“Thủ phủ” điều tìm cách nâng cao khả năng cạnh tranh

Nguyên Vỹ Thứ sáu, ngày 19/05/2017 10:40 AM (GMT+7)
Dù được mệnh danh là “thủ phủ” hạt điều cả nước nhưng những hạn chế nội tại đang buộc Bình Phước phải có những thay đổi mang tính chiến lược, mạnh mẽ hơn để nâng cao năng lực cạnh tranh ngành điều trên thị trường thế giới.
Bình luận 0

Trồng điều FLO  – xu hướng mới

Với 2ha điều, song ông Lê Thành Đô (thị xã Đồng Xoài) vẫn là một trong rất nhiều nông dân trồng điều quy mô nhỏ ở Bình Phước. Chính vì vậy, ông Đô không tiếp cận được với các dịch vụ tư vấn chuyển giao kỹ thuật, thường phải bán sản phẩm qua tay thương lái nên giá rất bấp bênh, thu nhập không ổn định. Tuy nhiên, từ ngày tham gia làm thành viên hợp tác xã (HTX) Phước Hưng để sản xuất điều theo tiêu chuẩn thương mại công bằng, việc trồng điều của ông Đô cải thiện hơn hẳn.

img

  Ngành điều Bình Phước đang đặt ra những nhiệm vụ đổi mới để khẳng định thương hiệu. 
Ảnh: N.V

“Tham gia chứng nhận và được dán nhãn công bằng thương mại, chúng tôi được hưởng lợi nhiều hơn khi HTX tạo điều kiện thu mua, giá bán ổn định, ngoài ra lại có quỹ phúc lợi hỗ trợ an sinh” - ông Đô nói.

Thông tin cụ thể hơn về điều này, ông Vũ Đức Bộ - Giám đốc HTX Phước Hưng (thị xã Đồng Xoài) cho biết: “Sản xuất điều theo tiêu chuẩn thương mại công bằng, nông dân sẽ có cơ hội tiếp cận tốt với khách hàng toàn cầu từ việc đảm bảo tiêu chí về nguồn gốc sản phẩm, bảo vệ môi trường. Đặc biệt, quyền lợi của người nông dân sản xuất nhỏ sẽ được bảo vệ”.

Được Tổ chức nhãn hiệu thương mại công bằng quốc tế (The Fair Trade Labelling Organization International-FLO) công nhận dán nhãn “Thương mại công bằng quốc tế”, HTX Phước Hưng liên tục mở rộng vùng sản xuất, tăng sản lượng thu mua và tìm đối tác xuất khẩu. Hiện HTX có 280 thành viên, diện tích canh tác 769ha, sản lượng điều thô đạt hơn 2.200 tấn/năm. Dự kiến năm 2017, HTX sẽ thu mua trên 2.000 tấn của thành viên đã được chứng nhận liên kết với nhà máy.

Được biết, HTX Thành Lợi, xã Phú Trung (huyện Phú Riềng) cũng đang bắt tay vào sản xuất điều theo tiêu chuẩn FLO để đánh giá và chứng nhận vào năm 2018.

Ông Trần Văn Phụng - Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Bình Phước cho biết: “Triển khai mô hình này, chúng tôi mời gọi doanh nghiệp, trang trại và nông dân giỏi vào HTX trước để làm nòng cốt, rồi nông hộ nhỏ lẻ làm theo, thay vì làm ngược như trước đây. Đến nay, sự tham gia của nhiều doanh nghiệp đã tạo ra các hoạt động tích cực cho các HTX sản xuất điều”.

Hợp tác đầu tư trong ngành điều là một nhiệm vụ quan trọng trong bối cảnh hội nhập. Với tư cách người đứng đầu chính quyền địa phương, tôi cam kết luôn khuyến khích và tạo mọi điều kiện thuận lợi về chính sách, thủ tục cho các nhà đầu tư vào địa phương”.

Ông Nguyễn Văn Trăm - Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước

Làm chỉ dẫn địa lý cho thương hiệu

Hiện toàn tỉnh Bình Phước có trên 134.000ha điều, chiếm gần 50% diện tích trồng điều của cả nước, trong đó 132.000ha đang cho thu hoạch, sản lượng đạt 150.000 tấn. Trên địa bàn tỉnh có hơn 200 doanh nghiệp và khoảng 400 cơ sở tham gia chế biến, sản xuất, kinh doanh điều và đang giải quyết việc làm cho khoảng 50.000 lao động, đồng thời góp phần nâng cao đời sống cho người dân ở vùng sâu, vùng xa.

Tuy nhiên trong quá trình phát triển ngành điều, tỉnh Bình Phước cũng nhận thấy sản phẩm kém đa dạng, chủ yếu là sơ chế nên giá trị gia tăng còn thấp; quy mô doanh nghiệp còn nhỏ, đầu tư dây chuyền công nghệ chưa đồng bộ… Những yếu tố này làm hạn chế khả năng cạnh tranh của hạt điều Bình Phước.

Ông Trần Văn Lộc - Giám đốc Sở NNPTNT Bình Phước cho biết, tình trạng biến đổi khí hậu gần đây cũng gây không ít khó khăn trong sản xuất điều. Để khắc phục, cách hiệu quả nhất chính là áp dụng các biện pháp khoa học công nghệ tiên tiến vào chế biến. Còn ông Nguyễn Anh Hoàng - Giám đốc Sở Công Thương Bình Phước thì cho rằng, ngoài các giải pháp thâm canh, xen canh, đẩy mạnh mô hình HTX, phát triển cánh đồng lớn, việc xây dựng chỉ dẫn địa lý cho thương hiệu điều Bình Phước cũng là giải pháp quan trọng để tiếp cận thị trường lớn hơn, tốt hơn.

Đại diện khối doanh nghiệp, ông Trần Hoàng Ý - Giám đốc Công ty Việt Hà đề nghị: “Tỉnh Bình Phước cần có chính sách ưu đãi tốt hơn để doanh nghiệp có điều kiện đầu tư nhà máy, công nghệ, nhất là hệ thống quản lý chất lượng. Tất nhiên, bản thân doanh nghiệp cũng phải chú trọng đến công tác bảo vệ môi trường. Khi có sự đoàn kết, ngành điều Bình Phước sẽ phát triển mạnh hơn nữa”.

Đồng tình quan điểm này, ông Nguyễn Đức Thanh - Chủ tịch Hiệp hội Điều Việt Nam cho rằng chất lượng hạt điều Bình Phước bước đầu đã được khẳng định, do đó để nâng cao giá trị hạt điều Bình Phước, cần tiến hành phân dòng sản phẩm, tạo thương hiệu riêng khi xuất khẩu chứ không để trộn lẫn như lâu nay. Khi tập trung vào chế biến, Bình Phước có thể thu lại giá trị cao ngay ở thị trường nội địa.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem