Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để gửi bình luận
Khi nhấn đăng nhập đồng nghĩa với việc bạn đã đồng ý với điều khoản sử dụng của báo Dân Việt
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Mã xác nhận
Đăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất
Chuyện diễn ra ở xã Đô Thành (huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An) vào cuối tháng 3 năm 2021, sau đi khoảng 1 tháng, củng cố thêm "hồ sơ", chúng tôi mới trao đổi với Giám đốc rồi Phó Giám đốc Công an tỉnh, gặp trực tiếp các điều tra viên để gửi tư liệu. Đầu tháng 8 này, mọi việc bắt đầu "bung" ra.
Hôm ấy, vừa lái chiếc bán tải nhập ngoại đời mới, đưa nhóm phóng viên đi dọc con kênh Vanh Bắc, một bên là dãy nhà san sát, xa xa có những nhà thờ nguy, Lương (tên nhân vật đã được thay đổi) kể, ở xóm đông đúc dân cư này nhưng không ít người vẫn có thể "bí mật" nuôi hổ. Nuôi để giết thịt, để nấu cao, một lạng cao hổ "xịn" giá (giá chợ đen) không dưới bốn chục triệu đồng.
"Người ta nuôi ở trong xóm với nhau, nếu không "đoàn kết" (ý nói bao che cho nhau - PV) là không ai dám nuôi. Có những nhà không nuôi nhưng (biết nhà khác nuôi) vì tình làng nghĩa xóm họ không nói ra" - Lương khẳng định chắc nịch với các bạn buôn (nhóm PV vào vai).
Trưa hôm đó, cà phê trong một quán đẹp, sang trọng, ô tô đỗ san sát ở giữa làng, Lương khoát tay cho xem các nóc nhà lộng lẫy như lâu đài san sát, khoe là làng mình rất giàu là "vì thế".
Anh ta rủ chúng tôi sang Lào tham quan và tính chuyện làm ăn to. Vì trại hổ trái phép ở Việt Nam với trại bên Lào liên lạc chặt chẽ, người của làng làm việc bên Lào rất đông.
Cụ thể: Không chỉ nuôi hổ trong làng, gia đình Lương có đứa cháu năm nay 33 tuổi, đã đúc kết được hàng chục năm kinh nghiệm nuôi hổ ở bên nước bạn Lào, nuôi mấy chục con, nuôi thêm cả một trang trại gà để cấp thức ăn cho hổ.
Sở dĩ nuôi được ở bên Lào vì bên đó "không bắt những người nuôi". Cháu của Lương nuôi 60 con hổ, sau nhiều năm tích góp nay đã có tiền ước tính hàng trăm tỉ đồng.
Đó là tài sản bình thường với một người nuôi hổ. Số hổ cháu của Lương nuôi ở bên Lào, sau đó mang về Việt Nam tiêu thụ.
Phóng viên giả vờ buột miệng hỏi trong sự ngạc nhiên: "Mang sao được cả lũ hổ sống từ Lào về Việt Nam nhỉ, họ cấm cơ mà?".
Lương tự tin đáp bằng cái giọng của người trong cuộc đã lâu năm:
"Mang được mà. Không có gì là không được. Cháu nó toàn mang hổ từ đây vào Sài Gòn nấu cho các sếp, mang cả nồi đến nhà sếp (đại gia) nấu luôn. Mình quen một ông nuôi 300 con hổ để nấu cao trong nhà, ông chơi với toàn các người ít nhiều có vị thế".
Theo chia sẻ của Lương nếu phóng viên muốn nấu cao hổ tại nhà ở Hà Nội, anh ta có thể thu xếp nấu được cho ngay, con một hai tạ, nếu không muốn nấu ở nhà thì nấu tại xóm Nam Vực này. Chỉ hai đến ba ngày là xong một nồi, các chú vào đây giám sát nồi cao thoải mái cho yên tâm.
"Nhà dân san sát thế này họ nuôi hổ ở đâu?", phóng viên thắc mắc.
Lương chỉ tay về những ngôi nhà có lối nhỏ đi xuống bên cạnh: "Người ta nuôi trong hầm, làm chuồng trong đấy. Có khi người ta nuôi 1 năm luôn đấy. Nuôi nhiều, mỗi nhà 6 đến 7 con. Tôi vào nhiều. Hổ con nhìn như mèo con ý, họ mua về nuôi với giá 210 triệu đồng một đôi hổ sơ sinh ấy. Nuôi mấy con này có giá trị về kinh tế lớn mà".
(PV: Sau đó cơ quan công an ập vào bắt giữ trong chuyên án chưa từng có trong lịch sử. Các mô tả của Lương trước giờ "G" kể trên là chuẩn xác. Và đặc biệt: số hổ công an thu được - rồi đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam đối tượng nuôi hổ trái phép - mới lòi ra: số hổ nuôi "vi phạm" thậm chí còn nhiều hơn Lương đã áng chừng ở trên. Một hộ nuôi 14 con hổ!).
Trở lại câu chuyện nấu cao hổ. Lương cho biết hổ nuôi để nấu cao không tốt, thịt ăn cũng chẳng ngon, thịt nhão, "thịt ngon phải hổ rừng" (chúng ta không khuyến khích các hành vi này!).
Khi Lương hết lòng ca ngợi hổ rừng và cách chế biến, lại thêm thắc mắc nữa của nhóm phóng viên là "hổ rừng tự nhiên giờ lấy đâu ra, có mà anh bốc phét". Lương cho biết hổ rừng chỉ có cách lấy từ Lào về, ở Việt Nam giờ hầu như không còn nữa.
Muốn vận chuyển hổ về chỉ có đi đường tiểu ngạch. Thậm chí Lương nói mùa dịch Covid-19 này chỉ có người là không về được chứ hàng (hổ) thì về bình thường. "Không ở đâu nhiều hổ "về" như ở xã này".
Với kinh nghiệm nấu cao của Lương cũng giống như nhiều nơi khác mà phóng viên từng tìm hiểu, Lương nói nấu cao mình tự nấu cũng được nhưng phải có nguyên liệu, mà nguyên liệu quan trọng nhất là thuốc phiện.
Lương tiết lộ nhiều chi tiết "sốc", xóm của anh ta, có một nhóm người nấu cao hổ bằng nồi áp suất, người nấu không trông coi cẩn thận dẫn đến nổ cả nồi cao. Ngoài ra có người nuôi hổ trong nhà bị hổ cắn mất một cánh tay (?). Rồi ông bảo đó chỉ là những tai nạn nhẹ, chưa dẫn đến chết người. Để hạn chế hổ gầm, hổ cắn phá phải cho hổ ăn đúng giờ giấc.
Lương thủng thẳng trước khi chúng tôi đi nhậu hải sản ở ven biển xứ Nghệ, các lời của Lương chúng tôi không thể kiểm chứng, có lẽ cứ xin lỗi mạnh dạn đưa ra để rộng đường dư luận và rộng đường điều tra:
"Ở đây nuôi hổ phải làm một khu riêng, nhìn khó biết lắm nhé. Vì ở trong làng, người lạ vào không bao giờ biết, chỉ trong làng biết với nhau thôi.
Trong làng đấy có hàng trăm nhà nuôi (?). Riêng một nhà phải hai trăm mấy mươi con. Đợt này Covid-19 không xuất hổ đi được, thành ra có những con to đến vài tạ (công an ập vào thì đúng như Lương mô tả - PV). Nuôi lâu thêm bọn hổ ấy chỉ tốn công thức ăn các thứ cho nó thôi. Tôi nhìn cái là tôi biết nhà nào nuôi ngay. Cứ mỗi nhà họ nuôi vài ba con.
Ví dụ trong cùng 1 làng có nhà nào có tiền, cũng muốn nuôi, thì có thể gửi nuôi chung (ý là kết hợp cùng có lợi, anh đầu tư hổ con và vốn, kết hợp bao tiêu sản phẩm, các anh khác thì nuôi hổ - PV).
Anh cứ bỏ vốn ra là được; nuôi hổ lớn xong bán, rồi có tiền thì ăn chia. Nuôi hổ, nó nuôi thành nghề rồi" - Lương nói.
Chúng tôi bảo, mua hổ con, chia cho các hộ nuôi rồi bao tiêu sản phẩm, có gì đó giống với mô hình "hợp tác xã nuôi hổ" nhỉ? Lương bảo: "Chính thế". Nói xong, anh ta không giấu giếm vẻ tự hào.
(Còn nữa)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.