Tòa đã tuyên, trách nhiệm thuộc về toà

Ngọc Lương Thứ bảy, ngày 14/03/2015 07:10 AM (GMT+7)
Sáng 13.3, Chánh án Tòa án nhân dân (TAND) Tối cao Trương Hòa Bình trả lời chất vấn trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội xung quanh vấn đề án oan sai. Việc giải quyết khi bản án có dấu hiệu oan sai thế nào; bồi thường thiệt hại vì sao chậm trễ; giải pháp chống oan sai thế nào là những vấn đề được các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đặt ra với người đứng đầu ngành tòa án.
Bình luận 0

Cần trọng tài xác định cơ quan bồi thường oan sai

Một vấn đề trong các vụ án oan sai là việc bồi thường cho người bị án oan quá chậm, dây dưa kéo dài 5-7 năm, các cơ quan tố tụng đổ lỗi cho nhau đã được ĐB Lê Thị Nga - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội nêu ra. ĐB Nga nêu ví dụ vụ ông Nguyễn Thanh Chấn (Bắc Giang) và Phan Văn Lá (Long An), rồi đặt câu hỏi nguyên nhân của việc chậm trễ là gì, trách nhiệm và giải pháp của tòa trong việc giải quyết bồi thường oan sai.

img

Ông Phan Văn Lá (Long An) với tập đơn kêu oan và đòi bồi thường thiệt hại. Ảnh: I.T
Chánh án TAND Tối cao Trương Hòa Bình cho biết: Tùy từng giai đoạn tố tụng có thể cơ quan tố tụng nào làm oan sai thì phải bồi thường theo Luật Trách nhiệm bồi thường nhà nước. Theo ông Bình, có một số vụ xảy ra tranh chấp khi xác định cơ quan nào phải bồi thường nhưng không nhiều.

Quan điểm
img
ĐB Đỗ Văn Đương (TP.HCM)
  Bản án tử hình với Hồ Duy Hải tuyên từ năm 2005 có oan không? Hình phạt tử hình với Nguyễn Văn Chưởng đã đúng chưa? Vụ án Huỳnh Văn Nén từ năm 2000 đã có đơn tố cáo 2 thủ phạm khác nhưng sao sau hơn 10 năm mới có kháng nghị giám đốc thẩm? 
Bà Nga truy vấn tiếp: Về vụ ông Phan Văn Lá, công an và Viện Kiểm sát nói tòa phải bồi thường, nhưng tòa nói không phải trách nhiệm của mình, theo chánh án thì cả 3 cơ quan tố tụng cùng có lỗi với dân?

"Giải pháp phải có một cơ quan trọng tài để xác định cơ quan tố tụng nào phải bồi thường trong trường hợp tranh chấp khi xác định bên phải bồi thường. Luật có điểm chưa quy định hết nên có xung đột pháp lý. Đã có oan phải có cơ quan đứng ra giải quyết, ví dụ như Bộ Tư pháp đại diện cho nhà nước" - Chánh án Trương Hòa Bình nói.

ĐB Nguyễn Mạnh Cường chất vấn, trong hơn 6 tỷ đồng bồi thường oan sai trong thời gian qua thuộc trách nhiệm của tòa án thì đã truy thu được bao nhiêu tiền của những thẩm phán làm sai? Theo ĐB Cường, làm sai thì phải bỏ tiền túi ra đền, chứ không được lấy tiền thuế của dân để bồi thường oan sai.

Chánh án Trương Hòa Bình lý giải: Theo quy định của luật, người thi hành công vụ khi có lỗi cố ý mới phải bồi thường. "Trong các vụ án oan sai mà tòa phải bồi thường vừa qua, chưa xác định lỗi cố ý của ai, cho nên không xem xét trách nhiệm hoàn trả của các thẩm phán" - ông Bình cho hay.

Xảy ra án oan, tòa phải chịu trách nhiệm

Quan điểm
img
Chánh án TAND Tối cao Trương Hòa Bình
  Các vụ án trên hiện đang được nhiều cơ quan tố tụng phối hợp giải quyết. Mọi việc phải làm thận trọng để đảm bảo nếu oan thì kết luận là oan, nếu có tội thì xác định rõ để không lọt tội phạm...  
ĐB Nguyễn Bá Thuyền (Lâm Đồng) đặt vấn đề, sau vụ ông Nguyễn Thanh Chấn, còn bao nhiêu vụ án oan sai? "Chánh án hứa sẽ rà soát, vậy đến nay rà soát được bao nhiêu vụ? Trong vụ án Lê Bá Mai (Bình Phước), tòa án các cấp đã xét xử nhiều lần, lúc tuyên tử hình, lúc chung thân, lúc lại tuyên vô tội, khiến dư luận rất hoang mang. Vậy giải pháp đột phá chống oan sai, chống bỏ lọt tội phạm là gì?” - ĐB Thuyền chất vấn.

Theo Chánh án Trương Hòa Bình, qua rà soát từ năm 2011 đến nay, có 35 trường hợp có đơn kêu oan (những vụ có án từ 20 năm đến chung thân hoặc tử hình); đã giải quyết 24 trường hợp, có 3 trường hợp kháng nghị, còn 11 trường hợp đang tiếp tục xem xét.

"Chúng tôi thấy cơ bản là xử đúng, chưa phát hiện trường hợp nào oan sai. Còn những vụ án nổi cộm là của giai đoạn trước. Đến nay mới chỉ khẳng định vụ ông Nguyễn Thanh Chấn là oan" - ông Bình cho hay. Cũng theo Chánh án, tỷ lệ án bị chỉnh sửa chỉ chiếm 0,6%.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đặt câu hỏi: Tòa án có tự mình xác định được là có xử oan sai không hay phải chờ kháng nghị, kêu oan mới biết. Khi tìm ra cái sai, trách nhiệm người gây oan sai ra sao, cụ thể là thẩm phán thế nào, đã xử lý nghiêm chưa?

Chánh án Trương Hòa Bình cho biết, mỗi cấp tòa án xét xử độc lập, sơ thẩm sai có phúc thẩm, phúc thẩm sai có giám đốc thẩm. Lịch sử tòa án có rất nhiều vụ án mà cấp phúc thẩm sửa sai cho sơ thẩm. Ông Bình cho hay, khi bản án sai, nếu không nghiêm trọng, thì thẩm phán đó không tái bổ nhiệm, tổ chức kiểm điểm trách nhiệm của hội đồng xét xử. Nếu sai lầm nghiêm trọng thì thẩm phán bị đình chỉ xét xử, nếu cố ý làm oan sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

“Án dù sai từ giai đoạn điều tra, dù do bức cung nhục hình nhưng đã kết tội thì đó là trách nhiệm của tòa án. Làm người dân bị oan, trách nhiệm cuối cùng là của tòa án, người chịu trách nhiệm cao nhất là chánh án, có phải không?”- Chủ tịch Quốc hội tiếp tục truy vấn.

Chánh án Trương Hòa Bình công nhận việc án oan dù do cơ quan điều tra hay Viện Kiểm sát nhưng khi tòa đã tuyên thì trách nhiệm thuộc về tòa. Còn khi tòa chưa xử, nếu sai ở khâu điều tra thì công an chịu trách nhiệm, sai ở truy tố là thuộc Viện Kiểm sát.

Thượng tướng Lê Quý Vương - Thứ trưởng Bộ Công an cho biết: Lý do xảy ra oan sai là trong quá trình điều tra, cơ quan liên quan chưa tập trung tôn trọng chứng minh sự thật khách quan, xem xét chứng cứ, chủ yếu xem xét lời khai, trọng cung hơn trọng chứng. Ngoài ra còn do năng lực, phẩm chất của cán bộ điều tra. Một  vài vụ việc do tư tưởng thành tích xảy ra bức cung nhục hình, như vụ Ngô Thanh Kiều (Phú Yên), do anh em nôn nóng, đối tượng không khai nên đã xảy ra nhục hình.
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem