Thứ trưởng Phùng Đức Tiến: Ngành chăn nuôi còn dư địa lớn, Bộ NNPTNT lập đề án phát triển thức ăn chăn nuôi

Minh Ngọc (ghi) Thứ hai, ngày 21/03/2022 11:11 AM (GMT+7)
Ngành chăn nuôi nước ta được đánh giá có tiềm năng và dư địa phát triển rất lớn. Tuy nhiên, từ năm 2019 tới nay, dịch bệnh trên vật nuôi liên tục bùng phát, dịch Covid-19 tác động đến sản xuất và tiêu dùng, giá thức ăn công nghiệp liên tục tăng cao đã làm không ít hộ chăn nuôi “nản lòng”.
Bình luận 0

Theo Thứ trưởng Bộ NNPTNT Phùng Đức Tiến, chúng ta phải thực hiện đồng bộ các giải pháp để phát triển bền vững ngành chăn nuôi.

Trong thời gian vừa qua ngành chăn nuôi đã đẩy mạnh xây dựng vùng an toàn dịch bệnh để đáp ứng nhu cầu trong nước và xuất khẩu. Bộ NNPTNT đã có những chính sách gì để triển khai vùng an toàn dịch bệnh trong thời gian tới, thưa Thứ trưởng?

- Đầu tiên phải khẳng định an toàn dịch bệnh có vai trò rất quan trọng trong việc đảm bảo an toàn thực phẩm. Trong những năm vừa qua, Bộ NNPTNT đã triển khai kế hoạch hành động cũng như định hướng cho năm tiếp theo. Mới đây, Hội nghị xây dựng vùng an toàn dịch bệnh đã được tổ chức tại Bình Phước. Phải khẳng định trong 1 năm qua chúng ta đã xây dựng được rất nhiều vùng an toàn dịch bệnh.

Đến nay, rất nhiều doanh nghiệp đầu tư vào chuỗi chăn nuôi khép kín, như: Dabaco, CP, De Heus, TH, Vinamilk… Các doanh nghiệp phối hợp với các địa phương xây dựng vùng an toàn dịch bệnh. 

Tôi tin tưởng một cách chắc chắn rằng chúng ta giải quyết một cách đồng bộ từ con giống, thức ăn, thú y, phòng bệnh, xây dựng mô hình và xây dựng vùng an toàn dịch bệnh, chúng ta sẽ có sản lượng và giá trị sản lượng sẽ tăng rất nhanh.

Tiến tới chủ động một phần nguyên liệu thức ăn chăn nuôi - Ảnh 1.

Thứ trưởng Bộ NNPTNT Phùng Đức Tiến nhấn mạnh, chúng ta phải thực hiện đồng bộ các giải pháp để phát triển bền vững ngành chăn nuôi. Ảnh: Minh Ngọc

Ngành chăn nuôi được đánh giá có dư địa phát triển lớn. Để khai thác được dư địa này, xin Thứ trưởng cho biết, Bộ NNPTNT xây dựng chiến lược và chính sách gì để phát triển bền vững?

- Như chúng ta biết, tổng kết năm 2020 tỉ trọng ngành chăn nuôi 25,2% trong tổng giá trị ngành nông nghiệp. Để phát triển ngành chăn nuôi một cách bền vững, hiệu quả Bộ NNPTNT đã trình Thủ tướng Chính phủ ký phê duyệt chiến lược phát triển chăn nuôi giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2045 tại Quyết định số 1520 ngày 6/10/2020.

Mục tiêu cụ thể của Chiến lược là mức tăng trưởng giá trị sản xuất giai đoạn 2021 - 2025 trung bình từ 4 - 5%/năm; giai đoạn 2026 - 2030 trung bình từ 3 - 4%/năm.

Về định hướng phát triển chăn nuôi đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045: Chăn nuôi Việt Nam là ngành kinh tế kỹ thuật hiện đại và được công nghiệp hóa ở hầu hết các khâu từ sản xuất, chế biến, bảo quản đến kết nối thị trường tiêu thụ sản phẩm, trong đó trình độ và năng lực sản xuất thuộc nhóm dẫn đầu các nước trong khu vực Đông Nam Á. 

100% sản phẩm thịt gia súc, gia cầm hàng hóa được cung cấp từ các cơ sở giết mổ tập trung, công nghiệp và trên 70% khối lượng sản phẩm chăn nuôi chính được qua sơ chế, chế biến công nghiệp, trong đó có khoảng 30% được chế biến sâu.

Từ sau Tết Nguyên đán cho tới nay giá lợn hơi liên tục giảm, trong khi giá thức ăn công nghiệp liên tục tăng cao. Bộ NNPTNT đã có những giải pháp gì để "hạ nhiệt" về giá, đảm bảo thu nhập cho người chăn nuôi, thưa Thứ trưởng?

- Trong hơn 1 năm qua giá thức ăn công nghiệp tăng tương đối cao, đặc biệt đầu 2022 đã ảnh hưởng rất lớn đến ngành chăn nuôi. Trong khi thức ăn chiếm tới 65-70% giá thành.

Để giải quyết vấn đề này, sau nhiều năm nghiên cứu Viện Chăn nuôi cùng với các đơn vị đánh giá giá trị dinh dưỡng của các nguyên liệu ở các địa phương. Bằng phần mềm đưa ra được công thức thức ăn, phân tích giá trị thức ăn hỗn hợp. Kết quả nghiên cứu đã ứng dụng trên nhiều đối tượng. 

Ví dụ như chăn nuôi lợn có lợn ngoại, lợn bản địa, chăn nuôi gia cầm và đã được xử lý, nghiệm thu, nhân rộng. Trong thời gian tới sẽ tiếp tục được nhân rộng hơn.

Với cách làm như vậy thì giá thức ăn sẽ giảm 300 – 1.000 đồng/kg. Giá thành chăn nuôi sẽ giảm được 5 - 7%. Với giải pháp này sẽ giúp giảm giá thành sản xuất trong chăn nuôi.

Bộ NNPTNT đang xây dựng đề án phát triển thức ăn chăn nuôi. Tuy nhiên công suất của các nhà máy chỉ đáp ứng được 50%. Vậy trong thời gian tới ngành sẽ có định hướng gì khi các nhà máy chưa phát huy hết năng lực, trong khi giá thành thức ăn công nghiệp ngày càng tăng cao như hiện nay?

- Đầu tiên, người chăn nuôi cần tận dụng tối đa các nguyên liệu sẵn có, rồi từ phế phụ phẩm nông nghiệp. Thứ hai là chuyển một số diện tích đất trồng trọt không hiệu quả sang để trồng nguyên liệu thức ăn chăn nuôi.

Bộ NNPTNT đã chỉ đạo Tập đoàn De Heus phối hợp với các tỉnh Tây Nguyên để thành lập các HTX, tập trung chủ yếu vào phát triển vùng nguyên liệu trồng cây sắn và ngô để giảm áp lực nhập nguyên liệu từ nước ngoài.

Hiện cả nước có trên 200 nhà máy chế biến thức ăn chăn nuôi, công suất thiết kế và hoạt động còn chênh lệch rất lớn. Trong đề án phải giải quyết theo vùng miền gắn với các cơ sở chăn nuôi thì chúng ta phải có bước cơ cấu lại. Công nghệ như một dòng chảy, anh nào lạc hậu, không đảm bảo được tiêu chí thì tự đào thải.

Xin cảm ơn Thứ trưởng!

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem