Đây là những hình ảnh, hiện vật liên quan đến cuộc chiến đầu và chiến thắng 12 ngày đêm oanh liệt của quân dân thủ đô năm 1972, trong đó có nhiều hiện vật lần đầu tiên được công bố.
Đại tá Nguyễn Xuân Năng – Giám đốc Bảo tàng cho biết: Triển lãm được trưng bày theo 4 phần, ngoài những hiện vật minh chứng cho thất bại thảm hại của không lực Hoa Kỳ trong trận “Điện Biên Phủ trên không” như động cơ máy bay B52 đầu tiên bị bắn rơi trên cánh đồng Chuôm (Phủ Lỗ, Sóc Sơn, Hà Nội); những vật dụng thu được của phi công lái máy bay B52..., triển lãm còn có những hiện vật thể hiện thắng lợi của quân dân ta, như: Giản đồ chiến đấu của Anh hùng lực lượng vũ trang Nguyễn Văn Giắng (Binh chủng radar); súng máy 14,5mm của Liên đội Tự vệ Hoàn Kiếm – Hai Bà Trưng đã bắn rơi chiếc máy bay F-111 hiện đại bậc nhất của Mỹ ngày 22.12.1972…
|
Trung tá Phạm Văn Chắt (trái) bên động cơ máy bay Tiểu đoàn ông bắn rơi 40 năm trước. |
Ngoài ra, các hiện vật còn gợi nhớ lại những mất mát hy sinh mà nhân dân Thủ đô phải gánh chịu sau những trận bom ác liệt của kẻ thù. Đó là hình ảnh về sự đổ nát của phố Khâm Thiên, Bệnh viện Bạch Mai; vật dụng còn sót lại của những nạn nhân xấu số như chiếc vại và mâm nhôm – 2 kỷ vật của gia đình ông Hoàng Đình Dị ở xã Uy Nỗ, Đông Anh, Hà Nội sau trận bom B52 đầu tiên (đêm 18.12.1972), giết hại vợ, 4 đứa con cùng 1 cháu ngoại…
Xúc động khi đứng trước những hiện vật của gia đình mình, bà Dương Thị Liễn - người vợ sau của ông Hoàng Đình Dị cho biết: “Chiếc mâm nhôm, chiếc vại sành là 2 thứ còn sót lại sau trận bom B52 năm ấy. Trước khi qua đời, ông ấy đã dặn dò phải trao tặng lại cho bảo tàng lịch sử”.
Trung tá Phạm Văn Chắt – nguyên Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 72 (Trung đoàn 285, Sư đoàn 361) đã bắn rơi chiếc B52 ngày 27.12.1972 cho biết: “Mặc dù chưa phải là tất cả, nhưng triển lãm giúp tái hiện lại một góc lịch sử dân tộc, ở đó có đủ cả mất mát, đau thương và cả niềm tự hào khôn xiết của nhân dân thủ đô”.
Tùng Anh
Vui lòng nhập nội dung bình luận.