Thương lắm Nậm Pồ ơi

Vinh Duy Thứ ba, ngày 18/05/2021 08:22 AM (GMT+7)
Những ngày qua, huyện biên giới Nậm Pồ dường như không ngủ, từ khi cơ quan chức năng công bố ca bệnh 3758. Người bệnh là kế toán Trường Phổ thông Dân tộc bán trú (PTDTBT) Tiểu học Tân Phong (xã Si Pa Phìn).
Bình luận 0

Trong những ngày tháng 5 lịch sử, huyện Nậm Pồ không vui khi "bão Covid-19" tràn về, khiến cuộc sống người dân của huyện nghèo nhất nước đảo lộn. Số ca dương tính với SARS-CoV-2 tăng từng ngày. Từ ca bệnh đầu tiên được phát hiện ngày 14/5, đến nay, Nậm Pồ đã có 21 ca dương tính với SARS-CoV-2. Cùng với đó là gần 1.000 F1, hơn 3.000 F2. 

Thương lắm Nậm Pồ ơi - Ảnh 1.

Ông Vừ A Bằng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên (áo trắng), kiểm tra công tác phòng chống dịch tại huyện Nậm Pồ.

Huyện Nậm Pồ đã khẩn trương tái khởi động các khu cách ly tập trung, truy vết các trường hợp F1, tiến hành khoanh vùng dập dịch. Nhưng với huyện nghèo nhất nước, "cơn bão Covid-19" này khiến chính quyền, người dân gặp không ít khó khăn. 

Nhất là với những gia đình có con em hoặc cả gia đình phải vào khu cách ly tập trung. Họ là đồng bào dân tộc thiểu số, quanh năm lam lũ với mảnh nương, thửa ruộng, nay đùng một cái phải vào khu cách ly tập trung.

Chia sẻ với phóng viên, ông Bùi Văn Luyện, Chủ tịch UBND huyện Nậm Pồ cho biết: "Các khu cách ly đang rất khó khăn vì số lượng người phải cách ly rất nhiều. Huyện đã cố gắng hết sức để người đi cách ly có bữa ăn, giấc ngủ thật tốt. Nhưng tiềm lực có hạn, vì thế chúng tôi đang kêu gọi sự ủng hộ của xã hội giúp nhân dân các dân tộc Nậm Pồ vượt qua thời điểm khó khăn này".

Thương lắm Nậm Pồ ơi - Ảnh 2.

Nhân viên CDC Điện Biên, kiệt sức sau nhiều đêm mất ngủ để lấy mẫu xét nghiệm cho các trường hợp F1, F2 tại huyện Nậm Pồ.

Các ca dương tính với SARS-CoV-2 cứ tăng hàng ngày. Chỉ 1 ngày sau khi ca bệnh đầu tiên được phát hiện, sáng 15/5, CDC Điện Biên lại tiếp tục phát đi thông báo có thêm hai trường hợp dương tính với virus SARS-CoV-2 là BN 3837 và BN 3838, đều là F1, là đồng nghiệp cùng trường với BN 3758. 

Và cũng rất nhanh, đến đêm 15/5 thì số ca mắc mới tại Si Pa Phìn đã tăng thêm 5 người. Trong đó, có cả cháu bé 2 tuổi đang được cách ly tập trung cùng mẹ, cho dù cháu bé này không có biểu hiệu khó thở, không sốt, chỉ ho nhẹ. Bốn bệnh nhân khác, đều là giáo viên, là F1 của ba bệnh nhân trước.

Thương lắm Nậm Pồ ơi - Ảnh 3.

Phun tiêu độc, khử trùng tại các điểm cách ly tập trung.

Nhận định ổ dịch Nậm Pồ sẽ còn tăng F0 và F1 có thể lên tới cả nghìn người, ông Phạm Giang Nam - Giám đốc Sở Y tế Điện Biên cho rằng, cần nhất hiện nay là chủ động trang thiết bị y tế, dự trù khẩu trang, vật tư y tế và tăng cường nhân lực.

Trực tiếp chỉ đạo công tác khoanh vùng dập dịch tại Si Pa Phìn từ chiều 15/5, ông Vừ A Bằng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên, cho biết: Do tình hình dịch bệnh diễn ra quá nhanh, số người vào khu cách ly dồn dập nên ít nhiều cũng khiến người dân trên địa bàn hoang mang. 

Công tác khoanh vùng, truy vết và lấy mẫu xét nghiệm được lực lượng chức năng nỗ lực hết sức, song hiện tại mọi việc gần như quá tải.

Thương lắm Nậm Pồ ơi - Ảnh 4.

Trắng đêm tại các chốt chặn ra vào huyện Nậm Pồ.

Ngày 15/5, lực lượng chức năng đã truy vết được 431 F1 liên quan tới ba ca bệnh (3758, 3837, 3838) ở Si Pa Phìn, song mới chỉ lấy mẫu xét nghiệm được 55/72 F1 đang cách ly tại Khu cách ly tập trung Trường PTDTBT Tiểu học Tân Phong. 

Đáng lo ngại là trên 270 học sinh Trường PTDTBT Tiểu học Tân Phong dù đã được xác định là F1 nhưng vẫn chưa được lấy mẫu, chưa được đưa về khu cách ly tập trung vì gia đình các em sống tản mát, phải đi tìm, thông báo đưa từng em về. 

Huyện đã thành lập 4 khu cách ly tập trung nhưng trước sự gia tăng nhanh F0 như hiện nay thì những ngày tới sẽ lại thiếu cơ sở vật chất, chăn, màn, giường chiếu.

Về nhân lực phục vụ lấy mẫu, xét nghiệm, đưa người vào các khu cách ly tập trung tại Nậm Pồ hiện rất thiếu. Dù đã được Sở Y tế tăng cường hai kíp (9 người); huyện Mường Nhé, Mường Chà tăng cường cho 7 người nhưng với số F1, F2 cần lấy mẫu, cần cách ly lớn như hiện nay thì nhân lực y tế hiện tại chẳng thấm tháp gì.

Thương lắm Nậm Pồ ơi - Ảnh 5.

Chia sẻ khó khăn với huyện Nậm Pồ, Trung tâm Y tế thị xã Mường Lay đã quyên góp ủng hộ, lương thực, thực phẩm khẩu trang... tặng các khu cách ly.

Từ trong tâm dịch Si Pa Phìn, huyện Nậm Pồ, bác sĩ Hoàng Xuân Chiến, Phó Giám đốc CDC tỉnh Điện Biên - người được giao trực tiếp chỉ đạo chuyên môn, đã khẩn thiết báo cáo: Hiện có 45 cán bộ y tế làm việc cả ngày lẫn đêm, điều kiện làm việc, sinh hoạt rất thiếu thốn, vất vả. Cơm ăn thì anh em tự liên hệ mua về; chỗ ngủ là nền đất, chật chội. 

Xác định đợt chống dịch còn dài và ngày càng phức tạp hơn, bởi vậy ông Chiến đề nghị tỉnh, ngành y tế điều thêm nhân lực về hỗ trợ Nậm Pồ; trước hết để khẩn trương truy vết, lấy mẫu khoanh vùng sau là để anh em được thay phiên nghỉ mới mong có sức trong “cuộc chiến” dài.

Chiều 17/5, trao đổi với chúng tôi qua điện thoại, ông Bùi Văn Luyện cho biết: "Đến thời điểm này huyện đã thành lập 8 khu cách ly tập trung, trong đó mở thêm khu cách ly tại Phìn Hồ (gần Si Pa Phìn) để cách ly toàn bộ học sinh Trường PTDTNT Tân Phong. Về nhân lực phục vụ các khu tập trung đang rất thiếu, huyện đã chỉ đạo huy động dân quân tự vệ, đoàn viên thanh niên và nhân dân tham gia nấu nướng phục vụ hậu cần".

Tìm hiểu công tác khoanh vùng, cách ly, phục vụ cách ly và chống dịch tại Si Pa Phìn nói riêng, huyện Nậm Pồ nói chung, được biết thực tế khó khăn hơn rất nhiều so với những điều được phản ánh. Vốn dĩ, Nậm Pồ đã rất khó khăn, vì xa trung tâm thành phố, dân cư trên địa bàn có tới hơn 90% là đồng bào các dân tộc thiểu số, tỷ lệ hộ nghèo cao cho nên ngay cả khi vào các khu cách ly tập trung thì không mấy người có đủ 80 nghìn đóng chi phí mỗi ngày. 

Để có lương thực, thực phẩm phục vụ trong khu cách ly, những người tình nguyện phục vụ trong khu cách ly đã phải dồn đến đồng tiền cuối cùng của gia đình để mua thực phẩm; một số cán bộ huyện Nậm Pồ cũng điện về nói khéo với người nhà để vay ít tiền gửi vào chi viện cho Nậm Pồ.

Thương lắm Nậm Pồ ơi - Ảnh 6.

Tại các khu cách ly của huyện Nậm Pồ, hiện nay nhu yếu phẩm, khẩu trang... đang thiếu rất nhiều. Rất mong mọi người chung tay, góp sức để nhân dân các dân tộc huyện Nậm Pồ vượt qua "cơn bão Covid-19".

Chia sẻ thêm với phóng viên, ông Bùi Văn Luyện, Chủ tịch UBND huyện Nậm Pồ cho biết: "Khó khăn nhất hiện nay là vấn đề về cơ sở vật chất, nhu yếu phẩm phục vụ cho hơn 350 học sinh của trường PTDTBT Tiểu học Si Pa Phìn. Hiện tại các cơ quan, đơn vị trong huyện đang kêu gọi các tổ chức, cá nhân ủng hộ về vật chất, tinh thần giúp người dân trong tâm dịch vượt qua khó khăn hiện tại"

Khó khăn nhiều bề, Nậm Pồ đang rất cần được hỗ trợ kịp thời và đúng nghĩa theo tinh thần Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo “chống dịch như chống giặc”, không chỉ đơn thuần là những chỉ đạo theo kịch bản là “khẩn trương”, “thần tốc”… trong khi cái cần trước mắt là những nhu yếu phẩm, khẩu trang và bữa ăn hàng ngày của đội ngũ phòng, chống dịch và của người dân trong các khu cách ly tập trung.

Mọi sự giúp đỡ xin gửi về:

Báo Nông Thôn Ngày Nay, Tòa nhà Báo Nông Thôn Ngày Nay – Lô E2, đường Dương Đình Nghệ, quận Cầu Giấy, Hà Nội

Số tài khoản: 21210000524887, Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam - BIDV chi nhánh Tây Hồ, Hà Nội.

Chủ tài khoản: Báo Nông Thôn Ngày Nay

Vui lòng ghi rõ: Ủng hộ đồng bào chống dịch

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem