Theo tin từ Ban Quản lý An toàn thực phẩm (ATTP) Tp HCM, Ban Quản lý được thành lập theo Quyết định số 2349/QĐ-TTg ngày 05/12/2016 của Thủ tướng Chính phủ về thí điểm thành lập Ban Quản lý An toàn thực phẩm thành phố Hồ Chí Minh, đây là mô hình quản lý một đầu mối đầu tiên trên cả nước về công tác quản lý ATTP.
Ban Quản lý ATTP đã hoạt động có hiệu quả trong công tác phối hợp quản lý đảm bảo an toàn thực phẩm với Ủy ban nhân dân quận - huyện và phối hợp cung ứng chuỗi thực phẩm sạch, an toàn từ trang trại đến bàn ăn, phối hợp hiệu quả với các tỉnh, thành phố trong cả nước nhằm đảm bảo nguồn thực an toàn cung cấp cho người dân thành phố. Mô hình quản lý một đầu mối tập trung tại Ban Quản lý ATTP đã tạo sự tín nhiệm và thuận lợi cho người dân trong giải quyết thủ tục hành chính về ATTP, phát huy được tính chủ động trong công tác thông truyền thông, kịp thời xử lý các tình huống phát sinh và mang lại hiệu quả cao trong cộng đồng và hiện nay mô hình này đã được nhân rộng cho một số địa phương khác trên cả nước.
Một buổi diễn tập xử lý ngộ độc tập thể ở khu công nghiệp tại Tp HCM
Với chương trình hành động “Xây thực phẩm sạch, chống thực phẩm bẩn”, Ban Quản lý ATTP đã triển khai các hoạt động cụ thể như ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý hành chính góp phần nâng cao hiệu quả, giảm chi phí, giảm thủ tục hành chính cho người dân, hiện tại Ban Quản lý ATTP đã thực hiện dịch vụ công trực tuyến cấp độ 2, đang triển khai cấp độ 3 và cấp độ 4.
Ban Quản lý ATTP đã triển khai mục tiêu xây thực phẩm sạch bằng việc thực hiện các Đề án “Chuỗi thực phẩm an toàn”; Đề án quản lý, nhận diện và truy xuất nguồn gốc thịt heo, thịt gia cầm, trứng gia cầm; Dự án mô hình chợ thí điểm bảo đảm ATTP. Đồng thời liên kết, phối hợp với các tỉnh nhằm phối hợp kiểm soát quản lý chất lượng thực phẩm từ nguồn, bảo đảm ATTP từ các tỉnh trước khi đưa về thành phố tiêu thụ đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân TP.HCM.
Với tiêu chí xây dựng và kiểm soát nguồn thực phẩm xanh – sạch – an toàn, đến nay Ban Quản lý Đề án chuỗi đã cấp 288 Giấy chứng nhận cho 142 trang trại, cơ sở sản xuất, sơ chế, kinh doanh vào chuỗi thuộc địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước, Tiền Giang, Long An, Lâm Đồng, Hậu Giang, Kiên Giang, Cần Thơ, Đồng Tháp, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Bình Thuận với tổng sản lượng 120.503,67 tấn/năm (số liệu tính đến quý III/2018), phấn đấu đến cuối năm 2019, các sản phẩm tiêu thụ trên địa bàn TP.HCM được kiểm soát ATTP theo chuỗi thực phẩm an toàn.
Song song với việc xây thực phẩm sạch là mục tiêu chốngthực phẩm bẩn. Ban Quản lý ATTP đã thành lập 11 Đội Quản lý ATTP liên quận - huyện và 02 Đội Quản lý ATTP tại chợ đầu mối nông sản thực phẩm (chợ Hóc Môn và chợ Bình Điền) thuộc Phòng Thanh tra nhằm quản lý trực tiếp trên địa bàn đảm bảo xử lý các vấn đề về ATTP kịp thời và nhanh chóng nhất. Trong thời gian từ khi thành lập đến nay đã tiến hành thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm các vi phạm về ATTP, cụ thể 3.687 cơ sở được kiểm tra, phát hiện và xử lý vi phạm 623 cơ sở với tổng số tiền hơn 06 tỷ đồng (6.657.737.500 đồng) (số liệu tính đến quý III/2018). Đặc biệt Ban Quản lý ATTP đã đình chỉ hoạt động có thời hạn 07 cơ sở; buộc tháo dỡ quảng cáo 01 cơ sở; thu hồi/tiêu hủy 34.621 kg sản phẩm thực phẩm và 233.230 đơn vị sản phẩm (chai/hộp/viên) thực phẩm khác không đảm bảo chất lượng.
Ngoài ra, công tác phòng chống ngộ độc thực phẩm trên địa bàn thành phố ngoài các giải pháp trên còn được triển khai với nhiều giải pháp khác cụ thể: thường xuyên lấy mẫu giám sát, đánh giá nguy cơ ô nhiễm, kiểm tra các chỉ tiêu an toàn thực phẩm và tiến hành truy xuất và xử lý theo đúng quy định đối với các mẫu không đạt, ngăn chặn thực phẩm không đảm bảo chất lượng lưu thông ngoài thị trường. Tăng cường công tác hậu kiểm đối với các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, bếp ăn tập thể, cơ sở cung cấp xuất ăn sẵn đối với trường học, khu công nghiệp - khu chế xuất.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.