Tại buổi đối thoại, chị Nguyễn Thị Khuyên, công nhân Công ty Canon Việt Nam hỏi Thủ tướng: "Hiện nay, cháu cùng nhiều công nhân làm việc nhưng chưa thực yên tâm bởi nhà ở không có, con không có trường học. Mặc dù công ty có nhà ký túc xá nhưng không đủ chỗ ở cho công nhân. Điều này khiến công nhân gặp nhiều khó khăn, không yên tâm làm việc. Vậy Chính phủ có phương án nào hỗ trợ nhà ở và trường học cho con em công nhân không?”.
Cũng theo chị Khuyên, hiện tại với mức lương 5 triệu đồng, chị chỉ đủ lo tiền ăn học, tiền thuê trọ, các khoản khác chị phải cắt giảm tối đa.
Với câu hỏi này, Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh, các địa phương không được phân biệt người bản địa hay người nhập cư. Đã là người dân sinh sống ở địa phương, con cái họ phải có nơi học, phải được hưởng chính sách như người bản địa. Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt chương trình xây dựng khu thiết chế cho công nhân, mục tiêu trọng tâm là xây dựng nhà ở, xây dựng trường học cho con em công nhân lao động.
Cũng liên quan tới câu hỏi này, ông Nguyễn Đức Chung – Chủ tịch UBND TP.Hà Nội cho biết, đơn vị này cũng bước đầu xây dựng được một số căn hộ mẫu cho công nhân lao động tại xã Kim Chung (Đông Anh, Hà Nội). Bên cạnh đó, thành phố giao cho huyện Đông Anh mở rộng các trường mầm non, nhận trông con em công nhân lao động. “Tới tháng 8 này, TP.Hà Nội sẽ tổ chức triển khai xây dựng thêm nhà ở xã hội ở Khu công nghiệp Bắc Thăng Long và Khu công nghiệp Quang Minh. Hy vọng với những chính sách này, đời sống của công nhân lao động sẽ được chăm lo tốt hơn”, ông Chung nói.
Thay mặt cho công nhân Hải Phòng, anh Trần Đức Toàn đặt câu hỏi liên quan tới việc giải quyết mối quan hệ giữa năng suất và phúc lợi. “Thưa Thủ tướng, muốn có năng suất lao động cao thì quan hệ giữa ông chủ và người lao động phải hài hòa, thân thiện, tôn trọng lẫn nhau. Tại nhiều doanh nghiệp, mối quan hệ này rất tốt, nhưng một số doanh nghiệp khác chưa làm tốt việc này. Thời gian tới, Chính phủ có giải pháp gì để hạn chế tình trạng vi phạm luật lao động của người sử dụng lao động ở các doanh nghiệp hay không?”, lao động Toàn nói.
Anh Trần Đức Toàn (Hải Phòng) đặt câu hỏi về việc có nhiều công ty chưa làm tốt công tác phúc lợi cho lao động. Ảnh: I.T
Trước câu hỏi này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, xây dựng quan hệ lao động hài hòa ổn định và tiến bộ tại doanh nghiệp là vấn đề mà Chính phủ đang hết sức quan tâm. Qua kiểm tra, giám sát, nhiều doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp Nhà nước đã thực hiện rất tốt việc đảm bảo hài hòa lợi ích giữa các bên. Song cũng có doanh nghiệp thực hiện chưa tốt việc này. Chính phủ đã giao các Bộ, ngành, địa phương rà soát chính sách, đổi mới tư duy thu hút đầu tư, làm tốt công tác hậu kiểm, phát hiện sớm và xử lý nghiêm doanh nghiệp vi phạm, nghiên cứu sửa đổi các quy định nhằm bảo vệ tốt nhất quyền lợi người lao động.
"Ở đây, vai trò của công đoàn trong việc thỏa thuận với chủ doanh nghiệp để đảm bảo quyền lợi cho người lao động, hài hòa với quyền lợi của doanh nghiệp là vô cùng quan trọng. Tôi đề nghị các cấp chính quyền và các cấp công đoàn cần vào cuộc mạnh mẽ hơn, quan tâm sâu sắc hơn đến đời sống của công nhân lao động", Thủ tướng nhấn mạnh.
Ngoài 2 câu hỏi trên, nhiều câu hỏi liên quan tới vấn đề khám chữa bệnh, giải quyết chế độ bảo hiểm xã hội, nâng tuổi nghỉ hưu, tính lương hưu cho lao động nữ nghỉ hưu từ 1.1.2018... đã được Thủ tướng Chính phủ và các bộ ngành giải đáp.
Riêng vấn đề lao động phản ánh về việc chủ nhà trọ thu tiền điện, tiền nước với giá đắt cắt cổ (3.000 đồng/số điện ; 8.000-10.000 đồng/khối nước), Thủ tướng yêu cầu Tập đoàn EVN và Sở Công Thương cùng địa phương tỉnh Hà Nam kiểm tra, xác minh nếu đúng cần xử lý sai phạm.
Kết luận tại buổi đối thoại, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, công nhân nước ta vẫn còn gặp nhiều khó khăn, một số vấn đề lớn mà công nhân đặc biệt quan tâm, bức xúc chưa được giải quyết hoặc giải quyết chưa triệt để. Bên cạnh nhiều Bộ, ngành, địa phương nỗ lực giải quyết các kiến nghị của công nhân, quan tâm, hỗ trợ, giúp đỡ công nhân thì vẫn còn một số Bộ, ngành và địa phương chưa tích cực tham mưu, chỉ đạo và tập trung giải quyết các nguyện vọng chính đáng của công nhân lao động.
Đối với doanh nghiệp, để nâng cao năng suất và phúc lợi cho người lao động, các doanh nghiệp cần phải tập trung ứng dụng khoa học, đổi mới công nghệ đi đôi với đào tạo đội ngũ chuyên gia, công nhân lành nghề để chủ động làm chủ khoa học – công nghệ ở từng doanh nghiệp...
Đối với các bộ, ngành và địa phương, Thủ tướng yêu cầu cần có chính sách và giải pháp quyết liệt tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, hỗ trợ người lao động. Phải kiên trì theo đuổi mục tiêu tăng năng suất và nâng cao phúc lợi ở từng doanh nghiệp thông qua việc tham mưu thể chế, lắng nghe doanh nghiệp và người lao động, kiểm tra, đôn đốc, kịp thời giải quyết các vấn đề phát sinh.
Trước đó, chiều 19.5, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã tới thăm khu thiết chế công đoàn (Khu công nghiệp Đồng Văn II) và trực tiếp tới thăm hỏi và tặng quà 3 hộ gia đình công nhân đang thuê trọ tại gia đình ông Lê Văn Tiến và bà Lương Văn Tỵ tại xóm 2, thôn Thần Nữ (xã Bạch Thượng, huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam).
Chiều 19.5, Thủ tướng thăm khu nhà mẫu dành cho công nhân ở Hà Nam.
Theo báo cáo của Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam, ngày 12.5.2017, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã ban hành Quyết định số 655/QĐ-TTg về việc phê duyệt đề án “Đầu tư xây dựng các thiết chế của công đoàn tại các khu công nghiệp, khu chế xuất”. Mục tiêu đầu tư xây dựng nhà ở, nhà trẻ, siêu thị và các công trình văn hóa, thể thao tại các khu công nghiệp, khu chế xuất. Từ đó, tạo điều kiện nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho công nhân trong các khu công nghiệp, khu chế xuất.
Bên lề của buổi đối thoại, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã trao 65 phần học bổng giành cho công nhân nghèo vượt khó và mái ấm công đoàn cho 18 công nhân có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. |
Vui lòng nhập nội dung bình luận.