Tôm sú chết trắng ao, cả xã gặp họa

Thứ sáu, ngày 23/07/2010 16:23 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - Ông Lê Xuân Tích - Phó Chủ nhiệm Hợp tác xã nuôi trồng thủy sản Hoằng Phụ (Hoằng Hóa, Thanh Hóa) nói: “Chưa bao giờ tôm sú ở xã chúng tôi lại chết trắng ao như năm nay. Người dân nuôi tôm gặp họa thật rồi!”.
Bình luận 0
 img
Bà Nguyễn Thị Huệ (thôn ở thôn Sao Vàng, xã Hoằng Phụ) vớt xác tôm chết tại ao của gia đình.

Dân khóc tôm trên đồng

Sáng 21-7, vợ chồng ông bà Nguyễn Văn Hanh - Nguyễn Thị Huệ ở thôn Sao Vàng, xã Hoằng Phụ đang dầm mình dưới ao nuôi để vớt xác những con tôm sú to hơn ngón tay cái chết thối, chìm xuống đáy ao. Ông Hanh xót xa: “Các bác nhìn mà coi, ao tôm mà nước trong mắt mèo như vầy có nghĩa là tôm chết sạch rồi, không còn gì sất”.

Ông Hanh cho hay, gia đình ông đã gắn bó với nghề nuôi tôm sú này chục năm rồi. Năm nào thu hoạch tôm, gia đình ông cũng đủ chi phí vốn đầu tư, công cán và còn dôi dư được một khoản kha khá. Thế nhưng, năm nay ông Hanh không thể ngờ rằng tôm chết nhanh và nhiều đến vậy.

Vốc nắm tôm chết từ dưới ao lên, bà Huệ tiếc của, bày tỏ: Diện tích ao nuôi tôm của gia đình bà rộng 1,1 mẫu (tức hơn 0,5ha). Với diện tích ấy, gia đình thả 25 vạn tôm giống. Trước khi nuôi thả, bà Huệ phải mua gần 4 triệu đồng vôi bột và thuốc diệt khuẩn.

Ngoài nguyên nhân do nhiễm virus đốm trắng, tôm chết hàng loạt còn do thời tiết nắng nóng kéo dài, nhiệt độ trong các ao nước tăng quá cao.

Chăm sóc 3 tháng trời, tổng chi phí đầu tư ao tôm của gia đình bà đến thời điểm chuẩn bị thu hoạch hết khoảng hơn 20 triệu đồng, chưa tính công cán gì, thì bỗng dưng chỉ trong mấy ngày tôm lăn ra chết sạch. Bà Huệ nói như khóc: “Trắng tay thật rồi chú ơi! Giờ tôi chẳng biết lấy đâu ra 10 triệu đồng trả cho ngân hàng đây, nhà có mỗi cái sổ đỏ thì mang đi thế chấp ngân hàng rồi”.

Theo cách tính của ông Hanh và những người nuôi tôm ở Hoằng Phụ, mỗi ha ao nuôi, nếu tôm không xảy ra dịch bệnh, không chết vì ô nhiễm môi trường hay do thời tiết… thì bà con có thể thu lãi vài chục triệu đồng. Thế nhưng, mấy ngày vừa qua, tôm chết đỏ mặt ao, nhiều gia đình xót của đã phải mang bao tải ra vớt tôm chết về phơi để nghiền làm thức ăn cho lợn.

Mất tiền tỷ vì tôm

Theo báo cáo của UBND xã Hoằng Phụ cho biết: Địa phương này có 171 hộ gia đình nuôi tôm sú với tổng diện tích 220ha, trong đó, phía nội đê có 12ha, ngoại đê 100ha. Trong thời gian từ ngày 1-7 đến 20-7, xã này đã có tới 183 ha, của 151 hộ nuôi tôm sú chết từ 70% trở lên.

Ước tính thiệt hại đến thời điểm này khoảng 75 tấn tôm, giá trị 7,2 tỷ đồng. Những hộ nuôi thả vùng nội đê có tôm chết là 122 hộ với diện tích 113 ha, còn vùng ngoại đê với thiệt hại 70ha của 26 hộ nuôi tôm.

Sau khi xuất hiện tình trạng tôm chết hàng loạt, chính quyền xã và HTX nuôi trồng thủy sản Hoằng Phụ đã gửi mẫu bệnh phẩm đi kiểm tra để xác định nguyên nhân. Kết quả kiểm tra cho thấy, nguyên nhân chính làm tôm chết hàng loạt là do nhiễm virus đốm trắng, môi trường nước nuôi đều vượt ngưỡng các chỉ số cho phép nhiều lần.

Ngày 21-7, lãnh đạo Sở NN&PTNT, Phòng Nuôi trồng thủy sản, Trung tâm Khuyến nông- Khuyến ngư, Chi cục Thú y tỉnh Thanh Hóa, UBND huyện Hoằng Hóa đã đi kiểm tra tình hình tôm chết hàng loạt ở Hoằng Phụ, để có kết luận và đánh giá thiệt hại. Đồng thời, Đoàn sẽ tìm phương án khắc phục tình trạng tôm chết để có hướng đề nghị nhà nước hỗ trợ cho bà con nông dân nuôi tôm ở Hoằng Phụ giảm bớt khó khăn.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem