"Hai Bộ Tài chính - Công thương không đổ trách nhiệm cho nhau trong điều hành mặt hàng xăng dầu. Sai thì chúng tôi chịu trách nhiệm và nhận sửa”.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng khẳng định như vậy khi báo cáo Thủ tướng Chính phủ và các thành viên Chính phủ về cơ chế điều hành giá mặt hàng xăng dầu trong nước, tại phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 3/2016, diễn ra sáng 26/3.
Điều hành xăng dầu, sai thì sửa
Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính, mặt hàng xăng dầu hiện nay được hưởng thuế nhập khẩu ưu đãi và thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt theo cam kết của các Hiệp định thương mại tự do (FTA) với các bước thuế suất khác nhau. Theo các cam kết FTA, thuế nhập khẩu mặt hàng xăng dầu sẽ được cắt giảm theo lộ trình.
Cụ thể, theo các Hiệp định thương mại tự do khối ASEAN (AFTIGA) thì thuế suất thuế nhập khẩu các mặt hàng dầu (dầu hoả, dầu diesel, nhiên liệu bay) sẽ là 0% từ năm 2016 trở đi.
Theo Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – Hàn Quốc, từ 20/12/2015 thuế suất nhập khẩu ưu đãi với mặt hàng xăng là 10%; dầu diesel, dầu hoả là 5% và dầu madut là 0%.
Còn theo Hiệp định thương mại tự do ASEAN – Trung Quốc từ năm 2016 trở đi, thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi với mặt hàng xăng là 20%; các mặt hàng dầu lần lượt là 5-8-10%.
Bộ trưởng Bộ Tài chính khẳng định, việc điều hành giá bán lẻ xăng dầu trong nước được thực hiện theo quy định tại Nghị định 83 của Chính phủ và liên Bộ Công thương – Tài chính chịu trách nhiệm điều hành giá bán lẻ.
Trước những thông tin báo chí đưa về việc hai bộ “đá” nhau, đùn đẩy trách nhiệm cho nhau trong điều hành mặt hàng xăng dầu, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng khẳng định, “hai Bộ không đổ trách nhiệm cho nhau trong điều hành. Chúng tôi sai thì chịu trách nhiệm và đã nhận sai là sửa. Vấn đề là chúng ta phải khắc phục”.
Động thái “sửa sai” đầu tiên được Bộ trưởng Dũng đề cập là Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư 48 điều chỉnh thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt (MFN) đối với mặt hàng xăng dầu. Theo đó, thuế suất với mặt hàng xăng giữ nguyên; thuế đối với mặt hàng dầu giảm xuống còn 7%.
Ông Dũng cũng thừa nhận “cách lấy thuế nhập khẩu ưu đãi để tính giá cơ sở xăng dầu như hiện nay đã không còn phù hợp với thực tế”.
Do đó, động thái thứ 2 “sửa sai”, Bộ Tài chính đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ và được đồng ý xác định lại thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi MFN trong tính giá cơ sở. Theo đó, tới đây mức thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi trong tính giá cơ sở sẽ là bình quân gia quyền giữa thuế nhập khẩu ưu đãi và các biểu thuế FTA.
“Phương pháp xác định thuế mới sẽ căn cứ thêm cả yếu tố tỷ trọng xăng dầu nhập khẩu từ các nước ký biểu thuế FTA được xác định theo quý với cách tính là dùng số liệu của quý trước để tính cho quý sau”- Bộ trưởng Dũng nói.
Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng nhìn nhận việc dùng mức thuế nhập khẩu bình quân trong cách tính giá cơ sở xăng dầu sẽ đảm bảo sát với thực tế hàng hoá nhập khẩu từ các nguồn khác nhau của DN xăng dầu, đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia và đảm bảo lợi ích của người tiêu dùng, DN và Nhà nước.
“Quyền lợi của người dân sẽ được đảm bảo và được lợi về thuế suất. Vì thuế suất nhập khẩu trong tính giá cơ sở mặt hàng xăng trước đây là 20% thì nay sẽ chỉ còn 18,8%; mặt hàng dầu là 7% thì sẽ còn 0,6% (giảm tới 6,4%)”- ông Dũng nhấn mạnh.
Truy thu lãi từ chênh thuế xăng dầu, rất khó?
Khoản chênh lệch thuế xăng dầu thời gian qua đã giúp các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đầu mối khoảng 3.500 tỷ đồng. Tuy nhiên, Bộ trưởng Tài chính cho biết, qua kiểm tra, rà soát sơ bộ ban đầu thì tổng số thuế được hoàn năm 2015 của 23 DN xăng dầu (tính tới ngày 23/3) là 3.475 tỷ đồng. Trong đó, số thuế VAT là 335 tỷ đồng.
“Số tiền thuế được hoàn của DN không làm giảm tổng số thu ngân sách Nhà nước, do hoàn thuế trong khâu nhập khẩu thì phải nộp tăng khâu tiêu thụ nội địa. Thực chất DN không được hưởng lợi”- Bộ trưởng Tài chính khẳng định.
Thực tế, số tiền hoàn thuế còn lại là 3.120 tỷ đồng của 23 DN thương nhân đầu mối, trong đó có 2.795 tỷ đồng của 11 DNNN (chiếm 88% thị phần tiêu thụ xăng dầu cả nước) và 325 tỷ đồng của 12 DN tư nhân (chiếm 12% thị phần).
Bộ trưởng Bộ Tài chính cho rằng, truy thu khoản lãi từ chênh lệch thuế xăng dầu của các DN đầu mối tư nhân rất khó
Tuy nhiên, sau khi nộp 22% thuế thu nhập doanh nghiệp vào ngân sách Nhà nước, khoảng 686 tỷ đồng, thì còn lại 2.434 tỷ đồng. Trong đó, khoản lợi nhuận 2.179 tỷ đồng của 11 DNNN sau khi trích lập vào các quỹ thì đã được nộp vào ngân sách Nhà nước theo Nghị quyết 78 của Quốc hội, chỉ còn lại khoản lời 254 tỷ đồng của 12 DN tư nhân.
“Số tiền lời từ chênh lệch thuế không phải 3.500 tỷ đồng cần phải truy thu, mà chỉ còn 254 tỷ đồng của 12 DN tư nhân phải truy thu, nhưng thu hồi khoản này rất khó”- Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng nói.
Hướng về phía Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng, Bộ trưởng Bộ Tài chính giãi bày, “số tiền này thuộc về các DN tư nhân, rất khó có thể thu hồi. Bộ Tài chính sẽ phối hợp với các Bộ Công thương tiến hành thanh, kiểm tra và có hướng xử lý nhưng cũng không thể nhanh được. Bộ Tài chính xin ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ”.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng chỉ đạo, dù khó tới mấy thì cơ quan quản lý cũng phải tiến hành thanh, kiểm tra và đề xuất hướng xử lý trong thời gian tới theo quy định của pháp luật.
Chỉ đạo ngay lập tức sau báo cáo của Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh, khi phát hiện vấn đề trong cách tính giá cơ sở xăng dầu thì phải điều chỉnh cho phù hợp.
Riêng việc truy thu khoản lợi nhuận của DN kinh doanh xăng dầu đầu mối, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh “sơ hở chính sách là ở mình, phát hiện sai thì phải sửa, không được né. Cái chính là phải điều tra làm rõ và công khai cho dân hiểu”.
Nguyễn Hoài (Infonet)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.