Trăn trở xóa nghèo cho người Mông

Lê San Thứ tư, ngày 20/08/2014 05:56 AM (GMT+7)
Đói nghèo, lạc hậu vẫn đang hiện hữu trong những bản làng, trong từng bữa ăn, chỗ ở của người Mông tại 47 xóm thuộc 18 xã của 4 huyện trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên. Xóa bỏ đói nghèo, nâng cao đời sống cho bà con người Mông, luôn là nỗi trăn trở của các cấp chính quyền tỉnh.
Bình luận 0

Luân phiên làm hộ nghèo

Tỉnh Thái Nguyên hiện có 47 xóm, bản thuộc 18 xã của 4 huyện Võ Nhai, Phú Lương, Định Hóa, Đồng Hỷ có đồng bào dân tộc Mông sinh sống với 1.520 hộ, 7.775 nhân khẩu. Tỷ lệ hộ nghèo là người dân tộc Mông chiếm khá cao, có 29/47 xóm, bản có tỷ lệ hộ nghèo từ 40 - 70%.

Xã Thượng Nùng được xếp vào một trong những xã thuộc vùng cao nhất và nghèo nhất huyện Võ Nhai. Ông Lý Văn Sinh - Trưởng xóm Lũng Hoài ngao ngán: “Toàn xóm có 33 hộ người Mông thì có 30 hộ nghèo, 3 hộ cận nghèo (tỷ lệ nghèo 91%). Nhưng hộ cận nghèo cũng không khá hơn hộ nghèo là mấy. Mỗi năm xã giao chỉ tiêu phải giảm hộ nghèo thì các hộ lại luân phiên nhau làm hộ cận nghèo”.

Ông Sinh kể: “Người Mông mình ở Hà Quảng, Cao Bằng di cư lên đây từ năm 1973. Thấm thoắt đã hơn 40 năm rồi nhưng do thiếu đất sản xuất, sinh đẻ nhiều, điều kiện khó khăn nên cuộc sống người Mông ở đây chẳng khá lên được. Như nhà mình, làm trưởng bản hơn 10 năm rồi, cũng cố gắng làm ăn, nuôi con bò, con trâu, trồng ngô, chưa năm nào xếp vào danh sách hộ nghèo. Vậy mà năm ngoái chẳng may đốt củi sấy ngô, tàn lửa bốc lên cháy sạch 2 tấn ngô vừa mới thu hoạch xong. Thế là trắng tay, nên năm nay được xếp vào diện hộ nghèo vì trong nhà cũng chẳng còn cái gì ăn”.

Ruộng nương khan hiếm, lại cằn cỗi, chỉ làm được một vụ, trong khi người thì ngày càng đông. Trung bình mỗi hộ ở Lũng Hoài đều có từ 5 – 6 con, cá biệt có hộ đẻ đến 10 con. Ngô làm ra chỉ dành để ăn và chăn nuôi chứ không đem bán bao giờ. Mâm cơm thường ngày của người dân chủ yếu là rau xanh, mèn mén, họa hoằn lắm mới có miếng thịt. Cả xóm Lũng Hoài vẫn còn 4 hộ đói vào mùa giáp hạt, đến ngô cũng chẳng có ăn.

“Mặc dù xã đã vận động người dân ổn canh, ổn cư, khai thác tiềm năng đất đai sẵn có để trồng lúa, ngô hay trồng thử nghiệm các cây thuốc để cải thiện cuộc sống, nhưng do điều kiện tự nhiên khó khăn và trình độ dân trí có hạn, nên muốn thay đổi được không phải dễ dàng” - ông Ma Khánh Tuyên – Chủ tịch UBND xã Thượng Nùng nói.

Thay đổi nhận thức của đồng bào

Nằm sát bên Quốc lộ 1B, xóm Trung Sơn, xã Quang Sơn (huyện Đồng Hỷ) có 60 hộ dân, trong đó có 42 hộ đồng bào Mông. Hạ tầng kinh tế được đầu tư, nguồn lực phát triển sản xuất đã được Nhà nước hỗ trợ, nhưng xóm hiện vẫn còn 17 hộ người Mông thuộc diện nghèo, chiếm tỷ lệ 40,5% (trong khi tỷ lệ hộ nghèo bình quân của xã Quang Sơn năm 2013 là 9,55%).

Hiện trên địa bàn xã Quang Sơn có 18 công ty, doanh nghiệp đang hoạt động, thu hút 1.035 lao động, nhưng chỉ có 274 lao động là người địa phương, chiếm tỷ lệ 26,4%, trong đó lao động người Mông (chưa có số liệu cụ thể), nhưng không được là bao.

Theo thống kê của xã Quang Sơn thì mỗi lao động địa phương làm việc trong các công ty, doanh nghiệp trên địa bàn có thu nhập bình quân 4 triệu đồng/người/tháng. Ông Lê Xuân Thủy - Bí thư Đảng ủy xã Quang Sơn cho biết: “Xã đã vận động đồng bào xuống núi, đi lao động ở các nhà máy. Nhưng do trình độ có hạn, phương thức làm việc bà con chưa quen, nên nhiều người đi làm rồi lại bỏ về”.

Xây dựng mô hình biển

Để xóa đói giảm nghèo của vùng đồng bào Mông trên địa bàn, tỉnh Thái Nguyên đang triển khai Đề án “Phát triển kinh tế - xã hội, ổn định sản xuất và đời sống các xóm khó khăn có đồng bào dân tộc Mông sinh sống đến năm 2020”. Theo ông Triệu Minh Thái – Trưởng ban Dân tộc tỉnh Thái Nguyên, mục tiêu mà đề án đề ra là phấn đấu giảm nghèo trong vùng đồng bào Mông bình quân mỗi năm 7% trở lên. Trong khi chờ đề án được thông qua (dự kiến tháng 9.2014), ngay từ năm 2013, tỉnh Thái Nguyên đã phân bổ hơn 65 tỷ đồng cho 4 huyện Đồng Hỷ, Võ Nhai, Phú Lương, Định Hóa để đầu tư cơ sở hạ tầng, hỗ trợ sản xuất và đời sống cho các xóm có người Mông sinh sống. Tỉnh cũng đã linh động ứng trước ngân sách để thực hiện hỗ trợ cấp giống ngô lai cho đồng bào kịp mùa vụ, với định mức 20kg/ha, giá 110.000 đồng/kg. “Để người dân thoát được nghèo đói bền vững, cần phải giúp họ ổn định lương thực. Đến nay, tại tất cả các huyện có người Mông sinh sống, địa phương đã chủ động cấp phát ngô giống để bà con gieo trồng…”- ông Thái cho hay.

Trong năm 2013, vốn chi hỗ trợ sản xuất, đời sống cho 47 xóm có đồng bào Mông của tỉnh chỉ hơn 2,5 tỷ đồng. Trong khi, trong 2 năm 2014-2015, 4 huyện nói trên cần hơn 157,5 tỷ đồng để đầu tư, hỗ trợ cho 47 xóm có người Mông sinh sống, trong đó vốn hỗ trợ sản xuất, đời sống đã được dự toán nâng lên hơn 51,3 tỷ đồng.

Ông Đặng Viết Thuần - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên cho rằng, để nguồn vốn hỗ trợ sản xuất, đời sống phát huy hiệu quả thì điều cần thiết các sở, ngành liên quan, các địa phương phải xây dựng những mô hình điểm; lựa chọn những cá nhân tích cực để dồn vốn hỗ trợ. Đề án đã phân ra xây dựng các hình thức hỗ trợ dài hơi: Trồng cây ăn quả; phát triển trồng rừng; phát triển chăn nuôi trâu, bò theo điều kiện của từng địa phương. Ông Thuần khẳng định: “Về lâu dài, các mô hình điểm sẽ giúp cho đồng bào Mông tiếp cận với cách làm ăn mới, thay đổi tư duy; từng bước hình thành phương thức nuôi, trồng theo phương thức hàng hóa, tận dụng hiệu quả nguồn tài nguyên thiên nhiên”.

 Đề án của tỉnh Thái Nguyên dự tính chi 116,5 tỷ sẽ hỗ trợ cho 26 bản có người Mông sinh sống thuộc 4 huyện Võ Nhai, Đồng Hỷ, Phú Lương, Định Hóa để xây dựng các công trình hạ tầng thiết yếu; cung cấp vật tư, giống phục vụ sản xuất, chăn nuôi…
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem