TP.HCM: Giữa dịch Covid-19, tiểu thương chợ an Đông bức xúc vì Ban quản lý chợ thu nhiều loại phí
TP.HCM: Giữa dịch Covid-19, tiểu thương chợ An Đông bức xúc vì phải đóng quá nhiều… phí
Hoàng Hưng
Chủ nhật, ngày 06/09/2020 14:42 PM (GMT+7)
Không phải ngẫu nhiên, trong cuộc họp với lãnh đạo Ban quản lý chợ An Đông, không ít tiểu thương đã “to tiếng”cho rằng, tiểu thương đang bị dịch Covid – 19 hành hạ chết dần chết mòn; nhưng tiểu thương sẽ “chết” ngay tức thì vì phải đóng quá nhiều loại phí.
Bà Trần Thị Thu Thùy – tiểu thương kinh doanh giày dép tại chợ An Đông – cho biết: "Gần nửa năm nay, tình hình kinh doanh của chúng tôi bết bát rất nhiều; thậm chí, có thời điểm đỉnh dịch vào tháng 4/2020, chúng tôi phải dừng buôn bán… Kinh doanh giảm sút là vậy, nhưng thật tréo ngoe, hàng tháng, Ban quản lý chợ vẫn không ngừng thu các loại phí, với cái giá trên trời, cao ngất ngưởng. Tiểu thương đã khốn khổ vì dịch; giờ thêm "chết" tức tưởi vì các loại phí chợ".
Thật vậy, bà Thùy cung cấp cho chúng tôi hàng loạt biên lai thu tiền các loại phí do Ban quản lý chợ An Đông (tức Trung tâm TM-DV An Đông) phát hành và thu tiền đối với hộ bà Thùy.
Hàng loạt khoản thu như: "điện dùng chung: 40.000 đồng", "tiền điện kế: 808.500 đồng" (theo chỉ số phát sinh ít-nhiều từng tháng), "tiền điện máy lạnh: 200.000 đồng"...
Trong đó, bà Thùy bức xúc nhất, là chỉ riêng "tiền vệ sinh quét rác", Ban quản lý thu cố định 130.000 đồng/tháng/hộ. Thêm "tiền sử dụng nhà vệ sinh công cộng" ở mức 100.000 đồng/tháng/hộ.
Ngoài ra, nhiều hộ tiểu thương thắc mắc, đã thu tiền "vệ sinh quét rác", nhưng Ban quản lý còn thu thêm tiền "dịch vụ xử lý thu gom chất thải rắn sinh hoạt" là 25.000 đồng/tháng/hộ.
Theo bà N.T.Hồng Hạnh – tiểu thương chợ An Đông: "Tại các chợ truyền thống khác ở TP.HCM, hay nói cách khác, ở cái đất Sài Gòn này, tôi thấy chỉ chợ An Đông là tiểu thương phải đóng các loại phí, với giá trên trời, quá cao".
Ngay tại cuộc họp với lãnh đạo Ban quản lý chợ An Đông chiều ngày 3/9 vừa qua, nhiều tiểu thương dẫn chứng: Khoản thu tiền vệ sinh + tiền nước, chợ Bến Thành (quận 1) chỉ thu khoảng 37.000 đồng/hộ/tháng và hơn 33.000 đồng/tháng/hộ.
Tương tự, chợ Bình Tây (quận 6) thu tiền vệ sinh là 60.000 đồng/tháng/hộ, tiền quét chợ 30.000 đồng/tháng/hộ.
Hay như chợ Bà Chiểu, thu tiền vệ sinh 60.000 đồng/tháng/hộ, chợ Tân Bình 55.000 đồng/tháng/hộ... Đặc biệt, loại phí "chất thải rắn", các chợ khác không thu, chợ An Đông lại thu 25.000 đồng/tháng/hộ (?).
Thu "khủng" hàng trăm tỷ đồng, chi tiêu thế nào, chưa trả lời thỏa đáng
Không chỉ bức xúc vì bị thu các loại "phí", nhiều tiểu thương chợ An Đông còn thắc mắc rằng, có khoản thu đóng góp xây dựng chợ lên tới 237 tỷ đồng; nhưng đến nay, việc chi tiêu khoản thu này ra sao, các tiểu thương vẫn chưa rõ ? Trong khi đó, hàng tháng, họ vẫn phải đóng tiền thuê sạp…
Nhiều tháng qua, các tiểu thương chợ An Đông đã gửi rất nhiều đơn thư khiếu nại lên Thanh tra Chính phủ.
Theo đó, các tiểu thương đề nghị các cơ quan trung ương chỉ đạo TP.HCM phải "xác minh và công nhận khoản tiền (237 tỷ đồng) công sức đóng góp để đầu tư, cải tạo nâng cấp chợ An Đông của tiểu thương qua các thời kỳ lịch sử phát triển chợ".
Các tiểu thương đề nghị thanh tra việc quản lý, thu chi tài chính của Ban quản lý chợ An Đông, liên quan đến số tiền 237 tỷ đồng do tiểu thương đóng góp và các khoản phí…
Ngày 3/9, PV Dân Việt đã làm việc với ông Đinh Hồ Duy Ngọc – Trưởng Ban quản lý chợ An Đông. Ông Ngọc cho rằng, các tiểu thương đã "làm khó" Ban quản lý, khi cố tình "không hiểu những giải thích của Ban quản lý, về những vấn đề bà con thắc mắc".
Theo ông Ngọc, "không thể so sánh, đối chiếu mức thu các loại phí của chợ An Đông, với mức thu phí của chợ Bến Thành, chợ Bình Tây, … Việc thu phí này là dựa trên các quy định của nhà nước, UBND TP.HCM, theo danh mục trên cơ sở Luật phí và lệ phí năm 2015".
Ông Ngọc cung cấp Phụ lục số 02, liệt kê danh mục các sản phẩm, dịch vụ chuyển từ phí sang giá dịch vụ do nhà nước định giá, nhằm chứng minh rằng, Ban quản lý chợ An Đông thu các loại phí là đúng quy định của nhà nước.
Trong đó, có "phí chợ" (dịch vụ sử dụng diện tích bán hàng tại chợ), "phí bảo vệ môi trường đối với chất thải rắn" (dịch vụ xử lý chất thải rắn sinh hoạt) và "phí vệ sinh" (dịch vụ thu gom, vận chuyển rác thải sinh hoạt).
Còn khoản thu "khủng" 237 tỷ đồng, theo văn bản trả lời của Ban quản lý chợ An Đông, chính xác là trên 217,3 tỷ đồng, do bà con tiểu thương chợ An Đông đóng góp qua các năm. Số tiền trên đã được nộp vào ngân sách, sử dụng cho việc đầu tư, nâng cấp, sửa chữa chợ An Đông.
Song, theo các hộ tiểu thương, thì giải thích trên của ông Ngọc vẫn không thỏa đáng.
Họ cho rằng, nguồn gốc kinh phí xây dựng chợ An Đông do tiểu thương đóng góp rất lớn từ năm 1991, tại sao lại chuyển thành tiền ngân sách ?
Khi xây dựng chợ, huy động tiểu thương đóng góp tiền xây chợ. Lúc đó, Ban quản lý chợ cam kết quyền sử dụng kinh doanh sạp tại chợ của tiểu thương được công nhận và cơ quan thẩm quyền sẽ cấp giấy chứng nhận. Tiểu thương không phải trả tiền thuê sạp mà chỉ phải trả tiền phí quản lý.
Tuy nhiên, nhiều năm qua, Ban quản lý chợ An Đông vẫn bắt buộc các tiểu thương phải ký hợp đồng thuê sạp, với mức thu quá cao (200.000 đồng/tháng), không công khai việc thu, chi…
Đáng nói, với các loại phí như vệ sinh, quét rác, chất thải rắn…; các tiểu thương cho rằng mức thu quá cao, không minh bạch trong sử dụng, nên họ sẽ không đóng từ tháng 9/2020.
Các tiểu thương yêu cầu Ban quản lý chợ An Đông phải báo cáo minh bạch, chi phí hợp lý, thì tiểu thương mới đóng tiếp.
Bà Trần Thị Thu Thùy nói: "Năm 2020, tiểu thương chúng tôi đã khó khăn vì dịch Covid-19. Chúng tôi mong mỏi UBND quận 5 – chủ quản Ban quản lý chợ An Đông, UBND TP.HCM… hãy sớm có câu trả lời, tạo điều kiện hỗ trợ các tiểu thương vượt qua khó khăn. Không thể phí thì thu vô tội vạ, mà không hề nghĩ rằng các tiểu thương đang sống dở chết dở trong cơn đại dịch, kinh doanh sụt giảm thì lấy đâu ra tiền mà thu?".
Vui lòng nhập nội dung bình luận.