Toàn văn kết luận của Cục Hàng không về vụ võ sư Taekwondo

Thứ tư, ngày 18/05/2011 19:42 PM (GMT+7)
Dân Việt - Theo kết luận của Cục Hàng không, hành khách Lê Minh Khương đã có hành vi gây rối trên chuyến bay, tiếp viên đã xử lý một cách lịch sự, phù hợp, bảo đảm quyền lợi của hành khách...
Bình luận 0

Cuối ngày 18.5, tròn một tháng sau khi xảy ra vụ rắc rối giữa HLV Lê Minh Khương với Vietnam Airlines, Cục Hàng không Việt Nam đã có kết luận về vụ việc.

Để rộng đường dư luận, báo điện tử Dân Việt đăng toàn bộ thông báo kết luận số 1990 của Cục Hàng không Việt Nam về việc xác minh vụ việc trên chuyến bay VN1169 ngày 19.4.2011.

img
Theo Cục Hàng không Việt Nam, hành khách Lê Minh Khương đã có hành vi gây rối trên chuyến bay

Từ ngày 26.4 đến ngày 9.5.2011, Thanh tra hàng không đã làm việc trực tiếp các nhân chứng, tiếp viên, nhân viên an ninh hàng không, nhân viên mặt đất liên quan trực tiếp đến chuyến bay VN1169 hành trình Hà Nội - TP.Hồ Chí Minh ngày 18.4.2011, chuyển hướng Đà Nẵng của Hãng hàng không quốc gia Việt Nam (Vietnam Airlines).

Nhóm điều tra đã tổ chức cuộc đối chất giữa một số tiếp viên của chuyến bay VN1169 với các nhân viên mặt đất tại Đà Nẵng của Vietnam Airlines; tổ chức cho nhân chứng mô tả thực nghiệm trên khoang tàu bay Boeing 777-200ER của Vietnam Airlines về giai đoạn áp giải hành khách Lê Minh Khương xuống tàu bay. Số lượng nhân chứng làm việc, cung cấp thông tin bao gồm 27 người.

Cục Hàng không Việt Nam cũng đã làm việc với ông Lê Minh Khương tại trụ sở Cục, thông báo kết quả xác minh cho ông Khương và luật sư của ông Khương, lập Biên bản vi phạm hành chính đối với ông Khương. Ông Khương đã từ chối ký Biên bản và từ chối viết lý do từ chối ký Biên bản vào Biên bản.

Căn cứ hồ sơ của vụ việc (biên bản vi phạm hành chính ban đầu do Cơ trưởng lập, tường trình, thư mô tả sự việc, hình ảnh, ghi âm, ghi hình của nhân chứng và các bên có liên quan), vụ việc đã được Thanh tra hàng không xác minh như sau:

Vì lý do thời tiết, chuyến bay VN1169 HAN-SGN không thể hạ cánh được tại Tân Sơn Nhất, quay về sân bay Đà Nẵng. Tại Đà Nẵng, hành khách Lê Minh Khương đã yêu cầu được xuống Đà Nẵng cùng với bố của mình là hành khách Lê Văn Vượng.

Tiếp viên chuyến bay đã phối hợp với nhân viên mặt đất tại Đà Nẵng nhận Thẻ lên tàu bay từ ông Khương và tiến hành thực hiện các thủ tục cần thiết để giải quyết yêu cầu của hành khách. Do thời tiết tại TSN đã đủ điều kiện tiếp nhận, tàu bay được chuẩn bị xong sớm nên theo yêu cầu của cơ trưởng, nhân viên mặt đất đã làm việc trực tiếp với ông Khương để thuyết phục ông Khương tiếp tục hành trình.

Ông Khương đã đồng ý tiếp tục chuyến bay nếu khởi hành trước 2h sáng. Chuyến bay thực tế khởi hành lúc 1h40'. Khi tàu bay đang lăn, tiếp viên trưởng đề nghị ông Khương trở về chỗ ngồi của mình (37H), khi đó ông Khương đang ngồi tại ghế 1C khoang hạng thương gia (khoang hạng C). Ông Khương đã không chấp hành yêu cầu của tiếp viên trưởng, đòi Thẻ lên tàu của mình (với lý do đã đưa cho nhân viên mặt đất).

Tàu bay đã phải chờ tại đầu đường băng hơn 10' để tiếp viên thuyết phục ông Khương chấp hành yêu cầu về chỗ ngồi, giải thích về việc sẽ xử lý thoả đáng yêu cầu của ông Khương về Thẻ lên tàu bay (ghi nhận vụ việc, thông báo cho nhân viên mặt đất tại Đà Nẵng, in lại Thẻ lên tàu bay cho ông Khương khi hạ cánh tại Tân Sơn Nhất); tuy nhiên ông Khương vẫn không chịu về chỗ ngồi, có hành vi lớn tiếng, mạt sát tiếp viên.

Vì không kiểm soát được thái độ của hành khách, tiếp viên trưởng đã báo cáo với cơ trưởng sự việc xảy ra trên khoang C; cơ trưởng đã ra lệnh cho tiếp viên trưởng yêu cầu hành khách trở về chỗ ngồi, ngừng to tiếng và hợp tác với tiếp viên.

Tiếp viên trưởng tiếp tục mời hành khách Lê Minh Khương trở về chỗ ngồi, đồng thời nhờ một hành khách người Việt Nam trên khoang hạng C thuyết phục ông Khương trở về chỗ ngồi của mình, nhưng ông Khương nhất định không trở về chỗ ngồi ở khoang hạng phổ thông (khoang hạng Y) và tiếp tục to tiếng với tiếp viên, đứng dậy, tiến về phía cửa khoang lái của tàu bay.

Tiếp viên phải báo cáo cơ trưởng về việc hành khách gây rối. Do không đủ điều kiện an toàn cất cánh, cơ trưởng đã quyết định cho tàu bay quay lại sân đỗ và yêu cầu nhân viên an ninh Đà Nẵng hỗ trợ đưa hành khách Khương ra khỏi tàu bay.

Khi tàu bay về sân đỗ, cửa tàu bay được mở, nhân viên an ninh đã lên cầu thang, sau khi được yêu cầu chính thức của cơ trưởng, đã tiến hành thủ tục đưa ông Khương xuống tàu bay. Nhân viên an ninh đã 3 lần yêu cầu ông Khương xuống khỏi tàu bay.

Do ông Khương không tự nguyện chấp hành yêu cầu, nhân viên an ninh bắt buộc phải tiến hành các biện pháp cưỡng chế theo quy định. Ông Khương đã có những hành vi chống đối (trì người xuống sàn, ôm chặt ghế tại khoang hạng C, giật đứt rèm ngăn khoang tàu bay, nắm chặt tay nắm cửa tàu bay, lăng người làm ngã nhân viên an ninh tại cầu thang), buộc nhân viên an ninh phải dùng các biện pháp nghiệp vụ (nắm giữ tay, lôi người, bẻ ngón tay khỏi tay nắm cửa).

Cơ trưởng đã tiến hành lập biên bản vi phạm hành chính về hành vi gây rối đối với ông Khương và chuyển giao vụ việc cho Cảng vụ hàng không miền Trung xử lý theo thẩm quyền. Chuyến bay đã bị khởi hành chậm 2 tiếng.

Theo tường trình của ông Khương, ông đã đưa Thẻ lên tàu bay của mình cho nhân viên hàng không và đã không được nhận lại. Theo tường trình của tiếp viên và nhân viên mặt đất, họ đã nhận 01 Thẻ lên tàu bay (37J) từ ông Khương và đã trả lại Thẻ cho ông Khương. Thẻ 37J là thẻ của hành khách Lê Văn Vượng và ông Vượng đã trở về chỗ ngồi của mình.

Thanh tra hàng không đã không có đủ cơ sở để kết luận thực tế nhân viên hàng không đã trả lại Thẻ cho ông Khương vì không có nhân chứng xác nhận. Cục HKVN chấp thuận giả thuyết việc nhân viên mặt đất đã làm mất thẻ lên tàu bay của ông Khương.

Theo tường trình của ông Khương, nhân viên mặt đất khi lên tàu bay đã có hành vi và lời lẽ khiếm nhã với mình. Nhân viên này đã xác nhận có dứ dứ bộ đàm vào mặt ông Khương và nói "Ai cũng như ông thì làm sao tàu bay bay đúng giờ được". Các nhân chứng cũng xác nhận tình huống này.

Theo tường trình của ông Khương, nhân viên an ninh khi lên tàu bay đã hành hung ông Khương. Tất cả các nhân chứng đều xác nhận ông Khương không bị đánh tại khoang hạng Y. Có 2 nhân chứng xác nhận ông Khương bị đánh tại khoang hạng C.

Theo mô tả, 2 nhân chứng đứng ở khoang hạng Y nhìn lên khoang hạng C, trước mặt có các nhân viên an ninh đứng chắn; sau đó thay đổi sự mô tả, lúc đầu khẳng định nhân viên an ninh đánh bằng dùi cui, sau đó mô tả đánh bằng vật "đen đen". Tuy nhiên những nhân chứng chứng kiến gần, trực tiếp tại khoang hạng C khẳng định nhân viên an ninh hàng không không có hành vi đánh ông Khương.

Nhân viên an ninh có xác nhận đã dứ dứ roi điện và nói "như thế này mà gọi là đánh à?" vì do nhân viên này không đánh mà ông Khương vẫn kêu to "anh đánh em đau quá; hành khách ơi cứu tôi với; bố ơi cứu con với". Do vậy không có cơ sở để kết luận về tính khách quan của thông tin nhân viên an ninh đánh ông Khương.

Theo thông tin trên phương tiện truyền thông, hành khách Lê Văn Vượng cũng bị nhân viên anh ninh hành hung. Theo tường trình của nhân viên an ninh, do ông Vượng hô lớn và xô đẩy nhân viên an ninh nên nhân viên an ninh đã ôm ông Vượng và kéo ông Vượng ngồi xuống ghế tại khoang hạng C và nói "Chú để bọn cháu làm việc". Có nhân chứng xác nhận tường trình này của nhân viên an ninh.

Theo tường trình của ông Khương, ông Khương đã bị nhân viên an ninh đẩy ngã trên cầu thang. Tuy nhiên theo tường trình của nhân viên an ninh, chính ông Khương đã lăng người làm 2 nhân viên an ninh bị ngã chứ ông Khương không ngã. Có nhân chứng xác nhận tường trình của nhân viên an ninh.

Khiếu nại của ông Khương về việc nhân viên an ninh đã không nghe lời giải thích vụ việc mà chỉ yêu cầu và cưỡng chế ông Khương xuống tàu bay là không hợp lý. Nhân viên an ninh chỉ được phép thực hiện yêu cầu của cơ trưởng mà không có thẩm quyền đánh giá xử lý vụ việc trên tàu bay.

Hành khách Lê Minh Khương đã không bị cưỡng chế nhầm. Theo tường trình của nhân viên an ninh, tiếp viên, nhân viên mặt đất, có xác nhận của nhân chứng, hành khách Nguyễn Phi Cường (Quang Cường) có lời nói to, khiếm nhã, đe doạ với nhân viên mặt đất.

Ông Cường có xác nhận là nói to nhưng lời nói không có đính đe doạ và mất lịch sự. Do lời nói của ông Cường mang tính bột phát và chưa gây hậu quả nên Thanh tra hàng không không tiếp tục thực hiện việc xác minh hành vi này của ông Cường.

Qua phương tiện truyền thông có thông tin về việc ông Khương khiếu nại nhân viên của Vietnam Airlines xử lý vụ việc quá đáng, nhân viên an ninh có hành vi đánh người, Cục HKVN đã quyết định rút hồ sơ vụ việc từ Cảng vụ hàng không miền Trung, giao Thanh tra hàng không xác minh, xử lý vụ việc. Qua quá trình xác minh, Cục Hàng không Việt Nam chính thức kết luận:

1. Hành khách Lê Minh Khương đã có hành vi gây rối trên chuyến bay, vi phạm Điều 16 của Nghị định 81/2010/NĐ-CP ngày 14/7/2010 về an ninh hàng không dân dụng, cần phải được xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của Điều 12 Nghị định 60/2010/NĐ-CP ngày 3/6/2010 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hàng không dân dụng.

Hành vi của ông Khương đã làm ảnh hưởng đến quyền lợi của các hành khách khác trên chuyến bay, gây thiệt hại cho Vietnam Airlines. Việc đánh mất Thẻ lên tàu bay của ông Khương (nếu có) cũng không thể biện hộ cho hành vi gây rối, làm mất kỷ luật trật tự trên tàu bay.

2. Tiếp viên đã xử lý một cách lịch sự, phù hợp, bảo đảm quyền lợi của hành khách. Việc đánh mất Thẻ lên tàu bay của ông Khương (nếu có) cũng hoàn toàn không ảnh hưởng đến quyền lợi của ông Khương vì ông Khương vẫn được vận chuyển và Tiếp viên đã thuyết phục ông Khương là sẽ in lại Thẻ cho ông tại sân bay Tân Sơn Nhất. Các nhân chứng đều xác nhận hành vi đúng mực của tiếp viên. Việc tiếp viên báo cáo tình hình hành khách gây rối với cơ trưởng là chính xác, phù hợp với quy định của pháp luật.

3. Cơ trưởng quyết định cho tàu bay quay lại sân đỗ là chính xác, phù hợp với quy định của pháp luật vì hành vi của ông Khương đã khiến cho tàu bay không đủ điều kiện an ninh, an toàn để cất cánh, phải quay lại sân đỗ. Giai đoạn cất cánh và hạ cánh là hai giai đoạn trọng yếu nhất về an toàn của chuyến bay, đòi hỏi tất cả hành khách và tổ bay phải ngồi, thắt dây an toàn; tổ bay phải tập trung cao độ để điều khiển tàu bay và kịp thời xử lý sự cố.

4. Việc cưỡng chế của nhân viên an ninh là cần thiết, phù hợp với quy định của pháp luật.

5. Cục HKVN khuyến cáo nhân viên mặt đất và tiếp viên phải rút kinh nghiệm về quy trình kiểm tra Thẻ lên tàu bay của hành khách dừng giữa hành trình.

6. Cục HKVN khuyến cáo nhân viên mặt đất cần phải được khuyến cáo, rút kinh nghiệm về hành vi chỉ bộ đàm vào mặt hành khách.

7. Cục HKVN cần tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về công tác bảo đảm an ninh, an toàn hàng không, về quyền và nghĩa vụ của hành khách khi đi tàu bay để bảo đảm quyền lợi hợp pháp của hành khách, của xã hội, của ngành; không để các vụ việc đáng tiếc xảy ra.

Đối với ngành hàng không, vấn đề bảo đảm an ninh, an toàn của chuyến bay luôn được đặt lên hàng đầu. Chuyến bay không thể được thực hiện khi có hành khách không chịu chấp hành hướng dẫn, yêu cầu của tổ bay; hành khách không thể vì bất kỳ lý do gì để thực hiện hành vi gây rối trên tàu bay và phải được đưa xuống khỏi tàu bay để bảo đảm an toàn của chuyến bay, giữ tâm lý ổn định của tổ bay, bảo đảm quyền lợi hợp pháp của các hành khách khác.

Kết luận của Cục Hàng không Việt Nam do Phó Cục trưởng Lại Xuân Thanh ký.

Tại cuộc làm việc với thanh tra Cục Hàng không sáng 18.5, ông Lê Minh Khương và luật sư đã bỏ về do không đồng tình với quan điểm của thanh tra.

“Việc họ gặp gỡ chúng tôi hôm nay không phải để làm sáng tỏ thêm vụ việc mà dường như chỉ để củng cố, bảo vệ quan điểm ban đầu của họ là ông Khương sai. Chúng tôi sẽ chờ đợi kết luận chính thức về vụ việc để đưa ra quan điểm của mình. Chúng tôi sẽ theo đuổi vụ việc đến cùng để bảo vệ danh dự của mình” - Luật sư Trần Thu Nam nói.

Trước đó, chiều tối 8.5, thanh tra Cục Hàng không Việt Nam đã tổ chức dựng lại vụ việc xảy ra trên chuyến bay VN1169 đêm 18.4. Tại buổi tái hiện lại này chỉ có các nhân chứng là anh em ca sĩ Quang Hà, nhân chứng Lê Hồng Sơn (ngồi ở khoang thương gia), 4 nhân viên an ninh từng áp giải võ sư Lê Minh Khương và hai tiếp viên của hãng Vietnam Airlines.

Theo luật sư Trần Thu Nam, việc dựng lại hiện trường đã thiếu một số nhân chứng quan trọng, đặc biệt là “nhân vật chính” Lê Minh Khương, nên sẽ không khách quan khi xác định có hay không hành vi “gây rối” của ông Khương. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem