Thủ tướng Thái Lan bị tố "bom tin"

Thứ hai, ngày 19/07/2010 05:13 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Thủ tướng Thái Lan Abhisit Vejjajiva và Bộ trưởng Tài chính Korn Chatikavanij bị cáo buộc đã gửi tin nhắn tới 17 triệu thuê bao điện thoại di động trong tháng 12-2008.
Bình luận 0

Báo The Nation của Thái Lan cho biết, ông Klanarong Chanti, một quan chức của Ủy ban chống tham nhũng Quốc gia Thái Lan (NACC), ngày 16-7 xác nhận NACC quyết định tiếp tục điều tra vì các thông tin ban đầu cho thấy ông Abhisit và ông Korn đã chủ trương liên hệ với nhân dân trước khi ông Abhisit được Hoàng gia phê chuẩn làm Thủ tướng ngày 17-12-2008.

Giới truyền thông Thái Lan cho rằng, đây là “vụ bê bối tin nhắn” lớn nhất trong lịch sử chính trường Thái Lan.

img
Thủ tướng Abhisit Vejjajiva.

Tháng 12-2008, sau khi được Quốc hội chỉ định làm Thủ tướng, ông Abhisit đã gửi tin nhắn tới 17 triệu thuê bao di động, thông báo ông là Thủ tướng mới, sẵn sàng lắng nghe mọi công dân để tìm đường hướng phát triển đất nước.

Đảng đối lập Puea Thai lập tức đưa vấn đề ra tranh luận tại Hạ viện và đề nghị NACC xác định “tin nhắn” có phải là “quà” mà các công ty viễn thông tặng ông Abhisit hay không. Theo luật chống tham nhũng của Thái Lan, quan chức không được phép nhận quà tặng có trị giá trên 3.000 baht (khoảng 92 USD) dưới mọi hình thức.

NACC sẽ phải làm rõ vụ nhắn tin năm 2008 được nhìn nhận là các công ty viễn thông đã “tặng quà trị giá trên 3.000 baht” cho ông Abhisit hay đó chỉ là sự hợp tác giữa chính phủ với doanh nghiệp để phục vụ công tác tuyên truyền vì lợi ích nhân dân. Theo Puea Thai, việc “bom tin” còn là một hành vi vi phạm quyền riêng tư của các thuê bao di động.

Nếu NACC xác định khiếu kiện của Puea Thai có cơ sở, vụ việc sẽ được chuyển tới cơ quan công tố và sau đó đưa ra xét xử tại tòa án tối cao. Lúc đó ông Abhisit sẽ phải từ chức Thủ tướng.

Để bảo vệ mình, ông Abhisit sẽ phải lặp lại những biện hộ rằng Thái Lan bị chia rẽ sâu sắc vào thời điểm ông nhận chức Thủ tướng, vì thế ông muốn mở ra một kênh thông tin để liên hệ với nhân dân, nhằm mục tiêu thúc đẩy hòa giải. Các công ty viễn thông đã tự nguyện tham gia cùng Chính phủ trong chiến dịch này, họ không hối lộ và không bị ép phải hợp tác với Thủ tướng. Vì thế, ông Abhisit sẽ phải khẳng định động cơ nhắn tin của ông là vì lợi ích chung.

The Nation dẫn nguồn tin từ giới quan sát cho rằng, ông Abhisit cũng có thể sẽ thoát khỏi những vướng mắc này bởi việc nhắn tin của ông Abhisit diễn ra trước khi ông chính thức trở thành Thủ tướng.

Tuy nhiên sự việc không đơn giản như vậy bởi những người được ông Abhisit gửi tin nhắn đều đã nhắn tin trả lời lại và điều này đã làm tăng doanh thu cho các nhà khai thác mạng di động. NACC lại phải xem xét về các vấn đề về thuế trước khi điều tra các cáo buộc nhằm vào Thủ tướng Abhisit.

Phát biểu với 15.000 thành viên của Ủy ban giám sát vai trò của cảnh sát trên cả nước qua cầu truyền hình, ông Abhisit nêu rõ chính phủ đã theo dõi sát tình hình trên cả nước và nhận thấy tình hình về cơ bản đang dần trở lại bình thường. Vì thế, trong cuộc họp nội các tuần tới, chính phủ Thái Lan có thể sẽ quyết định dỡ bỏ tình trạng khẩn cấp tại một số tỉnh trong số 19 tỉnh mà chính phủ đang áp dụng luật này.

Ông Abhisit cũng tái khẳng định chính phủ sẽ quyết tâm thúc đẩy nỗ lực hòa giải và cải cách nhằm mang lại sự phồn thịnh cho Thái Lan.

Trong một diễn biến khác, ngày 18-7, Thủ tướng Abhisit Vejjajiva đã phát đi tín hiệu về khả năng vào tuần tới, chính phủ Thái Lan sẽ quyết định dỡ bỏ tình trạng khẩn cấp tại những tỉnh có cải thiện về tình hình an ninh.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem