Vợ chồng anh T.X.C (45 tuổi, ngụ tỉnh Khánh Hòa) đến với nhau từ lúc 25 tuổi nhưng đến nay hơn
nửa cuộc đời vẫn chưa có mụn con. Nhiều năm qua, vợ chồng anh dắt díu nhau đi điều trị, can thiệp,
thậm chí nghe ở đâu có món ăn, bài thuốc hay anh đều sưu tầm, song cũng chẳng có kết quả. Vợ chồng
anh C. khao khát con đến nỗi bỏ tiền dành dụm mở nhóm trẻ tại nhà để vợ có cơ hội gần trẻ con nhằm…
trông chờ một phép mầu.
Các nghiên cứu gần đây cho thấy tình trạng hiếm muộn ngày càng tăng. Điều này có thể ảnh hưởng
tiêu cực đến hạnh phúc của nhiều gia đình và chất lượng dân số.
TS-BS Hoàng Thị Diễm Tuyết, Phó
Giám đốc Bệnh viện (BV) Từ Dũ, cho biết mỗi ngày BV tiếp nhận khám, tư vấn cho khoảng 100 lượt bệnh
nhân vô sinh hiếm muộn và mỗi năm con số này là hơn 400.000.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), toàn cầu có khoảng 20% các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ
gặp khó khăn trong sinh con. Riêng tại Việt Nam, hiện tỉ lệ này là từ 7%-10% dân số. Vô sinh do nữ
chiếm 30%, do nam giới 30%, do cả hai 20%, còn lại là không rõ nguyên nhân. Ảnh hưởng của môi
trường sống, lối sống thay đổi, sự tiếp xúc độc chất là tác nhân xấu ảnh hưởng khả năng sinh sản ở
con người.
Bác sĩ Dương Quang Huy, Khoa Nam học, BV Bình Dân TP HCM, cảnh báo thuốc trừ sâu, thuốc diệt cỏ,
thuốc trị nấm, các hóa chất sử dụng trong sản xuất thực phẩm, thịt tăng trọng, chất thải công
nghiệp... là "sát thủ" thầm lặng gây vô sinh.
Ở phụ nữ, vô sinh là do rối loạn hormon sinh dục, suy
buồng trứng hoặc sau nạo hút thai, ngừa thai, sẩy thai làm thay đổi cấu trúc của tử cung. Ở nam
giới, stress, thuốc lá, rượu bia, béo phì cũng là tác nhân thứ phát gây vô sinh.
Trước đây, ở những cặp vợ chồng hiếm muộn hoặc không sinh được con, người ta thường đổ lỗi cho
người vợ. Suy nghĩ đó thiếu khoa học. Ngày nay, nguyên nhân từ phía các ông chồng càng tăng vì chất
lượng tinh trùng cũng là hệ quả xấu cho việc sinh con, duy trì giống nòi.
ThS-BS Hồ Mạnh Tường, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu di truyền và sức khỏe sinh sản TP HCM (CGRH
- thuộc ĐHQG TP HCM), cho biết nguyên nhân hiếm muộn do nam giới đơn thuần hoặc kết hợp, chiếm ít
nhất 50%. Vấn đề này đang trở thành mối lo ngại của không riêng các ông chồng mà còn là mối quan
tâm của ngành y tế nói chung.
Nếu 10 năm trước, tỉ lệ nam giới điều trị hiếm muộn có liên quan đến
bất thường tinh dịch chỉ hơn 77% thì nay đã là 85%. Nghiên cứu mới đây của CGRH trên hơn 4.000
trường hợp lần đầu tiên thực hiện xét nghiệm tinh dịch đồ tại các trung tâm điều trị vô sinh ở TP
HCM cho thấy sự suy giảm số lượng và chất lượng tinh trùng ở nam giới, đặc biệt là sự bất thường về
hình dạng tinh trùng, đã ảnh hưởng lớn đến khả năng thụ tinh. Điều này được y văn thế giới báo động
gần đây.
Các bác sĩ cho rằng đến nay vẫn chưa xác định rõ nguyên nhân sự suy giảm tinh trùng ở nam giới
và khó điều trị. Song cũng có giải thích cho rằng do tổn thương cấu trúc di truyền. Việc tiếp xúc
nhiệt độ cao, hóa chất công nghiệp, các gốc tự do… dẫn đến rối loạn hoạt động sinh sản, tinh trùng
dị dạng, giảm khả năng thụ tinh.
Người lao động (Theo Người lao động)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.