Cuộc sống của người dân Trại Vành chủ yếu dựa vào cây lúa và nương rẫy. Ruộng ít, thường xuyên mất mùa, rừng lần lượt theo "nhát dao" và ngọn lửa đốt nương ra đi, để lại những quả đồi trọc bạc màu xơ xác, bà con "vùng vẫy" mãi mà không sao thoát khỏi cái đói, cái nghèo…
|
Trưởng thôn Sầm Văn Sáy (trái) thăm rừng bạch đàn của gia đình anh Lưu Văn Chín. |
Nhà nhà trồng rừng
Nhớ lại những ngày làng "đói", ông Sầm Văn Sáy - Trưởng thôn Trại Vành trầm giọng: "Những năm 2004-2005, thôn có hơn 50% hộ nghèo và thiếu đói. May nhờ gạo cứu trợ của Nhà nước, không thì đứt bữa thường xuyên. Lúa mất mùa, nương rẫy thì không đủ cho… chuột ăn, mà có ai biết chăn nuôi, trồng rừng gì đâu. Dân chúng tôi chỉ có phá rừng thôi, nên mới đói, nghèo"...
Dẫn tôi đi thăm các trang trại nuôi gà, lợn và những cánh rừng bạch đàn xanh mướt, thẳng tắp, ông Sáy cho biết, phong trào chăn nuôi và trồng rừng ở đây mới thực sự phát triển từ năm 2002 - 2003. "Nhờ đó mà chúng tôi đã "đẩy lùi" được cái đói, cái nghèo, giờ hộ khá, giàu cũng chiếm đáng kể" - ông Sáy cho biết. Hiện Trại Vành còn 56 hộ nghèo (theo tiêu chí mới). Tuy là hộ nghèo, nhưng nhờ có thu nhập từ chăn nuôi lợn, gà… và rừng nên không còn hộ đói.
Làm giàu
Với hơn 20 trang trại lớn nhỏ, chưa kể mô hình chăn nuôi hộ gia đình, hàng năm thôn Trại Vành cung cấp cho thị trường hàng trăm tấn thịt lợn, gà, vịt… Và thương hiệu "Gà đồi Yên Thế" đã trở thành sự lựa chọn của nhiều người.
Làng tôi xây nhà cấp 4 hết rồi! Cả thôn có hơn 100ha rừng, khoảng 70% số hộ có rừng từ 0,5 - 5ha; còn chăn nuôi, nhà ít có vài trăm con gà, lợn; nhà nhiều 4.000- 5.000 con. Rất nhiều hộ thu nhập hàng chục triệu đồng/năm...
Trưởng thôn Sầm Văn Sáy
Trước đây, nói đến hộ nghèo, người ta nghĩ đến hộ anh Lưu Văn Chín (dân tộc Tày). Gia đình anh Chín có 6 khẩu, nhưng chỉ có hơn 2 sào ruộng, được mùa còn đỡ, mất mùa thì thiếu ăn 3-4 tháng là chuyện thường. "Mình muốn chăn nuôi, nhưng không có vốn, được Nhà nước cho vay 10 triệu đồng, mình bàn với vợ mua 10 con lợn và mấy trăm con gà giống về nuôi. Bán lứa đầu, lãi hơn 20 triệu đồng, mình dồn tất vào mua giống tiếp tục nuôi" - anh Chín tâm sự.
Trang trại của anh Chín mỗi lứa nuôi từ 1.000 - 4.000 con gà và khoảng 30 con lợn, mỗi năm nuôi 3 - 4 lứa. Trừ chi phí, anh lãi gần 200 triệu đồng/năm. Căn nhà lụp xụp năm nào đã được thay bằng ngôi nhà mái bằng khang trang, đầy đủ tiện nghi. Anh cũng đã xây hầm biogas để hạn chế ô nhiễm và tận dụng làm chất đốt. Giờ đây, anh Chín đã nằm trong "tốp hộ giàu" của làng.
Chị Đàm Thị Bao (dân tộc Cao Lan) cũng đi lên từ nuôi gà "đi bộ" và trồng rừng. Năm 2002, gia đình chị trồng 1ha bạch đàn, thấy cây hợp đất, năm sau chị trồng thêm 1ha. Trên rừng bạch đàn, chị thả gà trong trại lưới. Mỗi năm chị xuất bán hơn 8 tấn gà. "Năm 2008, tôi nuôi thêm lợn, 50 con/lứa, mỗi năm 3 lứa. Trừ chi phí, nhà tôi lãi khoảng 110 triệu đồng/năm từ gà, lợn. Tôi cũng vừa bán gần 2ha bạch đàn được hơn 100 triệu đồng" - chị Bao cho biết.
Chưa làm giàu "ngoạn mục" như gia đình anh Chín, chị Bao, hộ chị Lô Thị Bình (dân tộc Nùng) nuôi hơn 500 con gà/lứa, mỗi năm thu hàng chục triệu đồng. Ngoài ra, chị còn có 3ha bạch đàn đã đến kỳ thu hoạch. "Sắp tới, mình bán lứa bạch đàn này lấy tiền sửa nhà và đầu tư làm trang trại nuôi gà, lợn" - chị Bao khoe.
Việt Tùng
Vui lòng nhập nội dung bình luận.