Trồi là cây mọc tự nhiên, thích hợp với nhiều chất đất khác nhau và có ở khắp mọi nơi từ đất cằn sỏi đá cho đến vùng rừng sâu rậm rạp. Trồi có thân gỗ cứng, chậm phát triển, những cây cao lớn trên 10 mét, đường kính 0,5 mét có tuổi đời lên tới hàng chục năm.
Cây trồi được “nhân giống” tự nhiên trong rừng bằng sự rơi rụng của quả, sau đó gặp điều kiện mưa ẩm thích hợp, mùn đất vùi lấp sẽ tự mọc lên. Cây trồi tính từ khi trái rụng mọc thành cây sau khoảng 5 năm phát triển thì mới bắt đầu ra hoa, thường vào khoảng tháng ba hằng năm. Sau 2 tháng nữa thì hoa mới kết trái, rồi già và rơi rụng. Trái trồi rừng lúc già có màu xám, hình bát úp, to cỡ quả trứng vịt, hạt nhỏ…
Trái trồi rừng đã luộc chín (ảnh: Võ Văn Thành)
Người dân nơi đây có ba cách để thu hái loại quả này. Thứ nhất, đến mùa trái trồi già, người dân vào rừng trèo lên cây để thu hái. Thứ hai, dùng một chiếc nghoèo cột vào đầu cây sào để vặn cho trái rơi xuống, rồi thu nhặt. Cách thứ ba, nhặt những trái trồi đã rơi rụng dưới đất. Trong ba cách đó người dân thường chọn cách thứ ba, bởi cách này không mất nhiều công sức, vừa an toàn, lại giúp người dân chọn được những quả trồi đã già.
Bên trong trái trồi đã luộc chín (ảnh: Võ Văn Thành)
Theo kinh nghiệm của người dân nơi đây, trái trồi ngon bùi nhất phải là món luộc. Trái sau khi thu nhặt về phải rửa sạch, cho vào nồi đổ ngập nước, luộc khoảng 30 phút như luộc sắn, rồi đổ ra rổ cho ráo nước là có thể ăn được. Không giống với nhiều loại trái cây khác, trái trồi có phần thịt, vỏ rất cứng nên khi ăn, phải dùng búa đập mạnh, hoặc dùng dao chặt chẻ, sau đó mới dùng tay tách lấy hạt để ăn.
Trái trồi rừng khi luộc có sức lôi cuốn người thưởng thức bởi mùi vị thơm bùi như lạc luộc, lại có vị béo, ngọt nhẹ nơi đầu lưỡi rất hấp dẫn. Vì vậy mà từ lâu loại trái cây này đã được người dân nơi đây xem như là một loại trái “đặc sản” của núi rừng xứ Nghệ…
Vui lòng nhập nội dung bình luận.