Toàn cảnh vụ tàu thép 67 vừa ra khơi đã hư hỏng: Ngư dân bất bình!

Dũ Tuấn - Đình Thiên Thứ tư, ngày 17/05/2017 13:10 PM (GMT+7)
Khi chính sách hỗ trợ cho vay vốn đóng tàu khai thác xa bờ theo Nghị định 67/2014/NĐ-CP (Nghị định 67) được ban hành, ngư dân đã rất phấn khởi với hy vọng có tàu mới vươn khơi. Tuy nhiên, ngay sau niềm vui ban đầu, ngư dân đối diện với rất nhiều khó khăn khi tàu vừa ra khơi đã hư hỏng. Thậm chí, tại một số nơi, ngư dân và lãnh đạo địa phương đã tranh cãi nảy lửa với các đơn vị đóng tàu, cung cấp máy về vấn đề này.
Bình luận 0

Nỗi niềm ngư dân trả lại tàu vỏ thép

Câu chuyện tàu vỏ thép hư hỏng buộc phải nằm bờ ở tỉnh Bình Định không phải là chuyện hiếm. Trong đó, có Lê Văn Sang-ngư dân nổi tiếng miền Trung với tài sản hàng chục tỷ đồng nhờ gắn bó với vùng biển Hoàng Sa.

Những ngày đầu tháng 7.2014, ngư dân trẻ Lê Văn Sang (SN 1985, trú phường Thuận Phước, quận Hải Châu, Đà Nẵng) rất vui mừng và háo hức khi con tàu vỏ thép đầu tiên của Đà Nẵng mang chính tên anh SangFish 01 được hạ thủy. Tuy nhiên,  đến tháng 11.2015, máy chính bị xuống tải nên nằm bờ sửa chữa liên tục trong 5 tháng. Đặc biệt, con tàu  khi ra biển bị lắc rất mạnh, tời thuỷ lực kém chất lượng nên phải đưa vào nhà máy Công ty Đóng tàu Nha Trang sửa chữa nhiều lần.

“Tôi cùng bên công ty đóng tàu nhiều lần bàn bạc và tính đến phương án lắp thêm máy chống lắc tàu và cắt bớt cabin tàu để giảm lắc. Tuy nhiên, phương án đó không khả thi buộc tôi trả lại tàu cho công ty đóng tàu Nha Trang” - ngư dân Sang nói.

img

Tàu vỏ thép BĐ 99086 TS, đang nằm bờ tại Cảng cá Đề Gi (xã Cát Khánh, huyện Phù Cát,
Bình Định) vì hư hỏng. Ảnh: Dũ Tuấn

Ở đây có một nguyên nhân khác, theo ngư dân Sang là do máy chính của tàu Sangfish 01  bị xuống tải. Lúc mới lắp thì tàu còn chạy được hơn 10 hải lý/giờ, nhưng sau đó chỉ chạy được chưa tới 5 lý/giờ. “Tàu vỏ thép có nhiều ưu điểm nhưng muốn phát huy tối đa hiệu quả thì tàu phải có vỏ thép nhập khẩu nguyên khối cộng với động cơ tàu phải phù hợp với vỏ. Hơn nữa, máy chính phải được lắp ráp mới tinh, chứ lắp máy cũ như tàu SangFish 01 gặp rất nhiều rủi ro” - ngư dân Sang khẳng định.

Hợp đồng Hàn/Nhật, đóng thép Trung Quốc

Ngày 9.5, Báo NTNN/Dân Việt đã đăng tải bài viết “Nếu không khắc phục hợp lý, ngư dân quyết kiện ra tòa” phản ánh tình trạng nhiều tàu vỏ thép “67” tại Bình Định vừa ra khơi đã hư hỏng. Ngay sau đó, ngày 10.5, nhiều câu hỏi được đặt ra nhưng không nhận được câu trả lời thỏa đáng tại buổi làm việc giữa UBND tỉnh Bình Định với các đơn vị liên quan.

Theo ông Võ Đình Tâm- Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản (Sở NNPTNT Bình Định), qua kiểm tra 3 tàu vỏ thép do Công ty TNHH Đại Nguyên Dương đóng, tất cả đều có tình trạng thân vỏ tàu, trạng thiết bị đều bị gỉ sét, hư hỏng và xuống cấp trầm trọng, máy tàu hiệu Mitsubishi bị hư hỏng. Hiện nay, ngư dân và công ty đã thống nhất việc công ty chịu toàn chi phí lên đà tại Cam Ranh, sơn lại toàn bộ tàu gỉ sét và khắc phục sự cố hư hỏng trong phạm vi trách nhiệm bảo hành.

img

Nhiều vị trí trên tàu BĐ 99567 TS do Công ty TNHH Đại Nguyên Dương đóng bị hư hỏng, gỉ sét.
Ảnh: Dũ Tuấn

Theo Sở NNPTNT Bình Định, qua kiểm tra 4 tàu đóng tại Công ty TNHH MTV Nam Triệu, thân, vỏ tàu bị gỉ sét, máy chính Mitsubishi đều bị sự cố và hư hỏng, máy phát điện bị hư hỏng, hầm bảo quản không giữ được lạnh, 1 tàu làm nghề lưới chụp có hệ thống gọn bị han gỉ, đứt gãy. 12 chủ tàu và công ty đã thống nhất: Công ty chịu mọi chi phí sửa chữa, bảo hành khắc phục sự cố, hư hỏng máy thủy chính, phát điện vỏ tàu cho chủ tàu. Công ty còn đồng ý hỗ trợ 1 phần chi phí thiệt hại của chủ tàu do sự cố hỏng máy gây ra, hỗ trợ 100% chi phí thiết kế chuyển đổi nghề khai thác từ nghề lưới vây sang lưới chụp nếu chủ tàu có đầy đủ hồ sơ theo đúng quy định.

Theo ông Hà Ngọc Tân- Phó Chủ tịch UBND huyện Phù Mỹ, địa phương này đóng 9 tàu vỏ thép theo NĐ 67/CP đã hạ thủy, trong đó: 8/9 tàu làm ăn thua lỗ, 4/9 tàu bị hư hỏng (trong đó: 3 tàu do Công ty TNHH Đại Nguyên Dương đóng, 1 tàu do Công ty TNHH MTV Nam Triệu).

“Công ty TNHH Đại Nguyên Dương ký hợp đồng đóng tàu bằng thép Hàn/Nhật nhưng lại thay thế bằng thép Trung Quốc là sai sự thật, không đúng với hợp đồng. Đối với Công ty Nam Triệu, trước đây tôi là một trong những người tích cực giới thiệu cho ngư dân với lý do: Công ty thuộc ngành công an nên tôi rất tin tưởng. Nhưng qua lần này, cần phải đánh giá lại chất lượng máy. Việc này có trách nhiệm của tôi trong việc giới thiệu cho ngư dân. Các doanh nghiệp làm ăn cẩu thả, không đúng hợp đồng, ngư dân lâm nợ. Nếu cần thiết, đưa ra tòa khởi kiện vụ này, chúng tôi sẽ hỗ trợ ngư dân hết mình”- ông Tâm nói.

Gỉ sét do… biển mặn!

Ông Bùi Hữu Hùng - Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Nam Triệu cho biết: “Tại Bình Định, công ty đóng 20 tàu cá theo NĐ-67/CP, nhưng nhiều tàu bị trục trặc, sự cố. Qua kiểm tra, đánh giá chuyên gia của hãng máy cho thấy, một phần do bà con sử dụng chưa thành thạo, dẫn đến hư hỏng”.

Lập tức, nhiều lãnh đạo huyện đáp trả: Ngư dân hàng chục năm đi biển, họ được đào tạo và có kinh nghiệm. Công ty không được “đổ lỗi” cho ngư dân. Theo ông Hùng, về máy tàu, Công ty TNHH MTV Nam Triệu đã ký hợp đồng với 2 đơn vị cung ứng. Khi máy nhập về, công ty phối hợp cùng đăng kiểm, cơ quan giám định kiểm tra máy tại xưởng đóng tàu. Công ty khẳng định, máy được nhập khẩu nguyên đai, nguyên kiện và có sự kiểm tra của ngư dân. Các ý kiến ngư dân tập trung vào 3 nhóm: Máy chính và hộp số không đồng bộ, sơn không phun cát, sơn ít lớp và tàu đóng để quấn lưới. Riêng về phần sơn, sơn vẫn đảm bảo nhưng gỉ sét do nước biển rất mặn(?).

Ông Trần Châu - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định, gay gắt: “Nước biển nào không mặn, nói vậy tôi không tin, máy mới làm gì có chuyện đi 1 chuyến biển đã hư hỏng. Về tàu gỉ sét, nói thế cũng không thuyết phục”.

"Ngư dân lo lắng nhưng đại diện 2 công ty trả lời chưa thỏa đáng, vòng vo, không đúng. Nếu ngư dân khởi kiện các cơ sở đóng tàu ra tòa, tôi giao cho Chủ tịch UBND các huyện ven biển có trách nhiệm hướng dẫn cho ngư dân làm thủ tục”.

Ông Trần Châu

Sự căng thẳng được đẩy lên cao với ý kiến của vị đại diện cho đơn vị cung ứng máy Mitsubishi theo hợp đồng cho Công ty TNHH MTV Nam Triệu (trụ sở tại TP.Hồ Chí Minh): “Máy Mitsubishi là mới trăm phần trăm. Nếu các anh không đồng ý, muốn thẩm định lại thì cần có đầy đủ chứng từ khi thẩm định, không bao giờ đi xuống cầm 1 tờ giấy không, mà phải đầy đủ hồ sơ pháp lý. Các anh đọc hợp đồng, các anh được quyền tham gia thiết kế con tàu, còn bên tôi là đơn vị cung cấp thì cung cấp đúng theo hồ sơ đơn vị yêu cầu. Mấy anh nói hồ sơ thẩm định thì hồ sơ này có đúng với hồ sơ thiết kế con tàu không? Mấy anh đọc, làm ơn đọc hợp đồng, đừng lấy hồ sơ thẩm định”.

Ông Trần Châu đáp trả: “Ông nói chuyện rất chưng hửng. Nếu mình cung cấp máy tốt thì chẳng sợ ai cả”.. Trong khi đó, ông Trương Văn Đài- Phó Giám đốc Công ty TNHH Đại Nguyên Dương thừa nhận, việc đóng tàu công ty có chuyển đổi từ thép Hàn Quốc/ Nhật Bản sang thép Trung Quốc với giá trị tương đương.

Ngư dân Đinh Công Khánh (trú thôn An Quang Tây, xã Cát Khánh)- Chủ tàu BĐ 99086 TS (đóng tại Công ty TNHH MTV Nam Triệu) cho hay: “Trong hợp đồng, máy và hộp số đồng bộ với nhau nhưng thực tế không phải vậy, tàu chạy không nổi. Tôi đi 2 chuyến biển, lỗ đến 600 triệu đồng, giờ bạn thuyền muốn bỏ đi. Thực sự chúng tôi rất muốn kiện công ty ra tòa, nhưng vẫn chờ công ty không khắc phục thế nào (?). Việc đóng tàu “67”, ngư dân luôn tin tưởng, công ty làm ăn vậy, thì quá khổ cho chúng tôi”.

Ông Nguyễn Chí Công - Phó Chủ tịch UBND huyện Hoài Nhơn (Bình Định):

Sao không kiểm tra máy mà đổ lỗi cho dân?

 “7 tàu đóng tại Công ty TNHH MTV Nam Triệu, ngư dân sử dụng thì có 1 chiếc chìm, 6 chiếc bị trục trặc. Chúng tôi yêu cầu công ty vào giải quyết thì không vào hoặc vào đối phó. Việc này, cần giải phẫu con tàu triệt để vì chậm trễ sẽ hết thời gian bảo hành, ngư dân rất khổ. Đề nghị UBND tỉnh thuê đơn vị giám soát, đánh giá toàn bộ các tàu do 2 Công ty TNHH Đại Nguyên Dương và Công ty TNHH MTV Nam Triệu đóng. Công ty đổ lỗi cho dân tại sao không kiểm tra máy?”.

Ông Phan Trọng Hổ - Giám đốc Sở NNPTNT Bình Định:

Công ty đóng tàu phải giải quyết dứt điểm

“Ngư dân đang chịu thiệt thòi, tàu bị sự cố không vươn khơi được thì họ không có thu nhập, bạn thuyền bỏ đi chỗ khác và đặc biệt là nỗi lo không có tiền trả ngân hàng. Chúng tôi yêu cầu, 2 công ty đóng tàu phải giải quyết dứt điểm để ngư dân sớm được vươn khơi và bảo vệ quyền lợi chính đáng của ngư dân”.

Ông Quách Hồng Dục- Phó chủ tịch Hội nông dân tỉnh Bình Định:

Đề nghị cơ quan chức năng vào cuộc quyết liệt

“Công ty TNHH Đại Nguyên Dương và Công ty TNHH MTV Nam Triệu cần giải quyết kịp thời để đảm bảo quyền lợi cho ngư dân. Chúng tôi sẽ đề nghị cơ quan chức năng vào cuộc quyết liệt để đảm bảo cho người dân vươn khơi, cần xử nghiêm đối với những công ty đóng tàu không đúng chất lượng”.

Ông Ngô Tấn - Phó Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Quảng Nam:

Đã trực tiếp liên lạc với ngư dân

“Theo NĐ 67, trên địa bàn Quảng Nam có tổng 35 chiếc tàu vỏ sắt được giải ngân theo hợp đồng tín dụng, hiện đã hạ thủy vươn khơi được 29 chiếc. Sau khi nhận được thông tin của Bình Định về việc ngư dân đòi trả lại tàu vỏ sắt, tôi đã trực tiếp liên lạc qua điện thoại với các ngư dân có tàu vỏ sắt trên địa bàn tỉnh để hỏi tình hình. Tuần sau chờ ngư dân về, sở sẽ tổ chức kiểm tra, thanh tra hết số lượng tàu vỏ sắt xem tàu nào có bị sự cố gì không.

Hiện Quảng Nam có cơ sở đóng tàu vỏ sắt của Công ty Thiên Ngọc Phước (đóng tại xã Tam Giang, huyện Núi Thành) hiện đang đóng cho 3 chiếc Quảng Nam. Các cơ sở đóng tàu trực thuộc quản lý Tổng cục Thủy sản, Trung tâm đăng kiểm tàu cá, việc chỉ đạo thì bản thân của Sở NNPTNT chỉ xuống động viên họ để họ đóng yên tâm cho ngư dân thôi. Còn về kỹ thuật thì do các đơn vị quản lý chỉ đạo”.

Dũ Tuấn - Trương Hồng (ghi)

Quảng Trị:Đóng tàu “67” còn nhiều vướng mắc

Dù UBND tỉnh đã phê duyệt danh sách chủ tàu được vay vốn, nhưng quá trình thực hiện vẫn có nhiều vướng mắc. Theo ông Nguyễn Hoài Nam - Chi cục trưởng Chi cục Khai thác và Bảo vệ thủy sản tỉnh Quảng Trị, địa phương này đã phê duyệt danh sách 32 chủ tàu đủ điều kiện vay vốn đóng mới (20 vỏ thép, 11 vỏ gỗ, 1 vỏ composite) và 113 chủ tàu đủ điều kiện vay vốn, nâng cấp tàu cá theo Nghị định 67 của Chính phủ.

img

Các bộ, ngành cần có chính sách gỡ khó cho việc đóng mới tàu “67”. Ảnh: N.V

Đến nay, đã có 23 tàu cá đóng mới và 76 tàu nâng cấp được các ngân hàng cho vay, trong đó 21 tàu (14 vỏ thép và 7 vỏ gỗ) đã đi vào hoạt động có hiệu quả. Tuy nhiên, việc thực hiện Nghị định 67 còn nhiều vướng mắc như nhà máy đóng tàu ít khiến việc đóng mới chậm tiến độ; tàu cá nâng cấp được phép lắp máy đã qua sử dụng nhưng yêu cầu kỹ thuật đối với máy cũ rất cao nên khó thực hiện.

Đặc biệt, trong quá trình đóng mới tàu cá, các nhà máy đóng tàu theo thiết kế kỹ thuật đã được phê duyệt, trong đó có máy lái thủy lực, máy tời thu lưới khi đưa vào sử dụng đã gặp sự cố. Nhất là máy tời thu lưới hoạt động không đủ công suất, ảnh hưởng lớn đến hiệu quả đánh bắt.

Phân tích thêm, ông Nam cho biết, nhà thiết kế chỉ tính công suất máy tời thu lưới theo công suất con tàu. Tuy nhiên, thực tế, ngư dân kết nối lưới lại với nhau (gọi là vàng lưới) dài và nặng hơn nên máy thu lưới công suất theo thiết kế không đủ sức để kéo. Máy lái lắp theo kiểu tự động, không phù hợp với thực tế đánh bắt nên chủ tàu phải điều chỉnh nhiều lần, chi phí tốn kém.

Ngọc Vũ

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem