|
Giờ học giải phẫu cá tại khoa Nuôi trồng thuỷ sản, Đại học Nông nghiệp 1 Hà Nội. |
Kiên trì “kêu” miễn học phí
Ông Hoàng Ngọc Thịnh – chuyên viên Vụ Tổ chức, Bộ NN&PTNT cho biết: “Ngành khai thác, chế biến thủy sản là ngành chủ đạo trong xuất khẩu nông, lâm, thuỷ sản và là ngành có tăng trưởng mạnh nên rất cần nhân lực. Thế nhưng hiện nay nguồn nhân lực đang bị co hẹp lại, vì vậy Bộ NN&PTNT đã có Đề án trình Chính phủ miễn giảm học phí cho đối tượng này nhưng chưa được thông qua. Hiện chúng tôi đang tiếp tục hoàn thiện lại Đề án”.
Đề xuất của Bộ NN&PTNT lần này sẽ tập trung vào các hướng hỗ trợ cụ thể theo từng mức độ khó khăn của từng ngành học và đối tượng học. “Mức độ miễn giảm sẽ chia theo từng nhóm ngành thủy sản, trong đó đặc biệt đề xuất miễn hoàn toàn học phí cho ngành khai thác, đánh bắt trên biển, bởi đây là ngành ít thí sinh tham gia theo học nhất”. Bên cạnh đó các thí sinh cũng phải cam kết sẽ làm việc trong lĩnh vực thủy sản sau khi ra trường”- ông Thịnh nói.
Tương tự, Đề án dạy nghề cho lao động nông thôn tới năm 2020 theo Quyết định 1956/QĐ-TTg của Chính phủ cũng dành một phần hỗ trợ cho lao động nông thôn học nghề dài hạn, trong đó ưu tiên khối ngành nông nghiệp, thuỷ sản thông qua chính sách cho vay không lãi để đi học. Với các ngành đào tạo sơ cấp, nông dân sẽ được học miễn phí, được giới thiệu việc làm…
Các trường cũng chung tay
Tôi được biết có những khoa đào tạo về thuỷ sản chỉ có vài hồ sơ đăng ký, trong khi chúng ta đang thiếu nhân lực ngành này. Trong Đề án dạy nghề cho lao động nông thôn tới năm 2020, chủ trương là hàng năm sẽ đào tạo khoảng 1 triệu nông dân, trong đó 300 nghìn người sẽ tiếp tục làm nông nghiệp với trình độ phát triển cao hơn. Việc đào tạo số nông dân này phải thực sự gắn với nhu cầu phát triển nông nghiệp địa phương, trong đó có phát triển thuỷ sản.
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát
Chính sách miễn giảm học phí cho sinh viên khối ngành này được các trường ủng hộ, dù việc miễn, giảm sẽ ảnh hưởng tới thu- chi của trường. Ông Phạm Xuân Hiển - Hiệu trưởng Trường Trung cấp Thuỷ sản Thanh Hoá nói: “Muốn người học và lao động gắn bó với nghề rất cần một cơ chế, chính sách hỗ trợ dài hơi của nhà nước, trong đó miễn giảm học phí cho sinh viên khối ngành này là một chính sách tích cực”.
Ủng hộ ý kiến này, ông Đỗ Văn Ninh – Hiệu phó Trường Đại học Thuỷ sản Nha Trang cho biết: Dù biết việc miễn giảm học phí ít nhiều cũng sẽ ảnh hưởng tới thu nhập chung của trường và cán bộ công nhân viên nhà trường, nhưng trường vẫn sẽ thực hiện tốt vì cái lợi chung”.
Từ góc nhìn khác, ông Kim Văn Vạn - Trưởng khoa Nuôi trồng thuỷ sản - Đại học Nông nghiệp I thì cho rằng: “Việc miễn giảm học phí cho sinh viên khối ngành này là nên làm vì đa phần các em đều là con em nông dân, điều kiện kinh tế rất khó khăn, muốn các em tâm huyết và gắn bó với nghề thì cũng nên có chính sách hỗ trợ và khuyến khích”.
Về vấn đề nâng cao chất lượng đào tạo, ông Đỗ Văn Ninh khẳng định, hiện nay 100% số trường có ngành Thuỷ sản đều liên kết với các Viện, các doanh nghiệp để đào tạo, kết nối việc làm. Như Đại học Thuỷ sản Nha Trang còn mời cả doanh nghiệp tới tư vấn nghề, nói rõ điều kiện làm việc cho các em. “Dẫu vậy, chúng tôi vẫn phải nỗ lực hơn nữa, bởi yêu cầu nhân lực ngành này rất cao và đa dạng” -ông Ninh nói.
Nhóm phóng viên giáo dục
Vui lòng nhập nội dung bình luận.