Thợ săn thành phố: Thân lươn bao quản lấm đầu… (Kỳ 2)

Thứ hai, ngày 02/02/2015 09:16 AM (GMT+7)
Cũng sống nhờ vào nghề săn bắt trên dòng sông, lềnh đềnh theo con nước, với hơn trăm chiếc ống trắm đánh lươn. Cứ trưa hôm trước đi đặt, trưa hôm sau đi thu, có ngày vợ chồng anh Nam kiếm được vài triệu đồng, nhưng có những ngày chỉ kiếm được vài ba con.
Bình luận 0

Đi dọc bờ kênh, những khu chợ tự phát bên đường trên địa bàn quận 2, TPHCM, khi hỏi đến vợ chồng anh Nguyễn Văn Nam (42 tuổi) và chị Lê Thị Tuyết (39 tuổi, quê Tây Ninh) đánh lươn, hầu như ai cũng biết.

Hai vợ chồng anh và đứa con nhỏ chưa đầy 2 tuổi ngày nào cũng trên chiếc ghe nhỏ đi khắp các con kênh, dọc bờ sông để đặt ống trúm bẫy lươn. Anh làm nghề này từ khi còn trẻ đến nay cũng đã hơn 20 năm. Hầu hết kênh, rạch ở Sài Gòn anh cũng đã từng đặt chân đến.

img

Lươn đánh được chị Tuyết đem ra lề đường bán với giá 200 nghìn/kg.

Hằng ngày, anh chị đi từ sáng, đến xế chiều mới đặt xong hơn trăm cái ống lươn. Đặt ống lươn xong hai vợ chồng cùng đứa con nhỏ lại dong ghe đi thả lưới, bắt cá. Đối với vợ chồng anh thì săn lươn mới là nghề chính, thả lưới bắt cá chỉ là phụ và chủ yếu để lấy cá về làm mồi săn lươn.

Theo anh Nam, thời gian đầu chủ yếu anh dùng trùn (giun đất) làm mồi. Ngày nào anh cũng đều đi đãi trùn chỉ ở sông. Tuy nhiên, dùng trùn làm mồi không lươn không thích nên mỗi ngày đặt mấy chục chiếc ống bẫy cũng chả kiếm được bao nhiêu.

“Hồi đó nhiều người đi đánh lươn cũng dùng trùn làm mồi nhử nên mình học theo. Ngày nào cũng trầm mình dưới sông, lấy rổ đãi một mớ trùn về làm mồi. Đãi trùn vất vả thế nhưng về đánh, lươn không ăn nhiều nên mỗi ngày chỉ kiếm được vài kí là cùng”, anh Nam nói.


Anh Nguyễn Văn Nam
 Nhiều lần gặp nhau trên sông nói chuyện mới biết cô ấy cũng cùng quê và đến đây làm cùng nghề nên thấy hợp nhau. Quen nhau được khoảng hơn một năm thì cưới, rồi hai vợ chồng chuyển ra ở trên chiếc ghe đến nay luôn 
Một thời gian dài dùng trùn làm mồi nhưng không hiệu quả, anh Nam tìm nhiều cách chế mồi cho lươn dễ phát hiện và làm sao thu hút được lươn vào trong ống.

 

“Nhiều lần mình mua các loại mồi câu ở các tiệm câu cá về đánh nhưng vẫn không hiệu quả. Nghĩ đi nghĩ lại thì đồ ăn thiên nhiên vẫn thích hợp hơn. Mình đi bắt cá về luộc lên rồi bóc thịt làm mồi. Không ngờ lươn lại thích ăn cá luộc”.

Sau khi phát hiện ra cá luộc có sức hấp dẫn đối với lươn, anh Nam sắm thêm bộ chài lưới để đi bắt cá. Hằng ngày, khi đặt ống lươn xong, anh đem lưới đến những khu vực khác thả. Một mặt kiếm thêm thu nhập, mặt khác, anh bắt cá về làm mồi bẫy lươn.

img

Mỗi ngày anh Nam đặt ống lươn vào buổi trưa, chiều hôm sau đi thu lại

Anh Nam cho biết, làm mồi săn lươn cũng rất công phu vì nếu không đạt thì khó thu hút lươn, còn nếu không cẩn thận thì mồi tan vào nước rất nhanh. Để có đủ mồi cho 100 ống lươn, mỗi lần làm anh phải luộc hơn 2kg cá rô phi. Sau đó lột lấy thịt rồi bóp nát, trộn với đất bùn có độ ẩm vừa phải.

“Số lượng bùn và cá phải phù hợp, nếu nhiều bùn mà ít cá thì sẽ không có mùi, ít bùn nhiều cá thì mồi tan rất nhanh. Trộn cá với đất xong nắm thành từng viên nhỏ sao cho chắc, khi xuống nước lâu bị tan thì mồi mới đạt. Khi cắm ống xuống nước, mồi sẽ ngấm nước và tan từ từ, lan tỏa ra ngoài, lươn đánh mùi được sẽ tìm đến chui vào ăn”.

Hàng chục năm săn lươn, từ khi giá lươn chỉ có mấy chục ngàn một kg, đến nay, anh chị bán dọc đường cũng trên 200 nghìn/kg. Ngày nào gặp may, vợ chồng anh đánh được cả chục kí lươn, kiếm được cả triệu đồng. Tuy nhiên, bình thường, mỗi ngày anh chị chỉ đánh được vài kí, trừ tiền xăng, ăn uống sinh hoạt chỉ còn dư chút ít.

Đặt nhiều nơi, nhiều chỗ, nhiều khi cũng làm mất ống lươn vì không nhớ hết vị trí. Anh Nam nói: “Ngày trước, một mình đi chỉ đặt dăm chục cái là cùng, nhiều lúc không nhớ chính xác vị trí đặt nên khi nước lớn không tìm ra, phải đợi đến khi thủy triều xuống, nước rút hết thì mới đến tìm. Nhiều khi bị nước cuốn hoặc bùn vùi lấp coi như mất luôn”.

Để không bị mất ống lươn, anh Nam tìm cách đánh dấu từng vị trí đặt làm sao cho dễ nhớ. “Ban đầu mình lấy sợi dây cước dài, có màu buộc vào để nước lên thì sợi dây vẫn nổi mình dễ nhìn thấy. Nhưng buộc dây như vậy tàu bè chạy qua nhiều khi bị cuốn vào chân vịt rồi kéo cả ống đi mất, nên sau này cứ đặt ống ở đâu là mình bẻ gập một cành cây ở sát bên đó làm dấu”. Anh Nam nói thêm, ngày xưa tập tễnh vào nghề thường hay bị mất, nhưng nay mất ống lươn là hi hữu.

Anh Nam kể, vợ chồng anh bén duyên cũng nhờ vào nghề săn lươn này. Khoảng năm 2007, trong một lần đặt ống lươn trên kênh ở quận 2 thì gặp chị cũng đang đi đặt ống lươn.

“Lúc đó mình gặp vợ đang một mình chèo ghe đi giống mình nên chạy lại gần bắt chuyện. Nhiều lần gặp nhau trên sông nói chuyện mới biết cô ấy cũng cùng quê và đến đây làm cùng nghề nên thấy hợp nhau. Quen nhau được khoảng hơn một năm thì cưới, rồi hai vợ chồng chuyển ra ở trên chiếc ghe đến nay luôn”.

Cả gia đình sống trên ghe từ ngày này qua ngày khác. Mỗi ngày chỉ lên bờ một lần vào tầm xế chiều, sau khi thu được lươn mới lên để đi bán. Lúc này, đứa con trai nhỏ của anh chị cũng mới được lên bờ. Trò chơi duy nhất của bé là bốc cát, chạy chơi xung quanh bãi đất trống trong lúc mẹ bán hàng ngoài đường. Đến chập tối cả gia đình quay về với chiếc ghe, lấy nước sông tắm.

XEM THÊM: Thợ săn thành phố và nghề đặt bẫy chim trời, cá... phóng sinh
(Theo Tiền Phong)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem