Thủ tướng Phạm Minh Chính: 6 bài học kinh nghiệm rút ra sau bão số 4 Noru
Thủ tướng Phạm Minh Chính: 6 bài học kinh nghiệm rút ra sau bão số 4 Noru
An Nguyên
Thứ tư, ngày 28/09/2022 13:24 PM (GMT+7)
Sáng 28/9, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì cuộc họp trực tuyến đánh giá tình hình, khắc phục thiệt hại và rút kinh nghiệm công tác ứng phó với bão số 4 (bão Noru) - một trong những cơn bão lớn nhất ảnh hưởng tới nước ta những năm qua.
Thủ tướng Phạm Minh Chính: 6 bài học kinh nghiệm rút ra sau bão số 4 Noru
Cuộc họp được kết nối trực tuyến từ trụ sở Chính phủ tới trụ sở Ban Chỉ đạo tiền phương chỉ đạo ứng phó bão số 4 tại thành phố Đà Nẵng, trụ sở UBND các tỉnh, thành phố: Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Gia Lai, Kon Tum.
Tham dự cuộc họp tại điểm cầu Đà Nẵng có Phó Thủ tướng Lê Văn Thành, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai, Trưởng Ban chỉ đạo tiền phương chỉ đạo ứng phó với bão số 4; lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan Trung ương. Tham dự cuộc họp tại các điểm cầu địa phương có các đồng chí Bí thư, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố.
Kết luận cuộc họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết đến giờ này hôm nay, chúng ta đỡ căng thẳng hơn giờ này hôm qua. Kết quả ứng phó bão khả quan và tích cực. Đây là điều đáng mừng sau một cơn bão được dự báo rất mạnh, rất nhanh và phức tạp.
Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng biểu dương, khen ngợi, cảm ơn sự tham gia của cả hệ thống chính trị, sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, đồng bộ của các cấp ủy, chính quyền các địa phương, sự vào cuộc tích cực, chủ động của các cơ quan khí tượng, thủy văn, quân đội, công an, báo chí truyền thông trong công tác phòng chống cơn bão số 4. Nhờ đó, giảm thiểu tới mức thấp nhất thiệt hại về người và tài sản của người dân và Nhà nước, đến giờ này mới chỉ có 4 người bị thương. Thủ tướng bày tỏ chia sẻ với những người bị thương và các gia đình bị thiệt hại về tài sản.
Thủ tướng yêu cầu các bộ ngành, cơ quan, địa phương cần khẩn trương đánh giá thiệt hại, khắc phục hậu quả do thiên tai gây ra, nhanh chóng ổn định đời sống vật chất và tinh thần của người dân, kịp thời động viên, thăm hỏi, hỗ trợ các gia đình bị thiệt hại, tạo điều kiện cho học sinh sớm trở lại trường ngay trong ngày mai. Tuyệt đối không để dân đói, dân rét, không có chỗ ở, khôn để dịch bệnh bùng phát do ô nhiễm môi trường sau bão, lũ.
Các địa phương thống kê, đánh giá tình hình thiệt hại, gửi ngay về Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai để tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Trước mắt, các địa phương sử dụng quỹ phòng chống thiên tai, ngân sách địa phương và các nguồn vốn hợp pháp khác để chủ động xử lý, khắc phục các thiệt hại vè tài sản của nhà nước và nhân dân.
Bộ Tài chính chuẩn bị sẵn sàng để hỗ trợ về gạo và kinh phí cho các địa phương.
Bộ GTVT và các bộ ngành liên quan hỗ trợ các địa phương, khẩn trương khắc phục sạt lở tại các tuyến giao thông trọng yếu, bảo đảm giao thông thông suốt và an toàn.
EVN và các đơn vị khẩn trương khôi phục hệ thống truyền tài điện. Các công ty cấp thoát nước, môi trường, cây xanh nhanh chóng khắc phục các hậu quả.
Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các bộ ngành theo sát tình hình, dự báo kịp thời các diễn biến thời tiết, thiên tai, tuyệt đối không chủ quan, lơ là, mất cảnh giác.
Tiếp tục thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, với tinh thần sẵn sàng hơn, chủ động hơn, phòng hơn chống, phương châm 4 tại chỗ (lấy địa phương và người dân là chính), bảo đảm an toàn khi triển khai các hoạt động tìm kiếm, cứu nạn, cứu hộ (nếu có).
Các đại biểu đã nêu nhiều bài học kinh nghiệm quý báu, chứng tỏ bám sát, nắm chắc tình hình, tâm huyết và trách nhiệm trong thực hiện công việc.
Thủ tướng đề nghị các cơ quan báo chí tăng cường truyền thông, các bộ, ngành, cơ quan, địa phương, đơn vị nghiên cứu, áp dụng các kinh nghiệm này trong phòng chống thiên tai, bão lũ thời gian tới.
Thủ tướng nhấn mạnh 6 bài học kinh nghiệm về công tác ứng phó bão. Cụ thể như sau:
Thứ nhất, cương quyết, quyết liệt, nhất quán vận động, di dời nhân dân ra khỏi nơi nguy hiểm llà yếu tố quyết định để không bị thiệt hại về người.
Thứ hai, nắm chắc diễn biến, bám sát tình hình, huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, người dân và doanh nghiệp để phòng chống bão nhanh chóng, kịp thời, hiệu quả.
Thứ ba, xây dựng kịch bản, phương án phù hợp tình hình và khi xảy ra tình huống thì vận hành các kịch bản, phương án này theo phương châm 4 tại chỗ.
Thứ tư, công tác lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, chủ động, tích cực, bám sát tình tình, từ sớm, từ xa, từ cơ sở.
Thứ năm, thông tin, hướng dẫn kịp thời, thông suốt, toàn diện, đầy đủ tới người dân, các cấp ủy, chính quyền và doanh nghiệp.
Thứ sáu, theo quy luật tự nhiên, miền Trung là nơi thường xuyên có mưa lũ, bão gió vào tháng 9, 10, 11, vì vậy, phải luôn đề cao tinh thần cảnh giác, không lơ là, chủ quan, cũng không lo sợ, hoang mang, hốt hoảng, mất bình tĩnh. Phải ứng phó thiên tai, bão lũ với sự bản lĩnh, bình tĩnh, tự tin, phát huy tinh thần tự lực, tự cường, với nội lực, kinh nghiệm, hiểu biết của mình, sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của nhà nước và các cấp chính quyền, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự tham gia của người dân và doanh nghiệp, sự hỗ trợ của cả nước với tinh thần đoàn kết, thống nhất, thương yêu, đùm bọc lẫn nhau.
Bão số 4 Noru đã suy yếu thành áp thấp nhiệt đới: Cẩn trọng với diễn biến mưa lũ sắp tới
Cung cấp thông tin dự báo thiên tai sau bão, đại diện Tổng cục Khí tượng thủy văn cho biết, đến sáng 28/9, bão số 4 di chuyển theo hướng tây, đi sang khu vực Nam Lào, suy yếu thành áp thấp nhiệt đới, sau đó tiếp tục suy yếu thành vùng áp thấp và tan dần; từ trưa và chiều ngày 28/9 không còn ảnh hưởng đến Việt Nam.
Ngày 28/9, ở khu vực Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Kon Tum có mưa rất to với lượng mưa phổ biến 100-200 mm, có nơi trên 250 mm.
Từ ngày 28/9 đến ngày 30/9, ở Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, khu vực đồng bằng, ven biển Bắc Bộ và Hoà Bình có mưa vừa, mưa to. Lượng mưa dự báo Quảng Bình, Hà Tĩnh 200-250 mmn, có nơi trên 350 mm; Nghệ An, Thanh Hóa 150-200 mm, có nơi trên 300 mm; khu vực khu vực đồng bằng, ven biển Bắc Bộ và Hoà Bình 100-150 mm.
Tổng cục Khí tượng thủy văn cũng cảnh báo nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất tại các tỉnh Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Kon Tum, đặc biệt lưu ý các huyện Hướng Hóa, Đăk Rông (Quảng Trị), Phong Điền, A Lưới, Nam Đông, Phú Lộc (Thừa Thiên Huế), Phước Sơn, Bắc Trà My, Nam Trà My, Hiệp Đức, Tiên Phước (Quảng Nam), Tu Mơ Rông, Konplong, Đắk Glei, Đăk Tô (Kon Tum).
Từ ngày 28-30/9, trên các sông ở Bắc Trung Bộ xuất hiện 1 đợt lũ, đỉnh lũ trên các sông nhỏ thượng nguồn sông Mã, cả lên mức BĐ1 và trên BĐ1. Nguy cơ lũ quét, sạt lở đất tại các huyện Kỳ Sơn, Tương Dương, Quế Phong, Quỳ Châu (Nghệ An), Hương Khê, Hương Sơn (Hà Tĩnh).
Vui lòng nhập nội dung bình luận.