Tôi sẽ thay đổi “tư duy cỗ Tết”

Thứ hai, ngày 10/02/2014 15:12 PM (GMT+7)
Ngày 9 tháng Giêng, hội thơ chúng tôi có họp và câu chuyện xoay quanh…bánh chưng thừa đang được báo chí nêu. Chúng tôi đều giật mình và nhìn nhận lại nghiêm túc cách làm tết, ăn tết của mình.
Bình luận 0
Thế hệ chúng tôi đều đã trên 60 tuổi, trải qua những tháng ngày cực kỳ khó khăn của đất nước và trải cả thời tuổi trẻ trong chiến tranh. Hồi còn nhỏ, chỉ có mấy ngày Tết chúng tôi mới được ăn thịt thỏa thích nên vị thịt ngày tết rất sâu đậm.

Ngày Tết bố mẹ tôi gói 10-15 kg gạo bánh chưng, một đứa trẻ chúng tôi có thể ăn cả 1 cái bánh chưng/bữa. Có năm tới mùng 2, mùng 3 Tết bố mẹ tôi lại gói tiếp bánh vì cả nồi bánh chưng đã hết sạch. Tới mùng 4,5 chúng tôi mang bánh chưng ăn khi làm đồng. Cái bánh chưng sao mà ngon… Trong chiến tranh cũng thế, sau Tết, bánh chưng, bánh tét là “bạn đường” trên đường hành quân.

Bánh chưng vứt bỏ la liệt sau Tết một phần cũng vì tâm lý “ăn tết cho ra Tết” Ảnh: Đàm Duy
Bánh chưng vứt bỏ la liệt sau Tết một phần cũng vì tâm lý “ăn tết cho ra Tết” Ảnh: Đàm Duy

Những tháng ngày hòa bình, ngày tết chúng tôi chỉ được nghỉ đúng 3 ngày, từ 30 tới mùng 2 Tết, thực phẩm thì phát theo tem phiếu, có con lợn, con cá ăn đụng 4-5 nhà, trẻ con cũng chỉ mút mát được tý thịt. Nồi bánh chưng bao giờ cũng được chăm chút nhất. Mà trẻ con hồi ấy cũng thích ăn bánh chưng. Tôi nhớ cảnh con tôi cứ mùng 7, mùng 8 là mang bánh chưng… mốc ra gọt bỏ mốc đi để rán, ăn sáng trước khi đi học. Không có cái bánh chưng nào bỏ phí, kể cả thiu mốc. Nghĩ cũng tội

Từ khoảng năm 2000 trở lại đây, kinh tế khởi sắc hơn nhiều, tết được nghỉ dài hơn, chúng tôi có thời gian rảnh nên thế hệ chúng tôi thường muốn chăm chút cái tết, cho chính bản thân mình và cho con cháu. Hơn thế, chúng tôi muốn lưu giữ những truyền thống của ông cha.

Với tôi, hầu như tết nào cũng gói bánh chưng, chừng 10kg gạo để tặng bánh cho con, cháu; đụng lợn với người thân- thường khoảng…20 kg thịt để gói giò ép, nấu nồi canh măng với chân giò, nấu thịt đông, mua cây giò lụa. Đó là những món chính trong mâm cơm cúng từ bữa Tất niên tới khi hóa vàng hết Tết. Ngoài ra, mâm cơm cúng còn có thêm món nem, tim cật xào và 1-2 món đặc sản do con cháu tặng. Như năm nay có món đà điểu xào nấm, chả mực…

Đã nhiều lần, con tôi khuyên làm bớt đồ ăn, thay đổi món cúng như làm nộm, làm đồ cuốn, đồ luộc nhưng tôi ngại bởi cỗ cúng ông bà phải theo truyền thống; hơn nữa món nộm thường có tỏi, là món kỵ tà ma, nhưng cũng đồng nghĩa ông bà không vào nhà được…

Thực phẩm chuẩn bị rất nhiều, nhưng nhà tôi chỉ có 2 con, vợ chồng và các con chúng cũng chỉ về nhà từ 30, tới mùng 2, có năm mùng 1 là lại đi. Thực phẩm thừa ê hề, 2 vợ chồng già tôi ăn không nổi. Tới mùng 3,4 đã phải gọi cháu đến cho. Nhưng bánh chưng cho chúng cũng không lấy, nhiều khi chúng tôi tiếc của, bánh mốc cũng ăn cho tới… hết rằm. Tết Giáp Ngọ vừa qua, thời tiết nóng quá nên bánh chưng bày trên bàn thờ vừa thiu vừa mốc, con tôi về thấy vậy vứt đi luôn. Và nó cũng kiểm tra tủ lạnh, những gì ôi thiu nó vứt hết.

Nó cũng nói với tôi, tết nhất nay đã khác xưa, mâm cơm hàng chục món, nhiều món ngon nên không ai ăn nhiều bánh chưng nữa. Yêu tết như nó cũng chỉ ăn được 1 góc bánh chưng đã đầy bụng cả ngày. Vì thế nó nói tôi không nên gói bánh chưng nhiều nữa.

Sau Tết, gia đình bạn có phải vứt bỏ thức ăn thừa?

img img
img
Thế hệ như chúng tôi đói khổ nên nhìn thấy thực phẩm bỏ thừa rất xót ruột, nhưng không hiểu sao ngày Tết tôi luôn sợ thiếu, cỗ cúng là phải đầy đặn, bánh chưng là phải đủ để bóc bánh mới hàng ngày cúng tổ tiên. Nhưng qua 1-2 cái tết vừa qua, nhất là câu chuyện vứt bỏ hàng ngàn bánh chưng, tôi nhận thấy nếu thể hệ chúng tôi không thay đổi thì câu chuyện thực phẩm tết khó thay đổi. Lãng phí quá

Mấy ông già chúng tôi đều nhất trí, sang năm những gì con cháu ăn được thì cũng… cúng được cho các cụ. Làm sao để cúng xong, các cụ thụ lộc món mới, con cháu “giải quyết” sạch sẽ đồ ăn, không bỏ thừa, bỏ phí. Bánh chưng gói ít, đủ ăn, không gói thừa, không tặng con cháu nữa, nếu chúng không yêu cầu.

Ông Nguyễn Xuân Ngọc
Thành viên CLB thơ Xứ Đoài (Phúc Thọ, Hà Nội)
Phúc Lâm (ghi) (Phúc Lâm (ghi))
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem