“Tìm cho ra một thế hệ nông dân mới”

Đăng Thúy (thực hiện) Thứ sáu, ngày 22/05/2015 15:03 PM (GMT+7)
“Một phần của tái cơ cấu nông nghiệp là phải tạo ra, tìm ra một thế hệ người nông dân mới, có thể lao động ở một mắt xích có giá trị cao hơn”-TS Nguyễn Sĩ Dũng - Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội khẳng định như vậy khi trao đổi với PV NTNN ngày 21.5.
Bình luận 0

Thưa ông, báo cáo của Chính phủ về tình hình kinh tế -xã hội mà Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trình bày trước Quốc hội ngày 20.5 có đề cập đến việc quá trình tái cơ cấu nông nghiệp hiện đang quá chậm, trong khi thực trạng của nền nông nghiệp đang phải đối mặt với rất nhiều thách thức. Theo ông nguyên nhân của sự chậm trễ này là do đâu?

img
Nông dân Lê Văn Thức (xã Hà Thạch, thị xã Phú Thọ) dùng kính hiển vi nghiên cứu giống để phát triển đàn lợn của trang trại. Ảnh: Mạc Ly
- Tôi cho rằng, tái cơ cấu nông nghiệp thực chất chính là giải quyết việc làm cho lao động nông nghiệp, bởi vì chúng ta có đến 70% dân số làm nông nghiệp. Những người này cho dù đang làm nông nghiệp nhưng thực ra vẫn là thất nghiệp, bởi họ chỉ làm nông nghiệp bán thời gian. Giải quyết số lượng lao động này như thế nào chính là bài toán cơ bản trong việc tái cơ cấu nông nghiệp. Theo tôi, phải chuyển đổi họ sang làm những việc khác, có chuyển đổi thì mới giải phóng và tích tụ được đất đai, thực hiện nông nghiệp kiểu mới. Tôi cho rằng, Chính phủ đã có những giải pháp đúng đắn để thúc đẩy nông nghiệp: Đó là khuyến khích, kêu gọi các doanh nghiệp tham gia đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp. Làm nông nghiệp không phải là sản xuất, mà là kinh doanh nông nghiệp. Và đó phải là việc của doanh nghiệp, nông dân không thạo việc này. Tôi vẫn cho rằng, tái cơ cấu nông nghiệp chính là tái cơ cấu con người.

Tại kỳ họp này, Quốc hội đưa vấn đề nông nghiệp vào bàn thảo là rất đúng đắn. Nó sẽ mở ra những cơ hội tích tụ đất đai, phát triển nông nghiệp quy mô lớn. Tôi cho rằng đã có những giải pháp rất sáng tạo, ví dụ như ở Vĩnh Phúc, người ta đặt ra vấn đề thuê lại đất của nông dân và sau đó nông dân sẽ lao động trên đất đó. Ngoài ra chính quyền địa phương cũng có chính sách bù đất để tích tụ đất đai. Chỉ lúc ấy mới có thể tính tới việc sản xuất công nghệ cao hay làm nông nghiệp quy mô lớn.

Nói như vậy có nghĩa là chìa khóa để giải bài toán của nông nghiệp Việt Nam hiện nay vẫn nằm ở phần công nghiệp dịch vụ?

- Đúng vậy, phần công nghiệp dịch vụ đóng vai trò rất lớn trong phát triển nông nghiệp, bởi vì lao động nông nghiệp của Việt Nam rất nhiều. Chúng ta đừng tư duy rằng chỉ lo sản xuất được cái gì và bán thế nào, mà trước hết phải lo về con người. Người nông dân đó sẽ thay đổi như thế nào? Đó mới là tái cơ cấu quan trọng nhất, gắn với con người. Nói đến những nông dân, phải nói đến việc có bao nhiêu người đang làm ở các khu công nghiệp, để từ đó có chính sách hỗ trợ họ trong việc sinh con đẻ cái, phải tạo các dịch vụ cần thiết để họ nuôi dạy con cái trong một điều kiện tốt hơn, để đáp ứng nhu cầu lao động mới chứ không phải là họ sinh con ra rồi lại phải gửi ngược con về quê để nuôi dạy.

Hay nói cách khác, một phần của tái cơ cấu nông nghiệp là tạo ra một thế hệ mới, có thể lao động ở một mắt xích có giá trị cao hơn. Rõ ràng, sản xuất nông nghiệp quan trọng nhưng khi đưa doanh nghiệp vào họ cũng đã phải tính cái gì thuê nông dân lợi hơn thì họ thuê, cái gì đưa máy móc lợi hơn thì họ dùng. Đó vẫn là câu chuyện xung quanh việc làm và giải quyết yêu cầu đối với việc làm.

Nếu làm như thế nghĩa là người nông dân cũng phải nắm rõ những quy luật của kinh tế thị trường. Tuy nhiên, ngay cả khi họ nắm rõ thì vẫn không thể mang lại sự công bằng cho bản thân họ, thưa ông?

Quan điểm
img
TS Nguyễn Sĩ Dũng
 Nếu ai đó nói rằng “được mùa mà cũng mất giá” là chứng tỏ không hiểu về thị trường. Tôi cho rằng, được mùa mà không mất giá mới là chuyện lạ. Chúng ta đang sống trong nền kinh tế thị trường, nguồn cung nhiều thì giá thành giảm. Những điều này doanh nghiệp hiểu hơn nông dân, trong khi nông dân chỉ thấy ông kia trồng được thì mình cũng trồng được. 
- Rõ ràng, quy luật của kinh tế thị trường là đất đai phải tập trung cho những người làm ra nhiều của cải nhất trên đất đai đó, tiền phải tập trung cho những doanh nghiệp làm ra nhiều tiền nhất. Nó hơi tàn nhẫn nhưng quy luật thị trường là như vậy. Mà như vậy thì bảo đảm phát triển rất nhanh, kinh tế sẽ hồi phục nhanh, nhưng lại không đảm bảo được sự công bằng. Tuy nhiên, đảm bảo công bằng cũng không phải là nhiệm vụ của thị trường, mà là vấn đề của Nhà nước, của dân chủ. Tôi cho rằng Chính phủ đã hiểu vấn đề này và hãy để cho thị trường phân phối nguồn lực. Khi thị trường phân phối sẽ đạt được những tối ưu, nhưng Nhà nước chăm lo phúc lợi xã hội mới là điều quan trọng.

 

Nhìn từ thực trạng ùn tắc nông sản, việc sản xuất nông nghiệp theo phong trào, trồng tràn lan như hiện nay trách nhiệm thuộc về ai, thưa ông?

- Rõ ràng không ai bắt nông dân phải trồng cái gì, đó là quyền của họ. Tuy nhiên, nếu nông dân làm theo phong trào thì rủi ro rất lớn. Cái họ thiếu ở đây là dịch vụ tư vấn và cung cấp thông tin. Tôi thấy, các bộ như Bộ NNPTNT, Bộ Công Thương cũng đang cung cấp thông tin nhưng chủ yếu là về kỹ thuật như cách trồng cây này, cây kia, song lại thiếu phần thông tin về thị trường cũng như nhu cầu trong nước, ngoài nước và dự báo thị trường sắp tới. Tuy nhiên, nếu chỉ nói như thế cũng rất khó cho các bộ vì những thông tin của thị trường và các hệ lụy thì chỉ có doanh nghiệp mới nắm rõ nhất. Nông dân có thể thấy được những diễn biến đó nhưng ứng xử và giải quyết như thế nào lại là việc của doanh nghiệp. Đó là lý do để nông nghiệp phát triển phải có sự tham gia của những doanh nghiệp lớn, mạnh.

Xin cảm ơn ông!

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem