Thủ tướng: Nhanh chóng kiểm soát dịch bệnh để phát triển kinh tế

Nguyễn Phương Thứ hai, ngày 06/09/2021 13:51 PM (GMT+7)
Chủ trì phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 8, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh yêu cầu nhanh chóng kiểm soát dịch bệnh, xây dựng kế hoạch phục hồi và thúc đẩy kinh tế trong điều kiện mới.
Bình luận 0

Sáng nay (6/9), tại trụ sở Chính Phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 8.

Thủ tướng: Nhanh chóng kiểm soát dịch bệnh để phát triển kinh tế - Ảnh 1.

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp Chính phủ sáng 6/9. Ảnh VGP

"Mọi chính sách và thực hiện chính sách phải hướng tới người dân, vì nhân dân"

Tại phiên họp, Chính phủ thảo luận về một số nội dung chính: Tình hình kinh tế - xã hội tháng 8 và 8 tháng đầu năm; tình hình thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ; tình hình kinh tế - xã hội năm 2021 và dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022; tình hình thực hiện kế hoạch đầu tư công năm 2021, dự kiến kế hoạch đầu tư công năm 2022; Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025; Dự án Luật sửa đổi, bổ sung các luật để tháo gỡ khó khăn cho đầu tư kinh doanh trong tình hình dịch Covid-19.

Chủ trì phiên họp này, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh yêu cầu nhanh chóng kiểm soát dịch bệnh, xây dựng kế hoạch phục hồi và thúc đẩy kinh tế trong điều kiện mới.

Thủ tướng cho biết: "Vừa qua, chúng ta đã chuyển hướng trong công tác phòng chống dịch, từ tập trung sang kết hợp hài hòa giữa tập trung và phân cấp. Chúng ta lấy xã, phường là pháo đài, người dân là chiến sĩ, người dân là trung tâm, là chủ thể của phòng chống dịch".

"Người dân là trung tâm thì mọi chính sách và thực hiện chính sách phải hướng tới người dân, vì nhân dân. Người dân là chủ thể tức là phải tích cực tham gia phòng chống dịch, chiến thắng dịch bệnh là chiến thắng của nhân dân", Thủ tướng nhấn mạnh.

Thủ tướng nêu rõ, dịch bệnh Covid-19 bùng phát lần thứ 4 đã ảnh hưởng tới tình hình kinh tế - xã hội 8 tháng, ảnh hưởng nghiêm trọng tới sản xuất kinh doanh, nhất là công nghiệp và dịch vụ bị ảnh hưởng lớn nhất. Tuy nhiên, tình hình 8 tháng cơ bản ổn định. Chúng ta tiếp tục duy trì các nền tảng kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.

Tại phiên họp Chính phủ này, Thủ tướng yêu cầu tập trung đánh giá đúng tình hình, phân tích các nguyên nhân, nhất là nguyên nhân chủ quan, đưa ra các mục tiêu và giải pháp khả thi để thực hiện các nhiệm vụ trong tháng 9 đạt hiệu quả cao hơn, làm tiền đề phát triển kinh tế - xã hội theo Nghị quyết của Đảng và Quốc hội đã đề ra.

Thủ tướng giao Bộ Tài chính tổng hợp đề xuất của địa phương về kinh phí phòng chống dịch để giải quyết. Phó thủ tướng Lê Minh Khái sẽ thúc đẩy việc này. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội trên cơ sở kiến nghị của các địa phương có chính sách cho lực lượng tuyến đầu.

Việc lưu thông hàng hóa, di chuyển con người phải có chỉ đạo thống nhất nên Thủ tướng giao Bộ trưởng GTVT tham mưu, phối hợp với các lực lượng khác. Phó thủ tướng Lê Văn Thành trực tiếp chỉ đạo.

Phó thủ tướng Vũ Đức Đam phụ trách việc tăng cường biện pháp phòng, chống dịch, tiếp thu ý kiến nhân dân, các nhà khoa học, sơ kết, tổng kết thực tiễn, tiếp tục điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp tình hình, nghiên cứu việc thích ứng an toàn với dịch bệnh trong điều kiện mới.

Phó thủ tướng Phạm Bình Minh phụ trách việc thúc đẩy ngoại giao vaccine và thuốc, vật tư y tế… phục vụ phòng chống dịch.

Cần sớm xây dựng các kịch bản phục hồi kinh tế 

Trước đó, theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT), đại dịch Covid-19 lần thứ 4 tiếp tục diễn biến phức tạp đe dọa sức khỏe, tính mạng và ảnh hưởng nghiêm trọng đến kinh tế - xã hội của đất nước. Lạm phát tiềm ẩn nguy cơ tăng; giải ngân vốn đầu tư công chưa đạt yêu cầu; xuất hiện đứt gãy một số chuỗi cung ứng; xuất khẩu có xu hướng chậm lại; tình trạng nhập siêu có khả năng tiếp diễn. Một số mặt hàng nông sản tiêu thụ khó khăn, nhất là ở những địa bàn có dịch bùng phát. Việc làm, sinh kế của nhiều người dân bị ảnh hưởng lớn, nhất là ở những địa bàn có dịch.

Song trong thời gian tới, Việt Nam sẽ vẫn là một điểm đến hấp dẫn cho các dòng vốn đầu tư khi đã tham gia hàng loạt Hiệp định thương mại trong thời gian vừa qua. Thu hút vốn FDI vào Việt Nam trong 8 tháng đầu năm đạt 19,12 tỷ USD, thấp hơn 2,1% so với cùng kỳ năm 2020. Nhưng đây là kết quả tích cực trong bối cảnh dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp, dòng vốn FDI toàn cầu đang giảm mạnh.

Ngoài ra, so với các quốc gia trong khu vực, hiện Việt Nam vẫn được đánh giá là điểm đến đầu tư hấp dẫn với nhiều ưu điểm vượt trội, như: Chế độ chính trị ổn định, quy mô dân số đông với khoảng gần 100 triệu dân, chính sách thu hút đầu tư ngày càng được cải thiện theo hướng tích cực và chi phí đầu tư, thuê nhân công tại Việt Nam vẫn rẻ hơn nhiều quốc gia trên thế giới và khu vực… Nên Việt Nam vẫn là điểm đến đầu tư hấp dẫn mà doanh nghiệp FDI khó có thể bỏ qua. Tuy nhiên, để tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư nước ngoài, Chính phủ và các bộ, ngành chức năng nên xem xét cơ chế, miễn giảm thời gian cách ly đối với những nhà đầu tư nước ngoài đã tiêm đủ 2 mũi vaccine và có phiếu xét nghiệm âm tính khi vào Việt Nam thực hiện các dự án.

Thủ tướng: Nhanh chóng kiểm soát dịch bệnh để phát triển kinh tế - Ảnh 2.

Ưu tiên tập trung phòng, chống dịch Covid-19 hiệu quả để phục hồi sản xuất, kinh doanh. Ảnh Moit

Trong khi đó, Bộ Công Thương dự báo, trường hợp dịch bệnh được kiểm soát, hoạt động sản xuất sớm được khôi phục trở lại, xuất khẩu cả năm 2021 ước đạt khoảng 313 tỷ USD, tăng 10,7% so với tổng giá trị hàng hóa xuất khẩu của năm 2020. Về cán cân thương mại, nếu dịch bệnh được kiểm soát trong quý III, xuất khẩu sẽ được đẩy mạnh. Tuy nhiên theo chu kỳ, nhập khẩu quý IV thường tăng cao, do đó dự kiến, năm 2021 có thể nhập siêu khoảng 2 tỷ USD.

Về việc tìm kiếm động lực tăng trưởng trong những tháng cuối năm, các chuyên gia kinh tế cũng đồng tình rằng, Chính phủ cần sớm xây dựng các kịch bản phục hồi kinh tế cũng như tìm kiếm động lực thay thế giúp tăng trưởng bền vững. Việt Nam vẫn phải kiên trì và thực hiện linh hoạt "mục tiêu kép" là vừa phòng, chống dịch hiệu quả vừa phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Ưu tiên hàng đầu hiện nay vẫn phải là tiếp tục phòng, chống và kiểm soát dịch Covid-19 hiệu quả, cùng với việc đẩy nhanh tiến trình vaccine.

Theo chuyên gia kinh tế, PGS.TS Vũ Sỹ Cường (Học viện Tài chính), trên cơ sở phòng dịch và đảm bảo an toàn, trước mắt chúng ta vẫn phải tìm mọi cách để duy trì các hoạt động sản xuất kinh doanh bình thường nhất có thể, đặc biệt là trong các khu công nghiệp. Chỉ đạo của Chính phủ vừa chống dịch, vừa duy trì các hoạt động kinh tế là rất đúng hướng. Trong thời gian tới "mục tiêu kép" sẽ được thực hiện linh hoạt theo hướng vừa phòng, chống dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe nhân dân vừa phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội trong trạng thái bình thường mới.

Nhiều chuyên gia kinh tế cũng đã nhận định, cùng với việc thực hiện một cách linh hoạt "mục tiêu kép", nền kinh tế Việt Nam có nhiều tín hiệu lạc quan để có thể quay trở lại quỹ đạo tăng trưởng tốt nếu kiểm soát được dịch bệnh. Chính phủ đang đi đúng hướng trong xác định và đồng thời triển khai chiến lược vaccine cũng như các chính sách kinh tế trọng tâm.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem