Thôn làng đẹp như phố thị

Thứ bảy, ngày 23/10/2010 07:59 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Dù chưa được chọn làm thí điểm xây dựng mô hình nông thôn mới (NTM) nhưng xã Gia Trấn (Gia Viễn, Ninh?Bình) đã chủ động tập trung xây dựng NTM từ nhiều năm nay.
Bình luận 0
img
Đường giao thông nông thôn ở Gia Trấn đã được bê tông hoá.

Đường ra tận đồng

Chúng tôi tìm về xã Gia Trấn vào đúng thời điểm bà con đang thu hoạch vụ lúa mùa. Dẫn chúng tôi đi thăm xã, ông Vũ Hồng Hạ- Chủ tịch UBND xã nói: "Mấy năm trước đây, những con đường này mới còn là đường đất, đi lại khó khăn lắm.

Trước thực trạng đó, chúng tôi họp bàn với bà con quyết tâm làm đường bằng cách nhân dân đóng góp là chủ yếu, cộng với sự hỗ trợ của các doanh nghiệp". Chỉ riêng từ năm 2004 đến nay, Gia Trấn đã làm được gần 15,4km đường bê tông liên xã, liên thôn, liên xóm. Xã còn làm hơn 6,35km đường nội đồng cấp phối. Đường sá được bê tông hóa thuận tiện cho bà con ra đồng và cha mẹ đưa con em đến trường...

Ông Vũ Hồng Hạ cho biết thêm: "Trong vòng chưa đầy 6 năm, Gia Trấn đã huy động được 40 tỷ đồng để xây dựng NTM. Tuy nhiên, để công việc triển khai được thuận lợi hơn, xã rất mong có sự hỗ trợ, quan tâm về cả chính sách lẫn nguồn vốn để việc xây dựng NTM nhanh hơn nữa".

Ông Hạ cho biết: "Chúng tôi thống nhất với nhau phương thức đóng góp: Người dân góp 90%, nhà nước 10%. Trong số 90% của nhân dân cũng được xã hội hoá một phần từ kinh phí của các doanh nghiệp, nhà hảo tâm".

Đối với các hộ nghèo, xã chủ trương cho họ góp vốn bằng ngày công lao động thay vì đóng góp bằng tiền, nên hộ nào cũng có điều kiện tham gia thực hiện.

Ở Gia Trấn đang phổ biến cách làm như sau: Những người ở quê đi xa về đóng góp đầu tư cho xã một số vốn để làm “mồi”, từ đó kích thích người dân cùng tham gia đóng góp để làm đại trà.

Nói với chúng tôi về cách làm này, ông Hạ cho biết thêm: "Gia Trấn vẫn là một xã nghèo, việc huy động dân đóng góp không dễ dàng nếu như không có những người đi tiên phong, làm điểm, tạo ra sự khích lệ. Nên cách làm huy động nguồn vốn này rất có hiệu quả".

img
 

Hiện đại nhưng vẫn giữ lũy tre làng

Không ít địa phương gặp khó khăn lớn trong việc xây dựng NTM ở khâu xây dựng và cung cấp nước sạch. Nhưng Gia Trấn đã làm được điều đó. Trước thực trạng nguồn nước bị nhiễm asen ngày càng nhiều, năm 2006, Gia Trấn khởi công xây dựng nhà máy nước sạch trị giá gần 11 tỷ đồng phục vụ cho 1.776 hộ với 6.365 nhân khẩu của 4 thôn theo phương thức, nhà nước hỗ trợ 45%, dân đóng góp 55% (nhưng thực tế chỉ phải đóng trước 10%, 45% còn lại trả dần trong nhiều năm). Đến nay, công trình đang hoàn thành những công đoạn cuối cùng để đấu nối đường ống đến từng hộ dân.

Ông Vũ Xuân Viển- Trưởng thôn Nam Phúc, tự hào: "Bây giờ ở thôn chúng tôi đẹp chẳng khác nào đô thị, đường cứ chạy băng băng, tối đèn điện thắp sáng, ban ngày có người dọn vệ sinh sạch sẽ. Tuy đường bê tông hoá, nhưng theo góp ý của nhiều cụ cao niên, thôn vẫn giữ lại luỹ tre làng".

Để tập trung xây dựng cơ sở hạ tầng, xã khuyến khích người dân tham gia họp bàn, đánh giá, góp ý kiến và thành lập Ban kiến thiết, tổ tự quản, giám sát thi công công trình, đảm bảo đúng tiêu chí "dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra".

Không chỉ chú trọng xây dựng cơ sở hạ tầng, Gia Trấn còn rất chú trọng việc xây dựng nếp sống văn hoá cho nhân dân, như giảm hủ tục trong các đám hiếu, hỉ. Đặc biệt, xã đã lập một số câu lạc bộ: Câu lạc bộ Chống bạo lực gia đình, câu lạc bộ Những người thôi uống rượu, câu lạc bộ Dưỡng sinh…

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem