Ông Phạm Quang Hiền - Giám đốc Phát triển hệ thống bán lẻ ở miền Bắc của thương hiệu thịt mát MEATDeli cho biết, trong bối cảnh diễn biến dịch tả lợn châu Phi chưa được kiểm soát, MEATDeli xác định "lấy người tiêu dùng làm trọng tâm" khi cam kết cung cấp sản phẩm an toàn, sạch, tươi, ngon với giá cả ổn định để góp phần gia tăng thị phần thịt mát tại thị trường Thủ đô.
Với trên 260 địa điểm bán bao gồm các đại lý và hệ thống Vinmart, MEATDeli chiếm khoảng 5% thị phần thịt lợn tại Hà Nội.
100% sản phẩm thịt mát MEATDeli được kiểm soát về dịch bệnh, an toàn thực phẩm trước khi đưa đến tay người tiêu dùng. Ảnh: K.L
Hiện nay, nhà máy giết mổ trung bình 350 - 400 con lợn/ngày (công suất tối đa khoảng 3.600 con/ngày). Nguồn lợn dùng để chế biến thịt MEATDeli chủ yếu được nhập từ trang trại chăn nuôi khép kín tại Quỳ Hợp, Nghệ An của Masan và từ đầu tháng 10/2019 nhập một phần từ Công ty Japfa Comfeed Việt Nam.
"Chúng tôi có đặt vấn đề với những công ty lớn chăn nuôi theo chuỗi để nhập lợn về, nhưng chỉ có Công ty Japfa đáp ứng 3 tuyến kiểm soát dịch bệnh và chất lượng thịt mát khi cho phép lấy 100% mẫu nước giải, huyết đem về phòng thí nghiệm để kiểm soát dịch bệnh và giá mua cao hơn 2.000 đồng/kg" - ông Huỳnh Thái Hoàng - Phó Tổng Giám đốc Nhà máy MNS MEAT Hà Nam chia sẻ.
Trong quy trình giết mổ, tất cả lợn đưa vào nhà máy đều phải qua 3 tuyến kiểm dịch trước khi đến tay người tiêu dùng. Theo đó, chỉ lợn khỏe, không mang mầm bệnh mới được xuất trại đưa vào nhà máy và 100% thịt lợn được kiểm tra an toàn mới xuất bán ra thị trường. Do kiểm soát nghiêm ngặt về dịch bệnh và an toàn thực phẩm nên giá thành sản phẩm MEATDeli tăng cao hơn so với thị trường bên ngoài khoảng 12.000 đồng/kg.
Tuy nhiên, để giữ ổn định giá bán, phía Masan MEATLife chủ trương "tận dụng từng chuỗi giá trị để giảm chi phí trên đầu lợn" một cách tối ưu nhất. "Thí dụ, hiện ngoài thị trường 2,5kg thức ăn gia súc cho 1kg thịt lợn thì chúng tôi cải tiến còn 2,4kg thức ăn cho 1kg thịt lợn" - ông Hoàng nói.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.