Trạm cân “vây chặt” xe quá tải

Vinh Hải Thứ bảy, ngày 30/08/2014 06:55 AM (GMT+7)
Qua khảo sát, số liệu cân xe ở trạm cân đầu tiên được đặt tại Trạm thu phí cho tỷ lệ phát hiện xe quá tải cao hơn hẳn so với các trạm kiểm soát tải trọng xe di động. Vì vậy Bộ GTVT đang có kế hoạch xây dựng trạm cân tải trọng tại các trạm thu phí trên toàn tuyến QL1 và QL14 để “vây chặt” xe quá tải. 
Bình luận 0

Gần 50% xe quá tải

Điểm đặt cân kiểm tra tải trọng đầu tiên kết hợp cùng trạm thu phí được đặt tại Trạm thu phí Bến Thủy 2 do nhà đầu tư là Công ty CP Công trình giao thông 4 (CIENCO4) quản lý. Đây là trạm cân tốc độ thấp được đầu tư với trị giá khoảng 1,2 tỷ đồng với mục đích thống kê tình trạng xe quá tải lưu thông trên các tuyến giao thông do đơn vị làm chủ đầu tư và các tuyến giao thông khác.

Được đưa vào sử dụng từ cuối tháng 6, chỉ trong 10 ngày đầu hoạt động tỷ lệ phát hiện xe quá tải cao hơn hẳn so với các trạm kiểm soát tải trọng xe di động được bố trí ở các địa phương. Cụ thể, trong số 27.100 xe lưu thông qua tuyến QL1 ở cả hai chiều Nam – Bắc đã phát hiện được gần 12.000 xe quá tải, chiếm khoảng 41,27%.

Tỷ lệ này tiếp tục được duy trì trong thời gian kế tiếp. Cụ thể, trong cả tháng 7, hệ thống cân tốc độ thấp đã ghi nhận tự động được 31.414 xe quá tải, chiếm 40,81% lượng xe qua Trạm thu phí Bến Thủy 2. Trong khi, tỷ lệ trung bình phát hiện xe quá tải từ các trạm kiểm soát tải trọng xe di động trên cả nước chỉ hơn 22%.

Khác với các trạm kiểm soát tải trọng xe di động hay các trạm cân khác phải “vẫy” xe vào trạm, khi xe đi qua trạm thu phí phải giảm tốc độ, có barie gác chắn và tự động đưa xe qua điểm cân. Nhiều tài xế cũng không phát hiện ra xe của mình đang được đo tải trọng. Vì vậy, có thể nói tất cả các xe tải đi qua trạm thu phí đều được “soi” tải trọng.

Đại diện CIENCO4 cho biết đã chuẩn bị đầy đủ các yếu tố kỹ thuật và đề nghị mong sớm được kết nối với dữ liệu của Tổng cục Đường bộ để cung cấp số liệu về xe quá tải phục vụ cơ quan chức năng.

Thiết kế mẫu trạm cân tại trạm thu phí



Ông Nguyễn Văn Huyện 
 Sau này đương nhiên các trạm thu phí phải lắp đặt trạm cân, đây là một giải pháp lâu dài và công khai. Khi thực hiện xong thì không xe quá tải nào thoát được.
 
Bộ GTVT hiện đã đưa ra chủ trương thống nhất xây dựng các trạm thu phí, trạm cân tải trọng theo mô hình thiết kế mẫu trên hai tuyến QL1 và đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên (QL14). Việc này nhằm hiện đại hóa, đồng bộ hóa hệ thống trạm thu phí trên các tuyến QL cũng như giảm phiền hà cho doanh nghiệp, người dân, đảm bảo quyền lợi chính đáng cho nhà đầu tư. Bộ GTVT đã giao Cục Quản lý xây dựng và chất lượng công trình giao thông làm việc với đơn vị thiết kế để cung cấp hồ sơ mẫu trạm thu phí, đồng thời chuyển giao công nghệ thu phí và công nghệ trạm cân tải trọng tự động cho tất cả các nhà đầu tư trên QL1 và QL14.

 

Ông Nguyễn Văn Huyện – Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho biết: “Doanh nghiệp lắp trạm cân tại các trạm thu phí nhưng phải theo chỉ đạo, quy chuẩn của Bộ GTVT, thêm nữa phải hòa được vào mạng để chúng tôi kiểm soát”. Như đối với trạm cân đầu tiên đã được lắp đặt tại Trạm thu phí Bến Thủy 2, ông Huyện cho hay đã chỉ đạo Cục Quản lý đường bộ II làm quy chế phối hợp với chủ đầu tư để khi nhận được tin báo, lực lượng Công an, Thanh tra giao thông sẽ tiến hành xử lý ngay.

 Hiện Tổng cục Đường bộ Việt Nam đang đánh giá lại hiệu quả hoạt động của hai trạm cân cố định. Sau đó sẽ tùy chỉnh theo hướng- trạm cân cố định đặt ở những trạm thu phí, các làn xe ở giữa nên cho xe khách, xe con, còn bắt buộc xe tải phải đi vào làn đường ngoài cùng. 
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem