Trên một hồ nước ngọt nhân tạo lớn nhất Hòa Bình, dân nuôi cá đặc sản, bây giờ một số loài cá đã "cháy hàng"

Thứ ba, ngày 02/01/2024 05:08 AM (GMT+7)
Anh Xa Ngọc Hưng, Giám đốc hợp tác xã Đà Giang Eco, một hợp tác xã nuôi cá lồng trên hồ thủy điện Hòa Bình trên sông Đà, xã Tiền Phong, huyện Đà Bắc (tỉnh Hòa Bình) hiện có 7 thành viên và 90 hộ liên kết. Hiện nay, cá nuôi của bà con đã được tiêu thụ, nhiều loại cá đặc sản như cá lăng đang "cháy hàng”.
Bình luận 0

Năm 2023, nghề nuôi cá lồng tiếp tục đà hồi phục sau ảnh hưởng của dịch Covid-19. Với đầu ra thuận lợi, nuôi cá lồng đã đem lại nguồn thu nhập khá cho hàng nghìn hộ dân, nhất là khu vực lòng hồ thủy điện Hòa Bình.

Tiền Phong là một trong những xã của huyện Đà Bắc (tỉnh Hòa Bình) phát triển mạnh nghề nuôi cá lồng. Hiện nay, trên địa bàn xã có khoảng 800 lồng cá, với 400 hộ tham gia nuôi. 

Sau thời gian gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19, trong 2 năm qua (2022 - 2023), các hộ nuôi cá lồng ở xã Tiền Phong tích cực phục hồi sản xuất, việc tiêu thụ sản phẩm thuận lợi. 

Đặc biệt, Hợp tác xã Đà Giang Eco được thành lập trên địa bàn xã đã thúc đẩy việc liên kết, tiêu thụ sản phẩm. Anh Xa Ngọc Hưng, Giám đốc hợp tác xã cho biết: Đà Giang Eco hiện có 7 thành viên chính thức và 90 hộ liên kết. 

Giai đoạn ảnh hưởng dịch Covid-19, có thời điểm phải giải cứu cá nhưng 2 năm trở lại đây, việc tiêu thụ đã thuận lợi hơn rất nhiều. Thời điểm hiện nay, cá nuôi của bà con đã cơ bản được tiêu thụ, nhiều loại cá đặc sản như cá lăng đang "cháy hàng”.

Anh Hưng cho biết thêm: Để phát triển nghề nuôi cá lồng ổn định, bền vững, hợp tác xã đã ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm với các hộ nuôi cá, thu mua theo giá thị trường. 

Trên một hồ nước ngọt nhân tạo lớn nhất Hòa Bình, dân nuôi cá đặc sản, bây giờ một số loài cá đã "cháy hàng"- Ảnh 2.

Năm 2023, nghề nuôi cá lồng trên hồ thủy điện Hòa Bình phát triển ổn định, đầu ra thuận lợi. Một số loài cá đặc sản như cá lăng đang "cháy hàng" bởi nhu cầu tăng cao.

Riêng đối với hợp tác xã, hiện đang trong giai đoạn kiến thiết, tìm kiếm thị trường nên tích cực tham gia các chương trình xúc tiến, quảng bá sản phẩm. Sau khi tiếp thị đã có một số sản phẩm cá chế biến sâu được đối tác đánh giá cao và ký kết hợp đồng hợp tác.

"Hợp tác xã đang hướng tới các sản phẩm cá chế biến chuyên sâu, thay vì chỉ bán cá tươi nguyên con như trước. Điều này phù hợp với nhu cầu của khách hàng, thuận tiện cho vận chuyển, từ đó sẽ nâng cao được giá trị sản phẩm” - anh Hưng nhấn mạnh.

Được biết, trong năm 2023, Hợp tác xã Đà Giang Eco có 3 sản phẩm được công nhậnOCOP 3 sao, gồm: cá lăng đen sông Đà, cá trắm đen sông Đà và cá ngạnh sông Đà. 

Đối với địa bàn huyện Đà Bắc, hiện diện tích nuôi trồng thủy sản có 143 ha, 2.060 lồng cá, tập trung nhiều tại các xã: Hiền Lương, Vầy Nưa, Tiền Phong và rải rác tại một số xã khác. Đồng chí Bùi Khắc Vinh, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Đà Bắc cho biết: Trong năm 2023, công tác bảo vệ nguồn lợi thủy sản được huyện tăng cường, hiện tượng sử dụng xung điện, chất nổ, chất độc để khai thác thủy sản giảm đáng kể. 

Người nuôi cá lồng ngày càng chú trọng việc quản lý môi trường nuôi và thực hiện các biện pháp phòng bệnh cho cá nuôi không xảy ra dịch bệnh. Huyện chú trọng liên kết tiêu thụ sản phẩm nhằm phát triển nghề nuôi cá lồng bền vững, đem lại hiệu quả kinh tế cao.

Đối với địa bàn toàn tỉnh, hiện duy trì diện tích nuôi cá 2.695 ha, gần 5.000 lồng nuôi với các loài như: nheo Mỹ, chiên, lăng, diêu hồng, trắm đen, bỗng, tầm, trắm cỏ, rô phi, chim trắng, trê lai, chép. 

Tỉnh Hòa Bình bước đầu xây dựng được thương hiệu cá, tôm Sông Đà, đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp chứng nhận nhãn nhiệu Cá Sông Đà - Hòa Bình, Tôm Sông Đà - Hòa Bình.

Đặc biệt, tỉnh Hòa Bình đã xây dựng được 3 chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm tại thành phố Hòa Bình, huyện Đà Bắc, Tân Lạc - Mai Châu. Qua đó góp phần nâng cao giá trị cá, tôm Sông Đà và mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm.

Đồng chí Hoàng Văn Son, Chi cục trưởng Chi cục Thuỷ sản tỉnh Hòa Bình cho biết: Để phát triển nghề nuôi thuỷ sản bền vững, thời gian tới, ngành tiếp tục thực hiện tái cơ cấu lĩnh vực thuỷ sản, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ mới vào các hoạt động thủy sản nhằm đa dạng sản phẩm. 

Bên cạnh đó, thúc đẩy nghiên cứu, chuyển giao và ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, ưu tiên ứng dụng công nghệ cao, các giải pháp khoa học công nghệ mới tiên tiến. 

Năm 2024, đặt mục tiêu thành lập hợp tác xã nhằm tăng cường gắn kết trong sản xuất, tạo chuỗi liên kết sản xuất - chế biến - tiêu thụ sản phẩm.

Viết Đào (Báo Hòa Bình)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem