Tín dụng chính sách giúp phát triển vườn cây ăn trái, trang trại chăn nuôi, dân Hải Dương khá lên
Tín dụng chính sách giúp phát triển vườn cây ăn trái, trang trại chăn nuôi, nông dân Hải Dương có của ăn của để
Hà Kiên – Thanh Hoa
Thứ tư, ngày 26/10/2022 13:26 PM (GMT+7)
Nhiều hộ nông dân trên địa bàn tỉnh Hải Dương đã có đời sống khá giả hơn nhờ vay vốn tín dụng ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) để đầu tư trồng trọt, chăn nuôi, phát triển kinh tế.
Những mô hình sinh sôi từ nguồn vốn ưu đãi Ngân hàng CSXH
Gia đình ông Nguyễn Văn Hùng (ở đội 4, thôn 2, xã Văn Hội, Ninh Giang) nhiều năm trước là một trong những hộ nghèo của địa phương. Năm 2017, gia đình ông Hùng được vay vốn tín dụng ưu đãi từ chương trình cho hộ nghèo vay. Năm 2019, gia đình ông tiếp tục được vay ưu đãi theo chương trình cho hộ mới thoát nghèo vay để đầu tư vào chăn nuôi.
Giai đoạn đến năm 2030, Ngân hàng CSXH tỉnh Hải Dương đặt mục tiêu 100% hộ nghèo và đối tượng chính sách khác có nhu cầu, đủ điều kiện được tiếp cận sản phẩm, dịch vụ; dư nợ tăng trưởng bình quân hằng năm 10%; tỷ lệ nợ quá hạn dưới 1% tổng dư nợ;
tỷ lệ thu lãi hơn 98% lãi phải thu; tỷ lệ giao dịch tại xã trên 95%.
Từ chỗ chỉ trông chờ vào 6 sào ruộng khoán, đến nay, gia đình ông Hùng đã thoát nghèo, làm chủ một mô hình chăn nuôi với 4 con bò nái, gần 1.000 con vịt đẻ trứng. Gia đình vừa đầu tư thêm một lò ấp trứng để từng bước phát triển sinh kế. "Nếu không có nguồn vốn tín dụng ưu đãi, có lẽ gia đình tôi khó có được cuộc sống đủ đầy như ngày hôm nay"- ông Hùng nói.
Sau 4 năm thực hiện mô hình trang trại tổng hợp trồng trọt kết hợp với chăn nuôi ở khu vực bãi Giữa, thôn Đại Uyên, xã Bạch Đằng, đến nay, tổng diện tích trang trại của gia đình anh Lê Văn Phương đã lên đến 2,7ha. Thông qua Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH thị xã Kinh Môn, gia đình anh đã vay 70 triệu đồng với lãi suất ưu đãi từ chương trình giải quyết việc làm và chương trình nước sạch, vệ sinh môi trường nông thôn.
Trong khu trang trại, khoảng 2.000m² được gia đình anh xây dựng làm khu nuôi đà điểu. Phần còn lại là khu vườn trồng thanh long ruột đỏ, bưởi, cam và một khu trồng thử nghiệm thanh long vỏ vàng. Mô hình chăn nuôi kết hợp trồng trọt của anh mang lại doanh thu bình quân hàng trăm triệu đồng mỗi năm.
Là "cánh tay nối dài" của hệ thống Ngân hàng CSXH, các tổ chức nhận ủy thác, các tổ tiết kiệm và vay vốn đã đến từng nhà, rà soát nhu cầu vay vốn của từng hộ dân nhằm chuyển tải kịp thời, đúng đối tượng nguồn vốn chính sách.
Gần 20 năm tận tụy giúp người dân tiếp cận vốn chính sách, bà Nguyễn Thị Quét - Tổ trưởng Tổ Tiết kiệm và vay vốn (thôn 2, xã Văn Hội, Ninh Giang) là một trong những cá nhân điển hình. Với vai trò Tổ trưởng, trước khi nhận nguồn vốn ưu đãi, bà Quét cùng nhiều tổ viên đã rà soát các hộ đủ điều kiện vay vốn, phổ biến quy định để người dân hiểu, từ đó sử dụng vốn vay đúng mục đích.
Đồng hành cùng hộ nghèo
Sáng 24/10, UBND tỉnh Hải Dương tổ chức hội nghị tổng kết 20 năm triển khai thực hiện Nghị định 78/2002 của Chính phủ (Nghị định 78) về tín dụng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác. Dự hội nghị có ông Dương Quyết Thắng - Tổng Giám đốc Ngân hàng CSXH Việt Nam, ông Lê Văn Hiệu - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Hải Dương...
Theo báo cáo của Ngân hàng CSXH tỉnh Hải Dương, sau 20 năm, từ 2 chương trình tín dụng đến nay đã có 12 chương trình được thực hiện, mở rộng tín dụng chính sách cả về phạm vi, đối tượng và nguồn vốn. Hơn 14.000 tỷ đồng vốn chính sách đã được chuyển tải tới cho gần 750.000 lượt hộ nghèo và đối tượng chính sách; nguồn vốn, dư nợ đã tăng hơn 16 lần. Qua đó giúp trên 104.000 hộ thoát nghèo; thu hút, tạo việc làm cho gần 40.000 người lao động; giúp gần 118.000 học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn đi học; xây dựng được trên 427.000 công trình nước sạch và vệ sinh môi trường ở nông thôn; hỗ trợ xây dựng gần 3.400 căn nhà...
Đặc biệt, trước ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19, nguồn vốn tín dụng chính sách đã kịp thời hỗ trợ cho doanh nghiệp trả lương cho hơn 1.000 lao động để phục hồi sản xuất, kinh doanh; hỗ trợ các cơ sở giáo dục mầm non, học sinh, sinh viên và người dân vay vốn phục hồi sản xuất…
Vui lòng nhập nội dung bình luận.