Thương chiến Mỹ-Trung: Cuộc chiến không bao giờ có hồi kết

Đại sứ Trần Đức Mậu Thứ hai, ngày 14/10/2019 19:30 PM (GMT+7)
Có một điều không nên bỏ qua khi nhìn nhận mối quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc là cuộc cạnh tranh chiến lược giữa hai bên sẽ không bao giờ dứt và sẽ còn bất phân thắng bại trong thời gian dài nữa.
Bình luận 0

img

Kết quả vòng đàm phán thương mại thứ 13 vừa rồi giữa Mỹ và Trung Quốc ở Washington không gây bất ngờ đối với thế giới bên ngoài nhưng lại không khỏi khiến thế giới bên ngoài có phần thất vọng. Ai cũng biết và ngay đến cả Mỹ và Trung Quốc cũng đều không dấu diếm nhu cầu bức bách của họ phải đạt được kết quả nào đấy ở vòng đàm phán này. Ai cũng biết hai nước kia không có ảo tưởng, một vòng đàm phán dài hai ngày có thể giải quyết được ổn thoả cuộc xung khắc thương mại dai dẳng gần 18 tháng nay giữa Mỹ và Trung Quốc mà lại còn là một bộ phận cốt lõi của cuộc cạnh tranh chiến lược toàn diện giữa hai bên.

Cho nên hai nền kinh tế lớn nhất nhì thế giới này có nhu cầu cấp thiết phải đạt được thoả thuận với nhau ở vòng đàm phán thương mại vừa rồi mà điều quan trọng và quyết định đối với họ lại không phải nội dung cụ thể của thoả thuận mà là hình ảnh và cảm nhận là hai bên đã đạt được thoả thuận, tức là vẫn có thể thoả hiệp được với nhau dẫu xung khắc có quyết liệt và dai dẳng đến mức nào. Thế giới bên ngoài thất vọng vì thoả thuận mới đạt đươc này giữa Trung Quốc và Mỹ quá sơ sài và ít ỏi, hoàn toàn chưa thể được coi là cơ bản. Nhưng cái Trung Quốc và Mỹ cần, muốn có và đã đạt được ở thoả thuận này là danh nghĩa chứ không phải thực chất.

Về định tính thì xem ra Trung Quốc đã nhượng bộ Mỹ nhiều hơn là Mỹ đã nhượng bộ Trung Quốc ở thoả thuận này. Với cam kết nhập khẩu thêm 40 đến 50 tỷ USD giá trị nông sản của Mỹ, phía Trung Quốc đã chủ định giúp tổng thống Mỹ Donald Trump bớt khó khăn và khó xử ở trong nước. Cả những cam kết khác của Trung Quốc như mở cửa thị trường Trung Quốc cho giới kinh tế Mỹ, bảo hộ sở hữu trí tuệ công nghiệp và bí quyết công nghệ, chấm dứt bù trợ xuất khẩu và không thao túng tiền tệ cũng nghe qua thì rât to tát và có ý nghĩa rất quan trọng đối với ông Trump nhưng thật ra lại hoàn toàn chẳng hề mới mẻ gì đối với Trung Quốc bởi chẳng qua chỉ là sự nhắc lại những gì Trung Quốc cho tới nay vốn đã không ít lần cam kết và quả quyết với Mỹ.

Hay như trong thoả thuận này, phía Mỹ cam kết không tăng mức thuế quan bảo hộ thương mại từ 25% (đã áp dụng) lên 30% từ ngày 15.10 tới đối với 250 tỷ USD giá trị hàng hoá của Trung Quốc xuất khẩu vào thị trường Mỹ. Ông Trump đã nhiều lần tự chứng tỏ là có thể đảo ngược quyết định một cách lãng xẹt, bất ngờ và với lập luận mà chỉ có mỗi mình người này cho là có lý. Chủ ý của Mỹ áp thuế quan bảo hộ thương mại đối với thêm 160 tỷ USD giá trị hàng hoá của Trung Quốc xuất khẩu vào thị trường Mỹ hoàn toàn không được đề cập gì đến ở thoả thuận này.

Cho nên chỉ như thế thôi thì hai bên mới tạm đình chiến và không tiếp tục leo thang căng thẳng hay ăn miếng trả miếng nhau nữa. Cái tích cực ở thoả thuận này chính là đấy. Có một điều không nên bỏ qua khi nhìn nhận mối quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc là cuộc cạnh tranh chiến lược giữa hai bên sẽ không bao giờ dứt và sẽ còn bất phân thắng bại trong thời gian dài nữa. Hai bên luôn có thể rất bất ngờ gia tăng mức độ xung khắc cũng như nhanh chóng đi vào thoả hiệp, vì thế mọi thoả hiệp đạt được đều chỉ là nhất thời và mang tính tình thế, không có giá trị hiệu lực lâu bền và càng không thể vĩnh viễn.

Thoả thuận lớn với Trung Quốc mà ông Trump đã nhiều lần đề cập đến không thể không giải quyết những vấn đề vướng mắc cơ bản nhất và cũng nan giải nhất giữa hai bên. Cho tới nay, mọi biện pháp chính sách của ông Trump đều chưa giúp người này giảm nhiều chứ chưa nói là đáng kể mức độ thâm hụt của Mỹ trong cán cân trao đổi thương mại với Trung Quốc. Phía Mỹ vẫn chưa có được cơ chế, quy trình hay biện pháp thực sự đắc dụng kiểm soát và kiểm chứng việc Trung Quốc thực hiện những cam kết với Mỹ liên quan đến chính sách tiền tệ, bù trợ xuất khẩu, cải cách kinh tế xã hội, mở của thị trường hay đảm bảo bảo hộ sở hữu trí tuệ công nghiệp, phát minh sáng chế và bí quyết công nghệ. Mỹ có thể gây thêm nhiều khó khăn nhưng không còn cản trở được Trung Quốc trên thực tế thực hiện kế hoạch "Made in China 2025". 

Cho nên giai đoạn 2 của vòng đàm phán thương mại giữa Mỹ với Trung Quốc sẽ là việc hoàn toàn khác so với giai đoạn đầu. Trung Quốc và Mỹ rồi đây có thể và sẽ phải đạt được với nhau một số thoả thuận nhỏ và lẻ mẻ nào đấy chứ còn việc đạt được thoả thuận lớn và bao trùm tổng thể thì hiện tại và cả trong tương lai gần nữa vẫn bất khả thi nhiều hơn hẳn khả thi đối với hai bên.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem