TP.HCM: Tiêu hủy hơn 5,5 tấn thịt không rõ nguồn gốc
TP.HCM: Tồn tại các cơ sở sản xuất, chế biến thực phẩm hoạt động về đêm, để "né" điều gì?
Bạch Dương
Thứ năm, ngày 04/02/2021 06:10 AM (GMT+7)
Trong đợt ra quân kiểm tra an toàn thực phẩm cho Tết Nguyên đán 2021 vào cuối tháng 1, Ban Quản lý an toàn thực phẩm (ATTP) TP.HCM đã kiểm tra hàng loạt cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, thực phẩm và cả công tác kiểm dịch.
Các đội kiểm tra của Ban Quản lý ATTP đã thực hiện xét nghiệm nhanh 158 mẫu thực phẩm tại 11 chợ (Hóc Môn, Bình Điền, Thanh Đa, Bình Chánh, Hùng Vương, Hưng Long, Cầu Kinh, Bà Chiểu, Phạm Văn Hai, An Đông, Phạm Thế Hiển), phát hiện 14 mẫu không đạt, xử lý theo quy định.
Kiểm tra 1.394 cơ sở kinh doanh thực phẩm trên địa bàn, các đơn vị đã phát hiện 83 cơ sở không đạt yêu cầu, 99 cơ sở vi phạm.
Theo đó, đã xử phạt hành chính 22 cơ sở với số tiền phạt 223,5 triệu đồng, đình chỉ một cơ sở không đảm bảo ATTP.
Ban Quản lý ATTP TP đã cùng đoàn phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm kiểm tra 761 lượt xe, phát hiện 5 lượt xe vi phạm, xử lý 2 trường hợp với số tiền 30,5 triệu đồng. Tang vật vi phạm gồm 60 con gà giống 1 ngày tuổi, 1.985 vịt thịt, 118kg thịt heo, 103kg lòng bò.
Đặc biệt, Đội quản lý ATTP đã kiểm tra đột xuất cơ sở kinh doanh thực phẩm tại địa chỉ 89 đường số 3, phường Bình Hưng Hòa (quận Bình Tân), lập biên bản tiêu hủy lô hàng 5.594kg thịt gia súc, gia cầm, thủy sản và các phụ phẩm động vật không có hóa đơn, chứng từ, không nguồn gốc xuất xứ, dự kiến mức phạt với cơ sở này là 90 triệu đồng.
Bà Phạm Khánh Phong Lan - Trưởng ban Quản lý ATTP TP.HCM - cho biết: Thời điểm này, Ban đã thành lập các đoàn làm việc và khảo sát công tác đảm bảo ATTP dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu và Lễ hội Xuân 2021 tại các điểm đầu mối tập trung như kho lạnh Trung tâm Bách Hóa Xanh, chợ đầu mối Bình Điền, Công ty TNHH MM Mega Market…
Theo bà Phong Lan, tuy tình hình chấp hành các quy định của pháp luật về ATTP đã có bước cải thiện, nhưng tình trạng cơ sở sản xuất, chế biến thực phẩm hoạt động vào ban đêm vẫn còn tồn tại nhằm né tránh hoạt động kiểm tra, giám sát, gây khó khăn cho công tác kiểm soát, đảm bảo ATTP.
Hiện Ban Quản lý ATTP không đủ cơ sở pháp lý và hồ sơ theo quy định của pháp luật để xử lý các trường hợp vi phạm các quy định của đề án truy xuất nguồn gốc thịt heo như thịt heo nhập chợ không đeo vòng hoặc đeo vòng nhận diện không đầy đủ, không truy xuất được thông tin.
Để xử lý các trường hợp nông sản thực phẩm tươi sống bị nhiễm khuẩn hoặc tồn dư hóa chất, chất cấm phải có kết quả phân tích định lượng tại phòng kiểm nghiệm được chỉ định, việc này thường mất 2-4 ngày.
Trong khi đó, lại chưa có quy định nào về tạm giữ lô hàng trong thời gian chờ kết quả phân tích nên đến khi có kết quả, lô hàng đã được tiêu thụ hết. Vì thế, chỉ có thể xử lý vi phạm hành chính bằng phạt tiền, còn không thể tịch thu, tiêu hủy sản phẩm.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.