Thiếu thuốc điều trị tay chân miệng ở tuyến tỉnh, bệnh nhi dồn hết lên bệnh viện TP.HCM

Bạch Dương Thứ hai, ngày 23/10/2023 14:47 PM (GMT+7)
Một số bệnh viện phía Nam như An Giang, Kiên Giang, Cần Thơ... chưa đủ các thuốc thiết yếu trị tay chân miệng, phải chuyển bệnh nhân nặng đến TP.HCM.
Bình luận 0
Thiếu thuốc điều trị tay chân miệng ở tuyến tỉnh, bệnh nhi dồn hết lên bệnh viện TP.HCM - Ảnh 1.

Trẻ khám tay chân miệng tại Bệnh viện Nhi đồng 1 TP.HCM. Ảnh: B.D

Nội dung này được đại diện các bệnh viện chia sẻ tại hội nghị giao ban trực tuyến công tác thu dung, điều trị các bệnh truyền nhiễm khu vực phía Nam do Sở Y tế TP.HCM vừa tổ chức.

Theo Viện Pasteur TP.HCM, sau khi số ca mắc đạt đỉnh lần thứ nhất tại tuần 30-31 (cuối tháng 7, đầu tháng 8), tình hình bệnh giảm dần cho đến tuần 36 (đầu tháng 9) bắt đầu bắt đầu tăng trở lại và tăng mạnh liên tục cho đến nay.

Tính đến tuần 40, số ca mắc đã vượt đỉnh thứ nhất của năm 2023 và vẫn đang tiếp tục tăng. Trong 9 tháng đầu năm 2023, tỷ lệ mắc mới trung bình của khu vực phía Nam là 229 ca/100.000 dân, số ca mắc tích lũy tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm 2022, chủ yếu tại các tỉnh miền Đông Nam Bộ, tuy nhiên về các trường hợp nặng và tử vong thì tại các tỉnh miền Tây lại chiếm tỷ lệ phần lớn (với 81%).

Bệnh nặng tập trung ở trẻ em dưới 3 tuổi (chiếm 77%), đã ghi nhận 23 trường hợp tử vong trong khu vực phía Nam (TP.HCM chưa có trường hợp tử vong). Tác nhân chủ yếu gây tay chân miệng năm nay là vi rút EV71.

Viện Pasteur TP.HCM đánh giá, hiện vẫn còn một số bệnh viện chuyên khoa sản nhi ở một số tỉnh trong khu vực chưa có đủ các thuốc thiết yếu (như gamma globulin, phenobarbital, milrinone), có bệnh viện tỉnh chưa triển khai được kỹ thuật lọc máu,… nên chưa đáp ứng yêu cầu điều trị kịp thời cho các bệnh nhi ngay khi chuyển nặng, buộc phải chuyển viện. Từ đó có thể xảy ra tình trạng chuyển bệnh không an toàn, bệnh nhân không được điều trị kịp thời dẫn đến các biến chứng nặng, thậm chí tử vong.

Việc chuyển bệnh hàng loạt lên TP.HCM cũng đồng thời gây quá tải cục bộ tại các bệnh viện tuyến cuối của TP. Hiện nay, 70% tổng số bệnh nhi tay chân miệng đang điều trị nội trú tại 4 bệnh viện tuyến cuối của TP.HCM là từ các tỉnh chuyển về.

Tác nhân chủ yếu gây tay chân miệng năm nay là EV71. Chủng virus này khiến người nhiễm bị bệnh nặng, nguy cơ tử vong nhiều hơn so với các tác nhân khác, từng gây các vụ dịch lớn vào các năm 2011 và 2018. Đặc điểm chung của dịch tay chân miệng do chủng này là thường kéo dài 4-5 tháng. Trong khi đó, khó khăn trong điều trị tay chân miệng là bệnh diễn tiến nhanh. Nhiều trẻ mắc tay chân miệng đang tỉnh táo vui chơi thì đột ngột giật mình chới với rồi nhanh chóng diễn tiến suy hô hấp, ngưng thở.

Trong bối cảnh đó, các chuyên gia điều trị bệnh truyền nhiễm phía Nam đề nghị các bệnh viện tuyến cuối khẩn trương mua sắm đầy đủ thuốc và vật tư trang thiết bị y tế thiết yếu để điều trị tay chân miệng, đảm bảo việc chẩn đoán, điều trị, chăm sóc người bệnh ngay tại chỗ.

Thiếu thuốc điều trị tay chân miệng ở tuyến tỉnh, bệnh nhi dồn hết lên bệnh viện TP.HCM - Ảnh 3.

Một trường hợp trẻ mắc tay chân miệng mức độ nặng. Ảnh: B.D

Chủ động hội chẩn từ xa các ca bệnh khó với các bệnh viện tuyến cuối hạn chế tình trạng chuyển viện không an toàn. Sở Y tế các địa phương hỗ trợ, đôn đốc và giám sát các bệnh viện trong việc cung ứng thuốc và vật tư trang thiết bị.

Với người bệnh nặng, nguy kịch, quá khả năng điều trị và phải chuyển viện TP.HCM, các bệnh viện cần hội chẩn trước khi chuyển cũng như bố trí đầy đủ về phương tiện, trang thiết bị y tế, theo dõi sát tình trạng người bệnh, đảm bảo được chuyển viện an toàn và hạn chế thấp nhất tử vong. Hạn chế tình trạng để bệnh nhân di chuyển tự túc.

Sở Y tế TP.HCM yêu cầu 3 bệnh viện nhi đồng và Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới tăng cường chỉ đạo tuyến, hỗ trợ chuyên môn cho các tỉnh, đặc biệt là địa phương có số ca mắc và ca nặng tăng cao. Tổ chuyên gia từ TP.HCM sẽ đến bệnh viện chuyên khoa sản nhi An Giang, Kiên Giang để hỗ trợ chuyên môn về điều trị bệnh tay chân miệng, đào tạo về lọc máu, giúp nâng cao năng lực, đáp ứng nhu cầu điều trị cho người dân ngay tại địa phương.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem