Rối như canh hẹ
Theo hồ sơ vụ việc, ông Lê Văn Bé và vợ sở hữu khu đất diện tích 4.151m2. Năm 2005, ông bà thế chấp đất cho ngân hàng để bảo lãnh cho Công ty TNHH Đại An Sinh vay 6 tỷ đồng thành lập Trường tiểu học Lê Lợi, trường này hoạt động từ năm 2006.
Năm 2015, ông Bé cùng vợ bán mảnh đất trên cho ông Trần Phi Hoàng. Do trường chưa được hoàn công nên các bên thống nhất bằng văn bản sẽ chuyển nhượng trước khu đất với giá 19,5 tỷ đồng. Sau đó, bên mua sẽ lo thủ tục hoàn công xong sẽ ký lại hợp đồng chuyển nhượng đất lẫn trường với tổng giá trị gần 34 tỷ đồng.
Trường tiểu học Lê Lợi bị đập phá. Ảnh Tiến Tường
Tháng 10.2015, hai bên ra công chứng ký hợp đồng chuyển nhượng. Sau khi nhận hơn 14,3 tỷ đồng, ông Bé giao giấy tờ cho ông Hoàng để làm hoàn công như thỏa thuận. Tuy nhiên, ngay sau đó, theo ông Bé bên mua không trả tiền đúng hẹn nên ông kiện ra tòa đòi nợ. Cùng lúc, ông mới biết ông Hoàng trên cơ sở ủy quyền, đã tự làm các thủ tục, đứng tên sở hữu luôn phần đất nói trên từ tháng 6.2016.
Từ đây, tranh chấp ở thực địa bắt đầu căng thẳng. Từ tháng 7.2016, một nhóm người vào Trường tiểu học Lê Lợi, trục xuất các thành viên bên trong, bao chiếm cả hồ sơ, con dấu của nhà trường. Những hộ gia đình của ông Bé bên trong khu đất cũng bị đe dọa phải dời đi. Mới nhất, khoảng 23 giờ ngày 9.8, nhóm người này yêu cầu ông Bé và gia đình phải dọn ra khỏi nhà rồi dùng búa đập một số bức tường, tháo cánh cửa trước nhà.
Các đối tượng đe dọa người dân trong khuôn viên trường.
Gia đình ông Bé nhiều lần yêu cầu công an phường Trung Mỹ Tây. Thượng tá Trần Văn Hải, trưởng công an phường rất nhiệt tình cắt cử công an viên xuống nhiều lần. Nhưng công an quay lưng đi, nhóm côn đồ này lại đập phá. Diến biến mới nhất là biển hiệu của ngôi trường đã bị phá, thay vào đó là tên của một doanh nghiệp khác. Thượng tá Hải cho hay đã nhiều lần làm việc với ông Hoàng. Nhưng vì ông Hoàng có “sổ đỏ” nên công an chỉ có thể can thiệp yêu cầu ông này giữ trật tự an ninh.
“Điểm chết” sổ đỏ
Luật sư Trần Minh Phương, đoàn luật sư TP.HCM phân tích: Điểm mấu chốt trong vụ tranh chấp này chính là sổ đỏ ông Hoàng đang đứng tên. Hợp đồng mua bán giữa vợ chồng ông Bé với ông Hoàng được công chứng viên xác nhận không có tranh chấp. Đây là điểm sai, vì rõ ràng vợ chồng ông bảo lãnh cho Công ty TNHH Đại An Sinh vay vốn ngân hàng.
Hợp đồng cũng xác định không có tài sản trên đất là sai, vì Trường tiểu học Lê Lợi tồn tại hơn 10 năm và thuộc sở hữu của pháp nhân Đại An Sinh. Việc mua bán trường, nếu có, phải do pháp nhân Đại An Sinh thực hiện chứ không phải cá nhân ông Bé. Do vậy, việc Văn phòng đăng ký đất đai (VPĐKĐĐ) cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho ông Hoàng dựa trên hợp đồng đó là sai luật.
Giám đốc Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai (VPĐKĐĐ) quận 12, ông Trần Thanh Ngoan, cho hay khi ông Hoàng nộp hồ sơ đăng bộ, Phòng TN&MT có yêu cầu phải thực hiện thủ tục điều chỉnh giấy chứng nhận do có một phần diện tích đất bị thu hồi theo quyết định của UBND quận. Ông Hoàng khiếu nại đến Sở TN&MT. Sau đó, Sở TN&MT có văn bản chỉ đạo các cơ quan liên quan hướng dẫn ông Hoàng lập hồ sơ đăng ký biến động trên giấy chứng nhận. Phòng Pháp chế Sở TN&MT yêu cầu thời gian giải quyết là 24 giờ đối với những việc thuộc thẩm quyền của Chi nhánh VPĐKĐĐ quận 12. Trên cơ sở đó, Chi nhánh VPĐKĐĐ quận 12 giải quyết đăng bộ cho bên mua mà không điều chỉnh lại giấy chứng nhận như yêu cầu của Phòng TN&MT trước đây.
Chính vì điểm này, ông Bé cũng đồng thời đang khởi kiện Chi nhánh VPĐKĐĐ quận 12 do cho rằng có những sai sót trong thủ tục đăng bộ cho bên mua.
Tìm hiểu của Dân Việt, trong “thương vụ” này, có hai người liên quan khác là bà Nguyễn Thị Mỹ Vân (SN 1966, ngụ quận 12) và bà Đặng Trần Thị Ngọc Trâm (SN 1974, ngụ quận 10). Theo hai bà, họ đã cho ông Hoàng vay 9 tỷ 605 triệu đồng để thực hiện việc mua bán. “Khi vay tiền, ông Hoàng nói chỉ vay một tháng để thực hiện việc giao dịch, mua lại diện tích đất và ngôi trường Lê Lợi nhưng đợi hoài không thấy trả lời trả vốn”- bà Trâm, một trong hai “khổ chủ” nói.
Sau khi đi tìm hiểu mới biết ông Hoàng còn thiều nhiều tiền của ông Bé. Hai người đã kiện và TAND quận 3 tuyên ông Hoàng phải trả lại tiền. Tuy nhiên, ông Hoàng kháng cáo và vụ án này cũng đang kéo dài.
“Trong quá trình chờ tòa án giải quyết, quận đã chỉ đạo các cơ quan chức năng phải đảm bảo an ninh trật tự tại đây. Riêng hành vi của bên mua như tự động chiếm giữ trường, đập phá tài sản là hoàn toàn trái pháp luật. Công an quận đang củng cố hồ sơ để xử lý. Trong lúc này các học sinh đã được chuyển trường để đảm bảo không gián đoạn việc học” – ông Lê Trương Hải Hiếu, Chủ tịch UBND quận 12 nói.
|
Vui lòng nhập nội dung bình luận.