Tộc người Đan Lai không còn lo đói

Thứ hai, ngày 03/01/2011 14:32 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - Sau 8 năm từ giã cuộc sống nơi đại ngàn với cái đói, cái rét luôn rình rập, cuộc sống của 100 hộ thuộc tộc người Đan Lai ở bản Tân Sơn, xã Môn Sơn, huyện Con Cuông (Nghệ An) đã có nhiều khởi sắc.
Bình luận 0

Đó là kết quả của việc thực hiện Đề án “Bảo tồn và phát triển bền vững tộc người Đan Lai”.

img
Cuộc sống người Đan Lai đã no ấm hơn

Không lo đói, thất học nữa

Về bản Tân Sơn ngày cuối năm, chúng tôi không khỏi ngạc nhiên khi thấy hầu hết đàn ông đều đã biết cày ruộng, điều mà 8 năm trước người Đan Lai chưa thể nào hình dung nổi (phương thức canh tác trước đây của họ là chọc lỗ tra hạt).

Anh La Văn Phương, một người dân trong bản cho hay: "Mấy năm trước, ruộng thiếu nước nên cây lúa còi cọc, toàn hạt lép. Năm nay, nhà nước đầu tư cho cái trạm bơm, mùa vừa rồi bản ta thu hoạch kha khá đó. Hôm qua, họ bơm nước, giờ ta tranh thủ cày ải để sang tháng gieo cấy. Ruộng có nước, người bản ta không lo cái đói nữa".

Nhờ được hỗ trợ vốn, giống cây- con, cấp trâu bò làm sức kéo, lại được tập huấn về kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi nên nhiều hộ đã thoát khỏi cuộc sống "chạy ăn từng bữa", có hộ đã có của ăn của để. Điển hình như gia đình anh La Văn Ý, nhờ chăm chỉ làm ăn, biết áp dụng KHKT nên lúa, ngô, sắn, keo nhà anh luôn tốt nhất bản; đàn lợn, trâu bò được tiêm phòng và chăm sóc cẩn thận nên lúc nào cũng béo khỏe. Mỗi năm gia đình anh thu nhập hàng chục triệu đồng. Vợ chồng anh chỉ sinh 2 con nên có điều kiện chăm sóc và đầu tư cho chúng học hành. Gia đình chị La Thị Nguyệt ở bản Cửa Rào, bên cạnh khai hoang trồng lúa, ngô, sắn, vợ chồng chị còn nuôi lợn nái và lợn thịt. Chị thường xuyên nuôi 2 con lợn nái, mỗi lứa xuất chuồng trên 10 lợn con.

Về nơi tái định cư, người Đan Lai còn được nhà nước xây dựng nhà ở kiên cố, được dùng điện lưới quốc gia, có trường học khang trang cho con trẻ... Những điều này khi còn ở khe Khặng, theo anh Phương, đó chỉ là những giấc mơ.

Tiếp tục giúp đồng bào

Tuy nhiên, sau 8 năm "rời nguồn", một bộ phận đồng bào Đan Lai vẫn lúng túng trước cách thức làm ăn mới, chưa thực sự dứt khỏi cách nghĩ, cách làm như hồi còn ở chốn rừng già. Có hộ vẫn còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại nhà nước. Cùng với đó, một số người, kể cả phụ nữ vẫn giữ thói quen uống quá nhiều rượu, không đầu tư nhiều thời gian cho phát triển kinh tế gia đình. Vì thiếu đói, vẫn còn con trẻ phải bỏ học giữa chừng.

Đại tá Nguyễn Việt Hà-Phó Chính ủy BCH Bộ đội Biên phòng Nghệ An, đơn vị chủ trì Đề án “Bảo tồn và phát triển bền vững tộc người Đan Lai” cho biết: "Thời gian tới, chúng tôi tiếp tục vận động các tổ chức chính trị -xã hội, các cơ quan, doanh nghiệp, các nhà hảo tâm ủng hộ vật chất, giống, cây trồng, vật nuôi; đồng thời tu sửa nhà ở, đóng mới nội thất, hướng dẫn đồng bào Đan Lai sản xuất và thu hoạch mùa vụ theo lịch phát triển nông nghiệp của xã".

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem