Tọa đàm trực tuyến: “Nông dân trước cơ hội ứng dụng cây trồng biến đổi gen tại Việt Nam”

NTNN Thứ hai, ngày 01/12/2014 14:11 PM (GMT+7)
Chiều nay (1.12), Nhà giáo Nhân dân, Giáo sư Nguyễn Lân Dũng - Chủ tịch Hội Các ngành Sinh học Việt Nam và PGS.TS. Phạm Văn Toản - Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam đã giải đáp thắc mắc của bạn đọc Báo điện tử Dân Việt - Báo Nông thôn Ngày nay về cây trồng biến đổi gen.
Bình luận 0

Cây trồng biến đổi gen là một thành tựu khoa học hiện đại của thế giới đã được nghiên cứu thành công từ những năm 80 của thế kỷ XX. Đến năm 1996, cây trồng biến đổi gen chính thức được thương mại hóa trên thế giới và đến nay sau 18 năm phát triển, đã có 27 nước chấp nhận trồng cây biến đổi gen và 61 nước sử dụng sản phẩm từ cây trồng biến đổi gen làm thực phẩm và chế biến thức ăn chăn nuôi. Trong số đó, có nhiều nước tiên tiến đã cho phép trồng cây biến đổi gen, dẫn đầu là Hoa Kỳ.

Tại Việt Nam, cây trồng biến đổi gen đã được nghiên cứu, khảo nghiệm từ nhiều năm qua với những hành lang pháp lý chặt chẽ, an toàn. Vừa qua, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chính thức có các Quyết định về việc công nhận các sự kiện ngô biến đổi gen đủ điều kiện sử dụng làm thức ăn chăn nuôi tại Việt Nam. Tiếp sau đó, Bộ Tài nguyên- Môi trường cũng đã có các Quyết định phê duyệt và cấp giấy chứng nhận an toàn sinh học đố với các sự kiện ngô biến đổi gen. Đây là một bước đi cụ thể, nhằm tiến tới việc thương mại hóa và chính thức ứng dụng vào sản xuất đại trà cây ngô biến đổi gen tại nước ta.

Tuy nhiên, trong thời gian qua, các thông tin về cây trồng biến đổi gen đến với bà con nông dân, nhất là những người trồng ngô cả nước còn nhiều hạn chế. Với mục đích cung cấp thông tin đầy đủ, toàn diện cho bà con nông dân về cây trồng biến đổi gen, cũng như giải đáp những câu hỏi, thắc mắc của quý vị độc giả, cùng bà con nông dân về cây trồng biến đổi gen. Hôm nay (1.12), Báo điện tử Dân Việt - Báo Nông thôn Ngày nay tổ chức tọa đàm trực tuyến về cây trồng biến đổi gen với chủ đề “Nông dân trước cơ hội ứng dụng cây trồng biến đổi gen tại Việt Nam”.

Khách mời tham dự buổi tọa đàm trực tuyến ngày hôm nay có Nhà giáo Nhân dân, GS. Nguyễn Lân Dũng - Chủ tịch Hội Các ngành Sinh học Việt Nam và  PGS.TS. Phạm Văn Toản - Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam.

Dưới đây là phần trả lời của hai chuyên gia đối với các câu hỏi bạn đọc gửi đến Báo điện tử Dân Việt - Báo Nông thôn Ngày nay:

Bà Nguyễn Thị Mến, ở cụm 2, xã Vân Nam (huyện Phúc Thọ, Hà Nội) hỏi: Nhà tôi trồng ngô đã nhiều năm, trong những năm gần đây gia đình tôi có chuyển sang trồng giống ngô lai cho năng suất tương đối cao. Gần đây, tôi có nghe đã có giống ngô “biến đổi gen” gì đó. Lúc đầu, tôi nghe cứ tưởng đây là giống ngô thoái hóa nên mới bị “biến đổi”. Song qua theo dõi trên TV và báo chí tôi được biết, đây là giống ngô cho năng suất rất cao. Vậy xin hỏi, vì sao lại gọi là giống ngô “biến đổi gen”?.

PGS.TS. Phạm Văn Toản trả lời: Trước tiên tôi xin cảm ơn Báo đã tổ chức buổi tọa đàm ngày hôm nay. Thực ra từ biến đổi gen được dịch nguyên bản theo từ khoa học, đây là giống cây trồng mới, có đưa gen quy định 1 số đặc tính nông sinh học theo mong muốn của con người. Để dễ hiểu nên dùng 1 khái niệm là ngô sinh học, hay cây trồng sinh học, dễ hiểu hơn là chúng ta dùng kỹ thuật sinh học để tạo ra loại cây này.

img PGS.TS. Phạm Văn Toản đang trả lời câu hỏi của bạn đọc

Ông Nguyễn Đức Quyết, thôn Nho Lâm, xã Mai Động (Kim Động, Hưng Yên) hỏi: Xem trên TV, báo chí, tôi có biết đến giống ngô biến đổi gen với nhiều ưu điểm, nhưng do mới nên nếu không có đầy đủ thông tin, khi đưa vào trồng chắc chắn người dân sẽ còn e dè. Xin các chuyên gia giải thích rõ hơn cho bà con nông dân chúng tôi?

PGS.TS. Phạm Văn Toản trả lời: Như trên tôi đã nói, cây ngô biến đổi gen (BĐG) có đặc điểm mới, trên thế giới đã tạo ra một số ngô BĐG, ngô kháng sâu. Ngô bình thường sâu đục thân, đục bắp làm ngô ngã đổ, bắp bị hỏng. Giống ngô mới sinh ra gen có protein sâu ăn vào sẽ bị chết, giảm thiểu thiệt hai do sâu gây ra. Còn có ngô chống chịu thuốc diệt cỏ, cỏ dại cạnh tranh dinh dưỡng với cây trồng qua đó làm giảm năng suất của cây trồng.

Hiện tại các nhà khoa học đang có một số công trình nghiên cứu đưa ra một số cây trồng mới có giá trị dinh dưỡng cao hơn so với cây trồng bình thường(vitamin, tinh bột…) hoặc có khả năng bảo quản lâu dài,thích ứng với biến đổi khí hậu. Một số loại cây trồng biến đổi gen khác đâng được nghiên cứu như chống chịu hạn,chịu mẫn, chịu ngập, chịu phèn…Đến năm 2015 cây ngô chống chịu hạn sẽ được đưa vào trồng trong thời gian tới.

Cây trồng mới sử dụng được khoảng 50% lượng đạm và 30% lượng lân được bón, số còn lại bị mất đi, gây ra ô nhiễm môi trường và  làm tăng chi phí đầu vào cho sản xuất nông nghiệp. Các nhà khoa học đang nghiên cứu tạo các cây trồng biến đổi gen có khả năng sử dụng dinh dưỡng tốt hơn, qua đó giảm bớt chi phí đầu vào, nâng cao hiệu quả sản xuất và giảm ô nhiễm môi trường.    

img  GS. Nguyễn Lân Dũng trả lời câu hỏi của bạn đọc

GS. Nguyễn Lân Dũng chia sẻ thêm: Như PGS.TS Toản đã nói, cách gọi cây trồng BĐG có thể dẫn đến hiểu nhầm. Thực tế trong thiên nhiên vẫn xảy ra những sự kiện BĐG nhằm mục đích có lợi cho tiến hóa, nhưng sự biến đổi trong thiên nhiên rất chậm, diễn ra trong hàng trăm hàng nghìn năm hoặc lâu hơn nữa. Còn BĐG mà chúng ta đang nói chỉ hoàn thành trong vài năm do có sự chủ động của con người nhằm mục đích có lợi cho con người. BĐG là chuyện bình thường, nhưng nông dân mới nghe thấy BĐG thì sợ. Từ “biến đổi gen” không phải do chúng ta nghĩ ra mà do thế giới đặt tên.

Hiện nay các nhà khoa học đề nghị gọi là cây trồng công nghệ sinh học. Đây là ứng dụng quan trọng của con người, nếu không ứng dụng thì rất lãng phí, cần phải nhấn mạnh đây là thành tựu lớn của nhân loại. Từ năm 1982 mới bắt đầu có khái niệm cây trồng BĐG, bắt đầu từ cây thuốc lá với việc tạo ra kháng sinh, sau đó đến năm 1986 là kháng thuốc diệt cỏ ở cây thuốc lá. Ở ruộng thí nghiệm với cây được cấy gen kháng thuốc trừ cỏ, phun 2 lần cỏ chết mà ngô không chết, điều này góp phần nâng cao năng suất cây ngô, trong khi trước đó nếu phun thuốc trừ cỏ 2 lần có thể làm ngô hoặc cây thuốc lá bị chết.

Vì sao gọi là cây trồng công nghệ sinh học, là do giống cây trồng được chuyển gen trừ sâu của vi khuẩn Bacilus thuringiensic (Bt). Đây là gen tuyệt đối an toàn với con người vì tinh thể chứa độc tố chỉ vỡ ra ở môi trường PH kiềm mà đường tiêu hóa của người, gia súc gia cầm có tiêu hóa rất axit. Khi đưa vào cây ngô, nếu sâu cắn vào lá ngô, coi như sâu "tự tử" bởi vì mang gen tạo ra độc tố làm sâu chết, tuy nhiên vẫn tuyệt đối an toàn với người và gia súc gia cầm.

Bạn đọc có địa chỉ email nguyenvanluan2013@gmail.com hỏi: Tôi nghe nói, cây trồng biến đổi gen có khả năng kháng được sâu bệnh là do giống cây này có một chất độc tiết ra để sâu ăn vào đứt ruột mà tự chết. Vậy, nếu sau này khi con người sử dụng sản phẩm từ giống cây đó, có bị “đứt ruột” như sâu không, thưa nhà giáo Nguyễn Lân Dũng?

GS. Nguyễn Lân Dũng trả lời: Hiện nay người ta dùng vi khuẩn Bt này để làm thuốc trừ sâu sinh học, mà thuốc sinh học khác hẳn thuốc trừ sâu hóa học vì nó rất an toàn. Còn với gen của vi khuẩn Bt, đã có nhiều sinh viên Mỹ tình nguyện làm thí nghiệm nuốt thử vi khuẩn này và cho thấy nó không thể phá vỡ tinh thể trong đường tiêu hóa. Do đó, người ta đã nghiên cứu rất kỹ mới quyết định dùng gen tạo ra tinh thể chứa độc tố chỉ có tác hại với sâu mà không có tác hại với người, gia súc, gia cầm.  

Ông Nguyễn Văn Thành và nhiều bà con ở bản Tán Thuật, xã Chiềng Hắc (Mộc Châu, Sơn La) hỏi: Qua theo dõi trên TV và Báo NTNN, chúng tôi được biết, gần đây Bộ NN&PTNT và Bộ Tài nguyên- Môi trường đã công nhận cho một số giống ngô biến đổi gen được phép trồng tại nước ta. Chúng tôi đang rất muốn mua giống này về trồng thử, xin hỏi đến bao giờ giống ngô này mới được trồng trên diện rộng ở nước ta?

PGS.TS. Phạm Văn Toản trả lời: Cây trồng biến đổi gen đưa vào thử nghiệm ở Việt Nam từ đầu năm 2010, theo quy định chung của quốc tế, trước khi cây trồng BĐG đưa vào thực tế phải đáp ứng hai tiêu chuẩn: an toàn môi trường và an toàn với sức khỏe con người vật nuôi.

Từ đầu năm 2010, Bộ NNPTNT đã cấp giấy phép khảo nghiệm diện hẹp, tiếp theo khảo nghiệm diện rộng cho 5 giống ngô BĐG với mục đích đánh giá để xem cây ngô có ảnh hưởng tiêu cực đến đa dạng sinh học hay không (như sinh vật có ích khả năng trở thành cỏ dại dịch hại hay các ảnh hưởng tiêu cực khác đến môi trường và đa dạng sinh học trong điều kiện Việt Nam).

Năm 2013, Bộ NNPTNT kiểm tra đánh giá lại kết quả khảo nghiệm và công nhận kết quả khảo nghiệm.

Trên cơ sở kết quả khảo nghiệm, các công ty đã hoàn thiện báo cáo đánh giá rủi ro của cây ngô biến đổi gen đối với môi trường gửi Bộ TNMT. Bộ TNMT đã xem xét và cấp giấy chứng nhận an toàn sinh học cho một trong 5 giống ngô BĐG đã khảo nghiệm, bốn giống ngô khác đang trong thời gian xem xét để cấp giấy chứng nhận an toàn.

Bà Phạm Thị Tuyết Nga – Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Yên Bái hỏi: Yên Bái là một trong những địa phương có nhiều diện tích ngô ở miền Bắc, từ nhiều năm qua bà con nông dân trên địa bàn có sử dụng các bộ giống ngô nội, gần đây là ngô lai đã được Nhà nước chứng nhận. Tôi có thắc mắc là, giống ngô biến đổi gen đã được trồng thử nghiệm ở nước ta chưa và liệu có khả năng trồng được đại trà ở Việt Nam?

PGS.TS. Phạm Văn Toản trả lời:  Căn cứ vào văn bản quy phạm pháp luật hiện hành (nghị định 69/ 2010 của Thủ tướng Cp), quy định quản lý anh toàn với cây trồng biến đổi gen, bộ NNPTNT đã tổ chức khảo nghiệm diện hẹp tại Hương Yên, Bà Rịa Vũng Tàu và khảo nghiệm diện rộng tại Miền núi phía Bắc, Đồng bằng sông Hồng, Nghệ An, Tây Nguyên và Miền đông Nam Bộ để đánh giá ảnh hưởng của 5 giống ngô BĐG đối với môi trường đa dạng sinh học.

Kết quả khảo nghiệm, đồng thời cũng cho thấy các giống ngô BĐG kháng sâu, chống chịu thuốc trừ cỏ có khả năng trồng đại trà ở Việt Nam. 

img Quang cảnh buổi tọa đàm trực tuyến. 

 

Ông Nguyễn Văn Tính, ở ấp Tân Hưng, xã Mỹ Lâm (Hòn Đất, Kiên Giang) hỏi: Tôi nghe nhiều ý kiến có nói, cây trồng biến đổi gen nếu đem về đồng đất mình trồng sẽ gây nhiều nguy hại cho môi trường, ảnh hưởng tới các cây trồng khác. Xin hỏi các chuyên gia, sự thực có phải như thế không?

GS. Nguyễn Lân Dũng trả lời: Khi tôi sang Philippines tôi thấy nông dân ở đây cũng có những thắc mắc giống như vậy, thậm chí có nơi còn biểu tình phản đối nhưng các nhà khoa học đã giải thích để giúp nông dân yên tâm. Đến nay trên thế giới đã có 175,2 triệu ha cây trồng BĐG, trong đó châu Mỹ và Mỹ la tinh chiếm hơn một nửa diện tích cây trồng BĐG. Nước dẫn đầu là Mỹ, đã sản xuất trên 70,1 triệu ha, Argentina 24,4 triệu ha, Ấn Độ - nước đông dân thứ nhì - 11 triệu ha, Canada 10,8 triệu ha; Trung Quốc 4,2 triệu ha và diện tích này vẫn đang tăng lên rất nhanh. Như vậy đến nay đã có 27 nước phát triển cây trồng BĐG, trong đó có 19 nước đang phát triển và 8 nước công nghiệp, với số lượng dân chiếm tới 4 tỷ người, trong đó có không ít nước có trình độ khoa học cao. Vì vậy nông dân Philippines không sợ nữa. Các nước tiên tiến như thế và đông dân như thế họ còn không sợ thì việc gì mình phải sợ.

Như PGS.TS Toản vừa nói, mình trồng cây BĐG nhưng ko phải là trồng bừa bãi mà có ngăn cách, trong kiểm soát, loại bỏ gen không thích hợp mà chỉ chọn lọc những gen thích hợp để đưa vào. Phải nói rằng đây là tiến bộ của CNSH của con người. Ví dụ, cây ngô đưa gen vào bằng súng bắn gen, với áp suất rất cao để đưa ADN đã được bọc trong kim loại là vàng hoặc vonfram, nhưng với cà chua, khoai tây, thuốc lá, cách nào không thích hợp và người ta đã dùng vi khuẩn Agrobacterium tumefaciens để chuyển gen mong muốn vào cây trồng. Bằng 2 công nghệ rất cao này con người đã lựa chọn gen vào cây trồng. Các gen này còn bị phá hủy bởi nhiệt độ và khi đun nấu sản phẩm không còn nguy hại gì nữa đối với con người.

Ở Philippines người ta trồng 2 ruộng đối chứng và thí nghiệm để nông dân có thể dễ dàng xem xét lựa chọn. Trong đó, 1 ruộng phun thuốc trừ cỏ 1 lần cỏ vẫn mọc, ngô không phát triển được, 1 ruộng phun 2 lần ngô không chết, năng suất cao. Hoặc là 1 ruộng đối chứng bị sâu đục thân phá đứt nặng nề, còn ruộng thí nghiệm đã chuyển gen Bt thì bắp ngô dài và không bị sâu phá hại. Vì vậy nông dân dễ dàng lựa chọn.

Cây BĐG hoàn toàn an toàn, không có tác hại gì tới con người. Cho tới nay không có công trình nào cho thấy sự mất an toàn. Chỉ có 1 công trình là thí nghiệm trên chuột tạo ra bệnh ưng thư, nhưng về sau các nhà khoa học đã chứng minh thí nghiệm này là sai hoặc có mục đích xấu là ngay từ đầu đã chọn chuột thí nghiệm gây ung thư.

Ông Lê Văn Thuật, ở bản Nà Cần, Chiềng Sơ, Sông Mã (Sơn La) hỏi: Gia đình tôi hiện đang trồng 9ha ngô, chủ yếu sử dụng giống ngô lai. Tôi xin hỏi, các giống ngô thông thường, giống ngô lai và giống ngô biến đổi gen có gì khác biệt?. Tôi cũng được biết, giống ngô biến đổi gen có giá đắt hơn, vì chỉ do một số công ty nước ngoài độc quyền, nên tôi cũng như rất nhiều bà con khác còn e ngại. Sự thực về vấn đề này như thế nào?.

PGS.TS. Phạm Văn Toản trả lời:  Cây lai cho dù là ngô hay lúa hay cây gì đi chăng nữa cũng là giống độc quyền của người sản xuất ra cây đó. Cây ngô BĐG thực chất cũng là cây lai, có điều giống gốc tạo ra giống lai được tạo ra từ cây trồng BĐG. Nói giống BĐG đắt hơn giống thông thường cũng là chuyện bình thường. Vì để tạo ra giống BĐG chi phí rất lớn, từ khâu nghiên cứu đến đưa ra thị trường mất 15 năm, chi phí hàng trăm triệu USD nên giá giống cao hơn bình thường

Vấn đề độc quyền, hạt lai cũng là độc quyền của nhà sản xuất, cây BĐG cũng vậy nên cần xác định rõ người sản xuất giống cần có người mua. Vì vậy giá của người sản xuất bán cao, nông dân thấy giá bán đó không có lãi thì không mua nên người sản xuất sẽ không bán được. Vì vậy vấn đề độc quyền không đáng lo. Khi ta đã ra nhập WTO bán những thứ chúng ta cần và những thứ có người khác mua. Vì vậy quan trọng là tạo ra các sản phẩm đối với người sản xuất và người mua phải có lãi, nên chuyện độc quyền và chuyện cạnh tranh không đáng lo ngại.

GS. Nguyễn Lân Dũng bổ sung: Không phải doanh nghiệp người ta làm ra mà không muốn bán. Thế giới hiện nay là thế giới phẳng không ai có thể "dùng tay che mặt trời". Họ không thể "bắt nạt" mình được đâu vì không phải chỉ có một công ty bán giống. Vì thế người dân không phải lo. Sẽ có những công ty tìm cách hạ giá thành để cạnh tranh với công ty khác.

Bạn đọc Nguyễn Tùng, ở Thanh Trì (Hà Nội) hỏi: Trên thế giới cũng như Việt Nam hiện vẫn còn hai luồng ý kiến tranh cãi xung quanh thực phẩm biến đổi gen. Tôi được biết, vừa qua các Bộ, ngành đã có những quyết định công nhận một số giống ngô biến đổi gen, nên xin hỏi, ở nước ta quá trình đánh giá tác động của cây trồng này đã được thực hiện như thế nào trước khi có các quyết định kể trên?

PGS.TS. Phạm Văn Toản trả lời:  Thực ra như lúc đầu chúng ta trao đổi về cây trồng BĐG là tạo ra các đặc tính nông sinh học theo mong muốn của con người. Cây trồng BĐG có nhiều lợi thế như kháng sâu, chống chịu bất lợi của môi trường, giá trị mới liên quan tới bảo quản, chế biến, dinh dưỡng…Cây trồng BĐG chúng ta sử dụng làm thực phẩm, TACN, nguyên liệu trong công nghiệp, sản xuất năng lượng tái tạo… Hiện đối với cây trồng BĐG có 2 luồng là đồng ý và phản đối. Thực chất xét ở góc độ mỗi sự việc đều có ý kiến khác nhau, vì cái này, vì cái kia, vì quyền lợi của nhóm này, nhóm kia …nên luôn có những ý kiến trái chiều. Ở Châu Âu cũng có những nhóm phản đối cây trồng BĐG. Tuy nhiên, có thể nhìn nhận một cách khách quan, ở Châu Âu là lãnh thổ công nhận và đưa cây trồng BĐG vào từ những năm đầu tiên, sau năm 1996. Thực phẩm BĐG từ ngô và đậu tương đã được cơ quan an toàn thực phẩm EU cấp phép sử dụng ở cộng đồng Châu Âu từ những năm 1997 - 1998, và bây giờ vẫn tiếp tục xem xét cấp phép với các sản phẩm BĐG mới.

Rõ ràng Châu Âu họ vẫn công nhận, không phản đối thực phẩm BĐG. Chỉ có điều, ở Châu Âu quy định với thực phẩm BĐG phải ghi nhãn để  bảo đảm quyền của người tiêu dung.  Mỗi một năm, cộng đồng Châu Âu đã nhập một lượng không nhỏ ngô làm thực phẩm và TACN. Ở Tây Ban Nha, 80% diện tích ngô là cây trồng BĐG. 

Từ năm 2010 đến năm 2013, Bộ NNPTNT đã tổ chức khảo nghiệm đánh giá rủi ro cây ngô BĐG đối với môi trường và công nhận kết quả khảo nghiệm. Bộ TNMT căn cứ báo cáo đánh giá rủi ro xem xét cấp giấy chứng nhận an toàn sinh học cho cây trồng BĐG khảo nghiệm. Bộ NNPTNT căn cứ hồ sơ đăng ký cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện làm thực phẩm thức ăn chăn nuôi xem xét cấp giấy xác nhận trên cơ sở kết luận của hội đồng an toàn sinh học ngành.

Ông Lê Văn Thể, ở xã Phú Hòa, huyện Lương Tài (Bắc Ninh) hỏi: Nhà tôi hiện đang nuôi 100 con lợn, mỗi tháng phải sử dụng hàng tấn thức ăn chăn nuôi, tôi được biết phần lớn thức ăn chăn nuôi ở nước ta hiện phải nhập của nước ngoài và đều là thức ăn biến đổi gen. Tôi không biết, nếu thế lợn của tôi ăn phải có “bị làm sao” không?

GS Nguyễn Lân Dũng trả lời: Tôi có thể nói với bác, hiện Trung Quốc đang nuôi 500 triệu con lợn, 13 tỷ con gia cầm nên họ cần lượng thức ăn công nghiệp rất lớn, họ phải đẩy mạnh trồng cây trồng BĐG, nhất là ngô và đậu tương để phục vụ chăn nuôi. Bà con cần phải hiểu là ta sử dụng protein của ngô và đậu tương chứ không phải dùng ADN sống để đưa vào cơ thể. Nói cách khác là tuyệt đối an toàn, chứ không phải ăn cái đó vào sẽ làm biến đổi gen của con người. Vì thế mà các nhà khoa học trên thế giới đang vận động con người sử dụng cây trồng BĐG để phục vụ các nhu cầu cần thiết.

PGS.TS. Phạm Văn Toản bổ sung: Có hai nội dung bắt buộc phải đánh giá, đó là an toàn với sức khỏe và an toàn tới môi trường. Chỉ những sản phẩm nào đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền đánh giá cấp cho chứng chỉ hoặc giấy xác nhận đủ điều kiện làm thực phẩm hoặc thức ăn chăn nuôi thì mới được đưa vào sản xuất thức ăn kinh doanh. Vì thế, đối với sản phẩm cây trồng BĐG đang thương mại hóa, được cơ quan có thẩm quyền đánh giá an toàn, chấp nhận như thực phẩm chăn nuôi truyền thống như lợn ăn thức ăn làm từ nguyên liệu BĐG thì đều đảm bảo an toàn.

Khía cạnh thứ 2 là cả thế giới đã chấp nhận, các loại gia súc, gia cầm, thủy hải sản ăn thức ăn chăn nuôi BĐG thì sản phẩm từ vật nuôi ấy hoàn toàn an toàn đối với người như thịt, cá, trứng. sữa bình thường. Và trên thế giới cũng không có ai băn khoăn sử dụng những thực phẩm này sẽ ảnh hưởng tới sự an toàn của sức khỏe con người. Ở nhiều nước người ta cũng không đưa ra yêu cầu dán nhãn với thực phẩm BĐG.

Ông Hồ Sỹ Phượng, ở huyện Thanh Chương (Nghệ An) hỏi: Nếu trồng cây ngô biến đổi gen, nông dân chúng tôi có thể tự để giống để trồng cho vụ sau được không?

PGS.TS. Phạm Văn Toản trả lời: Cho tới nay, các giống tự thụ như đậu tương, chúng ta có thể sản xuất giống vụ này vẫn để giống vụ sau. Còn hầu hết các cây trồng khác các công ty sản xuất dạng lai. Với giống lai, chúng ta không thể để giống lại cho vụ tiếp theo. 

Độc giả có địa chỉ email levanthinh1982@yahoo.com hỏi đích danh GS. Nguyễn Lân Dũng: Thưa GS, cháu xem trên TV thấy GS nói rất nhiều về thực phẩm biến đổi gen, trong đó ngoài ngô còn nhiều cây trồng khác như cà chua, đậu đỗ, đu đủ… cũng có giống biến đổi gen. Thế nên, gần đây khi đi chợ, rất nhiều người thắc mắc, không biết sản phẩm nào là biến đổi gen. Xin hỏi GS, ở nước ta đến nay đã có quy định dán nhãn bắt buộc đối với thực phẩm biến đổi gen chưa?

GS. Nguyễn Lân Dũng trả lời: Chúng ta theo quy định quốc tế, nếu sản phẩm nào có quá 5% thành phần là từ nguyên liệu BĐG thì phải dán nhãn. Điều này là để tôn trọng người tiêu dùng để họ có quyền lựa chọn. Nói chung, theo tôi biết hiện nay mới có thức ăn chăn nuôi (ngô, đậu tương) và bông là có cây trồng BĐG, còn sản phẩm chế biến trong siêu thị hầu như chưa có. Còn đu đủ Hồng Phi của Đài Loan cũng là cây BĐG, nhưng ko phải là cây BĐG được biến đổi bằng CNSH mà người ta tạo giống đu đủ này theo phương pháp lai giống, chứ không phải là đưa gen chủ động bằng phương pháp bắn gen hay chuyển qua vi khuẩn Agrobacterium vào một cách hiện đại dựa trên những thành tựu của CNSH.

Nếu sau này chúng ta đưa sản phẩm vào siêu thị với thành phần BĐG nhiều, trên 5% thì phải dán nhãn. Thực ra chả có gì độc hại, không cần nhưng cũng nên dán nhãn để ai thích thì mua, không thích thì thôi. Các sản phẩm sử dụng nguyên liệu từ sản phẩm BĐG là hoàn toàn an toàn.

Nhiều người cũng hỏi tôi thế giới có hơn 200 nước, nhưng sao mới chỉ có 27 nước trồng cây BĐG? Vấn đề ở chỗ 27 nước này chiếm tới 4 tỷ trên 7 tỷ dân, đâu phải là ít và gồm 8 nước phát triển và 19 nước đang phát triển. Có những nước không cần trồng cây BĐG vì họ không có nhu cầu cao về LTTP, ví dụ như các nước ở Bắc Âu, Đông Âu, Nga, Hàn Quốc… Họ bán sản phẩm công nghệ cao như ti vi, ô tô, máy tính… đã thừa sức mua lương thực, thực phẩm cho nên họ không có nhu cầu ứng dụng cây trồng BĐG.

Tính riêng khu vực châu Á, hiện nay có 20 triệu ha cây trồng BĐG, chiếm 11%; châu Phi hơn 3 triệu ha, chiếm 2%. Trong đó, Trung Quốc không chỉ trồng ngô mà còn trồng bông; đậu tương. Nhật Bản cũng cho phép rộng rãi việc trồng cây BĐG, tuy nhiên do ít đất canh tác cho nên chưa ứng dụng nhiều cây BĐG. Còn ở Đông Nam Á thì mới có Philippines trồng cây BĐG và sắp tới là Việt Nam và những nước khác.

Ông Nguyễn Trường Phong – Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Hòa Bình hỏi: Những ưu điểm của cây trồng biến đổi gen đã được nói đến nhiều, nhất là năng suất rất cao có thể đem lại nhiều thu nhập cho nông dân. Tuy nhiên, hiện rất nhiều người tiêu dùng vẫn e ngại với sản phẩm này, nên điều mà nhiều bà con nông dân lo lắng là, nếu trồng cây ngô biến đổi gen, họ có bán được sản phẩm không và bán đi đâu?

PGT.TS. Phạm Văn Toản trả lời: Việt Nam đang trú trọng đến 3 cây BĐG để phát triển là ngô, đậu tương, bông. Về ngô, các độc giả đã có thông tin trên báo 6 tháng đầu năm đã nhập 1,6 triệu tấn làm TACN. Chắc cả năm khoảng trên 2 triệu tấn. Thực tế, chúng ta mới đủ ½ ngô làm TACN. Nếu năng suất, sản lượng tối ưu thì chúng ta mới đủ đáp ứng được nhu cầu trong nước. Nếu ứng dụng cây trồng BĐG để tăng năng suất, giảm nhập khẩu ngoại tệ là quá tốt. Tương tự, đậu tương và khô dầu đậu tương cũng đang rất thiếu, nếu sử dụng giống BĐG để tăng năng suất, khỏi bỏ tiền ra nhập là rất tốt. Tuy nhiên, cần phải khẳng định với giống chỉ là một phần, còn nhiều biện pháp canh tác khác. Làm sao để tạo được ra giá cạnh tranh, làm sao giá thành sản xuất cạnh tranh được với giá nhập khẩu bên ngoài, có như thế mới yên tâm cho người dân khi sử dụng các giống cây trồng mới, trong đó có giống cây trồng BĐG.

GS Nguyễn Lân Dũng bổ sung: Chúng ta đang nhập rất lớn, phải tốn kém nhiều ngoại tệ, do đó, nếu ứng dụng cây trồng BĐG mà giảm bớt được ngoại tệ nhập khẩu là rất tốt.

Độc giả có địa chỉ email lqkhanh_bn@gmail.com hỏi: Tôi theo dõi trên báo chí có thấy, sau sự cố điện hạt nhân Fukushima số 1 ở Nhật Bản, một số vùng đất trong vùng đã bị nhiễm phóng xạ, nên rau củ trong vùng cũng bị biến đổi. Thế nên, tôi muốn biết có phải cây trồng biến đổi gen cũng biến đổi như thế không, chúng tôi đang rất lo lắng.
GS Nguyễn Lân Dũng trả lời: Cây trồng BĐG là chúng ta chọn những biến đổi gen một cách chủ động, với những gen mong muốn chứ không phải tạo ra sự biến dị mà tạo nên cả những đặc điểm không mong muốn. Vì thế, không giống như tác động gây đột biến của các tia phóng xạ, và không ảnh hưởng gì tới sức khỏe con người.

Trong thời gian từ 1996 – 2012, Trung Quốc đã được lợi tới 15 tỷ USD nhờ ứng dụng cây bông BĐG. Vì cây bông rất nhiều sâu, khiến năng suất bông thường giảm nghiêm trọng. Hiện nay, tổng diện tích cây trồng BĐG trên thế giới đang đáp ứng một phần quan trọng nhu cầu lương thực trong tương lai. Ít ai biết rằng, do dân số toàn cầu tăng lên, cho nên trong giai đoạn từ năm 2000 – 2050, tổng lượng lương thực con người cần phải đáp ứng tương đương với tổng lượng lương thực của gần 10.000 năm trước đây. Trên thực tế, trong 7 tỷ người hiện nay vẫn đang còn tới 1 tỷ người thiếu đói. Cây trồng BĐG sẽ đáp ứng những thách thức lớn lao này về nông nghiệp và góp phần thỏa mãn những đòi hỏi của nhân loại. Thực tế, nhờ áp dụng cây CNSH mà các nước đã lãi tới 48 tỷ USD, trong đó có 50% ở các nước phát triển.

Còn một điều ít người nghĩ đến là nhờ ứng dụng cây trồng CNSH mà lượng khí thải nhà kính đưa vào môi trường đã giảm đáng kể. Riêng trong năm 2011, hơn 23 tỷ kg CO2 đã được ngăn ngừa thải ra môi trường, tương đương việc chặn 10,2 triệu ô tô lưu thông trên đường trong 1 năm. Ngoài ra, mức độ độc tố nấm mytocoxin cũng được giảm rõ rệt trong sản phẩm. Như vậy cây trồng BĐG không phải chỉ làm tăng năng suất cây trồng mà còn có lợi nhiều mặt đối với môi trường. Cụ thể, làm giảm hiệu ứng khí nhà kính từ quá trình canh tác nhờ việc giảm năng lượng sử dụng, tang lược Cacbon lưu trữ trong đất nhờ giảm việc làm đất. Lượng thuốc trừ sâu (ước tính trong giai đoạn 1996 – 2011 đã giảm tới 474 triệu kg thuốc trừ sâu, tương ứng với tổng lượng hoạt chất trừ sâu tại liên minh Châu Âu trong một năm với ba vụ trồng trọt và làm giảm tới 18,1% tác hại đến môi trường.

Ông Bùi Văn Hưm, ở Lạc Sơn (Hoà Bình) hỏi: Gia đình tôi trồng ngô đã nhiều năm nay chủ yếu trồng trên sườn đất dốc với các giống ngô nội và ngô lai. Vậy xin hỏi, giống ngô biến đổi gen có trồng được trên địa hình này không?

PGT.TS. Phạm Văn Toản trả lời: Các giống thương mại, người ta luôn luôn đưa các tính trạng mới BĐG vào giống nền, vì vậy, trên vùng đất dốc, các giống chuyển gen là đưa vào các giống đang canh tác đại trà. Các giống ngô chuyển gen khảo nghiệm tại miền núi phía Bắc cho thấy có khả năng thích nghi tốt.

Ông Lò Văn Phái, ở Mai Sơn (Sơn La) hỏi: Hiện gia đình tôi có trồng các giống ngô lai, năng suất cao lắm mới đạt 5-6 tấn/ha. Vậy mà tôi nghe nói, nếu trồng giống ngô biến đổi gen, năng suất có thể đạt trên 10 tấn/ha, thậm chí nếu canh tác tốt còn có thể cao hơn. Xin hỏi, vì sao giống ngô biến đổi gen có thể đem lại năng suất cao như vậy, giá thành mua giống này có đắt hơn giống thông thường không?

GS Nguyễn Lân Dũng trả lời: Giống ngô chúng ta đang sử dụng hiện nay có loại kháng sâu, có loại kháng thuốc trừ cỏ. Kháng thuốc trừ cỏ, nghĩa là không cho phép cỏ mọc được. Chúng ta có thể hình dung được ruộng ngô có cỏ thì năng suất sẽ không cao bằng ruộng không có cỏ. Mà đặc điểm của ngô BĐG là có thể chịu được nồng độ cao của thuốc trừ cỏ, cỏ chết còn ngô không bị ảnh hưởng gì, hoặc kháng sâu nên sản lượng tăng.

........

Sau 2 tiếng đồng hồ, Chương trình tọa đàm trực tuyến đã nhận được gần 300 câu hỏi của độc giả và bà con nông dân cả nước gửi về chương trình để biết thông tin về cây trồng biến đổi gen, cũng như những thắc mắc liên quan tới loại cây trồng này. Tuy nhiên, do thời gian chương trình có hạn, nên các vị khách mời của chúng ta mới giải đáp được gần 30 câu hỏi của độc giả.

Chúng tôi nhận thấy, có một số câu hỏi thực ra cũng trùng lặp với những nội dung mà các chuyên gia đã trả lời, nên rất mong độc giả theo dõi toàn bộ nội dung ở phần trên của chúng tôi. Với những câu hỏi chưa được trả lời, chúng tôi sẽ gửi tới các vị khách mời sau để có thể trả lời cho độc giả vào dịp thích hợp. Xin trân trọng cảm ơn quý vị độc giả, bà con nông dân đã quan tâm và gửi câu hỏi chia sẻ tới Chương trình!.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem