Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, năm 2022, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 371,85 tỷ USD, tăng 10,6% so với năm trước, cán cân thương mại hàng hóa tháng 12 ước tính xuất siêu 0,5 tỷ USD, tính chung cả năm 2022, cán cân thương mại hàng hóa ước tính xuất siêu 11,2 tỷ USD (năm 2021 xuất siêu 3,32 tỷ USD).
Đáng chú ý, xuất siêu nông, lâm, thủy sản trong năm 2022 chiếm tới hơn 75% tổng giá trị xuất siêu toàn ngành kinh tế.
Theo đó, xuất khẩu nông, lâm, thủy sản năm 2022 đạt kết quả cao kỷ lục 53,22 tỷ USD, tăng 9,3% so với năm 2021; trong đó nông sản chính đạt 22,59 tỷ USD, tăng 4,8%; lâm sản chính đạt 16,93 tỷ USD, tăng 6,1%; thủy sản đạt 10,92 tỷ USD, tăng 22,9%.
Xuất siêu nông, lâm, thủy sản ước đạt 8,5 tỷ USD, tăng 30% so với năm 2021. Trong nội tại ngành nông nghiệp, lĩnh vực lâm nghiệp đang xuất siêu lớn nhất với trên 14 tỷ USD trong tổng giá trị xuất khẩu lâm sản là 16,3 tỷ USD.
Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị Bộ NNPTNT tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành cụ thể hóa các nghị quyết của Đảng, xây dựng nền nông nghiệp sinh thái, hiện đại, lấy nông dân làm trung tâm, lấy phát triển nông nghiệp làm nền tảng, phát triển nông thôn là động lực.
"Quan trọng là phải đẩy mạnh xây dựng thương hiệu, vì có thương hiệu thì mới xác lập được thị trường, tăng năng suất lao động. Bên cạnh đó, đẩy mạnh quy hoạch phát triển vùng nguyên liệu phù hợp, ngang tầm với yêu cầu phát triển; ứng dụng khoa học công nghệ, đẩy mạnh chuyển đổi số, gắn phát triển nông nghiệp với văn hóa du lịch"- Thủ tướng giao nhiệm vụ cho ngành nông nghiệp.
"Xuất siêu nông - lâm - thủy sản trong năm qua chiếm tới hơn 75% tổng giá trị xuất siêu toàn ngành kinh tế cho thấy sức sống từ nội lực của cộng đồng doanh nghiệp Việt to lớn và đáng trân trọng như thế nào"- Bộ trưởng Bộ NNPTNT Lê Minh Hoan khẳng định.
Xuất khẩu nông sản năm 2022 tăng gấp 133 lần năm 1986
Năm 2022, trước bối cảnh nhiều biến động của thị trường thế giới, Bộ NNPTNT đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Công Thương thực hiện các cơ chế, chính sách đối với công tác xúc tiến thương mại, đàm phán mở cửa, phát triển thị trường để giải quyết kịp thời các vướng mắc thúc đẩy xuất khẩu nông, lâm, thủy sản; ứng phó với tác động của dịch Covid-19 và xung đột quân sự Nga - Ukraine làm đứt gãy chuỗi cung ứng nông sản toàn cầu. Chủ động nghiên cứu, dự báo, tranh thủ cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do để thúc đẩy xuất khẩu nông sản...
Nhờ đó, năm 2022, có đến 11 nhóm mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu trên 1,0 tỷ USD, trong đó có 8 sản phẩm/nhóm sản phẩm kim ngạch trên 2 tỷ USD (cà phê, cao su, gạo, rau quả, điều, tôm, cá tra, sản phẩm gỗ), bao gồm 7 mặt hàng có kim ngạch trên 3 tỷ USD (gỗ và sản phẩm gỗ đạt 10,92 tỷ USD; tôm 4,33 tỷ USD; cà phê 3,94 tỷ USD; gạo 3,49 tỷ USD; cao su 3,31 tỷ USD; rau quả 3,34 tỷ USD; hạt điều 3,07 tỷ USD).
Theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, những thành tựu trong năm 2022 của ngành nông nghiệp ghi nhận sự đóng góp to lớn của các hiệp hội và cộng đồng doanh nghiệp nông nghiệp.
Những số liệu thống kê kim ngạch xuất khẩu từng ngành hàng là kết tinh từ những giọt mồ hôi, công sức của người nông dân cùng với "những đêm trắng" cân đối chi phí, doanh thu, lợi nhuận từng chuyến hàng của các doanh nghiệp.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân cũng đánh giá cao kết quả của ngành nông nghiệp trong năm 2022, nhất là trong kết quả xuất khẩu nông sản, mở cửa thị trường. Trong bối cảnh kinh tế năm 2022 còn nhiều khó khăn, biến động, kim ngạch xuất nhập khẩu vẫn tăng trưởng ngoạn mục, đóng vai trò quan trọng trong thành tích chung là kim ngạch xuất nhập khẩu của nhóm ngành hàng nông, lâm, thủy sản.
Xuất nhập khẩu nông, lâm, thủy sản đạt 53,22 tỷ USD năm 2022, tăng 9,3% so với năm 2021, cao gấp 133 lần so với năm 1986. Trong đó, ngành nông, lâm, thủy sản đóng góp 11 ngành hàng trong tổng 39 ngành hàng có kim ngạch xuất khẩu đạt trên 1 tỷ USD như gạo, cà phê, cao su, hạt điều, hồ tiêu, gỗ và sản phẩm gỗ, thủy sản... Một số mặt hàng chủ lực có vị thế tại thị trường lớn, đáp ứng yêu cầu cao về truy xuất nguồn gốc tại các thị trường khó tính như Nhật Bản, Mỹ, châu Âu.
Theo dự báo, tăng trưởng kinh tế toàn cầu 2023 ở mức 2%, giảm đáng kể so với 2022 và còn nhiều khó khăn. Mặc dù thị trường Trung Quốc đã khôi phục xuất nhập khẩu hàng hóa nhưng vẫn còn nhiều thách thức đối với nhóm hàng nông lâm thủy sản khi tiếp cận thị trường nước bạn.
Thứ trưởng Tân đề xuất một số nội dung hợp tác giữa hai Bộ gồm tiếp tục tập trung tái cơ cấu ngành sản xuất để nâng tầm nông sản Việt; xây dựng chính sách thúc đẩy thương mại biên giới, chuyển từ tiểu ngạch sang chính ngạch.
Đẩy nhanh tiến độ đàm phán với các đối tác nước ngoài để tăng số lượng các mặt hàng nông lâm thủy sản được xuất khẩu chính ngạch vào các thị trường, đặc biệt là Trung Quốc.
Chú trọng các chương trình xúc tiến thương mại, đặc biệt trên nền tảng số, thương mại điện tử, ứng dụng công nghệ thông tin để xúc tiến xuất khẩu, tiêu thụ nông sản; thực hiện có hiệu quả phòng vệ thương mại, xử lý các tranh chấp, vụ kiện trong thương mại quốc tế, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp xuất khẩu nông sản.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.