. Chúng tôi đã đem câu hỏi chất I & G có gây hại tìm hiểu các nhà chuyên môn.


TS Vũ Ngọc Quỳnh - Tổng Thư ký Ủy ban Tiêu chuẩn thực phẩm VN (Ủy ban CODEX VN - Bộ Y tế)

“Theo Quyết định số 3742/2005/QĐ-BYT ngày 8.12.2005 của Bộ Y tế về việc ban hành “Quy chế về công bố tiêu chuẩn sản phẩm thực phẩm” tại Điều 3, Khoản 2, Điểm 2.4, Tiết a, nêu rõ: Phụ gia thực phẩm ngoài danh mục được phép sử dụng của Việt Nam nhưng được phép sử dụng ở nước sản xuất hoặc có trong danh mục của Codex, Bộ Y tế (Cục An toàn vệ sinh thực phẩm) sẽ xem xét trong trường hợp cụ thể để cho phép công bố tiêu chuẩn sản phẩm hoặc được nhập khẩu và sản xuất...

Hai chất I + G có trong danh mục phụ gia thực phẩm được phép sử dụng của Ủy ban Tiêu chuẩn thực phẩm quốc tế Codex nên được Cục An toàn vệ sinh thực phẩm - Bộ Y tế cấp phép nhập khẩu cho doanh nghiệp đạt các yêu cầu về an toàn vệ sinh thực phẩm và đáp ứng các điều kiện theo quy định, là đúng với thông lệ quốc tế và pháp luật Việt Nam.

PSG.TS Nguyễn Thị Lâm, Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng

Tôi đã nghe đến vấn đề gây tranh cãi xung quanh sản phẩm hạt nêm trong thời gian qua. Chúng ta nên nhìn nhận vấn đề một cách khách quan và trên khía cạnh khoa học. Hạt nêm bản thân cũng chỉ là một gia vị thực phẩm chứ hoàn toàn không có nhiều dinh dưỡng và không thay thế được thực phẩm chính.

Một trong những vấn đề dư luận quan tâm là hạt nêm có chứa bột ngọt, siêu bột ngọt với các tên khoa học là chất điều vị 621, 627,631, tất cả những chất này đều là những phụ gia được phép sử dụng trong ngành công nghiệp chế biến thực phẩm trên toàn thế giới, có chăng sự khác biệt là hình thức chúng ta sử dụng và liều lượng sử dụng mà thôi.

Nếu nói sản phẩm hạt nêm có chứa I+G gây nguy hại đến sức khỏe người tiêu dùng thì có phần thiếu khách quan và có thể ảnh hưởng đến uy tín của các doanh nghiệp liên quan vì thực chất I+G có mặt trong hầu hết các thực phẩm mà chúng ta sử dụng hàng ngày như nước tương, nước mắm, mì ăn liền, các thực phẩm chế biến sẵn,...

Theo các tài liệu khoa học về I + G của các tổ chức y tế uy tín hàng đầu trên thế giới như Báo cáo của Hội đồng Khoa học về thực phẩm của Cộng đồng chung châu Âu; Báo cáo của Hội đồng Chuyên gia về phụ gia thực phẩm (JECFA) của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Tổ chức Lương nông (FAO) của Liên hợp quốc; Cơ quan Quản lý thuốc và Thực phẩm Hoa Kỳ (FDA),... đều kết luận: bản thân từng chất I, G cũng như khi kết hợp lại với nhau thành hỗn hợp Disodium 5` - Ribonucleotides không ảnh hưởng đến sức khỏe người sử dụng.

Một số thông tin không chính xác về I + G có thể bắt nguồn từ việc giả thiết trong quá trình nghiên cứu, nhưng cho đến thời điểm hiện tại vẫn chưa có chứng cứ khoa học nào khẳng định về việc ăn hạt nêm tiềm ẩn những nguy hại về lâu dài đối với sức khỏe con người.

Theo Sức khỏe

 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem