Đó là một trong những nhận định mà Sở Y tế TP.HCM đã rút ra được qua đợt kiểm tra toàn diện các cơ sở cung ứng dịch vụ vận chuyển cấp cứu trên địa bàn thành phố.
6 cơ sở có sai phạm và bị đề nghị xử phạt vi phạm hành chính
Qua kiểm tra 10 cơ sở, trong đó 2 cơ sở đã đóng cửa, Sở Y tế TP.HCM cho biết, 6 cơ sở có sai phạm và bị đề nghị xử phạt vi phạm hành chính; chỉ có 2 cơ sở chấp hành đúng quy định của pháp luật trong hoạt động dịch vụ cấp cứu, hỗ trợ vận chuyển người bệnh.
Trong số 6 cơ sở chưa thực hiện đúng theo quy định của pháp luật, các hành vi vi phạm được đoàn kiểm tra ghi nhận là không có bãi đậu xe theo như biên bản thẩm định của Sở Y tế (thời điểm xin cấp phép); chưa bổ sung kịp thời đầy đủ cơ số thuốc cấp cứu trên xe cứu thương theo quy định; bổ sung, thay thế xe vận chuyển cấp cứu chưa qua thẩm định các điều kiện an toàn cho người bệnh; sử dụng nhân sự chưa được cấp chứng chỉ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh và chưa đăng ký hành nghề với Sở Y tế.
Ngoài ra còn có lỗi vi phạm không niêm yết công khai bảng giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh tại cơ sở, chưa kê khai giá thu theo quy định với Sở Y tế; chưa lập sổ theo dõi vận chuyển người bệnh, theo dõi chuyên môn các ca cấp cứu, chuyển viện; chưa tiến hành thủ tục xin giấy xác nhận nội dung quảng cáo các dịch vụ cấp cứu, vận chuyển và hỗ trợ người bệnh theo quy định…
Qua trao đổi, hầu hết cơ sở dịch vụ dịch vụ cấp cứu, hỗ trợ vận chuyển người bệnh chỉ đủ năng lực và điều kiện hỗ trợ vận chuyển người bệnh thông thường. Hơn nữa, khi Luật Khám bệnh, chữa bệnh mới có hiệu lực từ tháng 1/2024, các cơ sở vận chuyển người bệnh cấp cứu phải có nhân viên được cấp chứng chỉ hành nghề cấp cứu viên ngoài bệnh viện nên việc hoạt động của các cơ sở này sẽ càng khó khăn hơn.
Sở Y tế TP.HCM cho biết, tham khảo hoạt động cấp cứu ngoại viện tại các nước châu Âu, nhân viên y tế tham gia các đội cấp cứu ngoại viện sẽ thay đổi tùy theo loại phương tiện vận chuyển, với nhiều loại hình nhân viên y tế như bác sĩ, cấp cứu viên, trợ lý điều dưỡng, lái xe... Đối với loại hình xe cứu thương không khẩn cấp (vận chuyển người bệnh thông thường) thì không cần có bác sĩ trên xe cứu thương, nhưng với loại hình xe cứu thương khẩn cấp, bắt buộc thành viên của đội cấp cứu phải có bác sĩ.
Trước thực tế này, Sở Y tế kiến nghị các trường thuộc khối ngành sức khỏe sớm mở thêm mã ngành chuyên viên cấp cứu ngoài bệnh viện và mở các khoá đào tạo cho loại hình nhân viên y tế này, kiến nghị Bộ Y tế sớm có quy định rõ hơn về các loại hình xe cứu thương như các nước phát triển trên thế giới.
Trong thời gian tới, Sở Y tế sẽ tiếp tục tăng cường phối hợp các lực lượng chức năng để phát hiện, xử lý dịch vụ cấp cứu, hỗ trợ vận chuyển người bệnh không phép và kiểm tra việc chấp hành pháp luật, quy định chuyên môn kỹ thuật, điều kiện hành nghề của các cơ sở đã được cấp phép.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.