Đây là loại quả ngon trồng trái mùa ở Cà Mau, nông dân bất ngờ vì bán giá tốt

Thứ tư, ngày 26/04/2023 05:30 AM (GMT+7)
Ða dạng cây trồng và khám phá tiềm năng đất đai luôn là điều thôi thúc nhiều nhà nông thực hiện. Vùng ngọt hoá thị trấn Trần Văn Thời và cả vùng mặn của huyện Cái Nước (Cà Mau), bà con trồng thử nghiệm xen dưa hấu trái vụ và đã mang lại kết quả bất ngờ.
Bình luận 0

Canh tác lúa nhiều năm qua, nhưng đây là lần đầu người dân địa bàn thị trấn Trần Văn Thời chứng kiến vụ dưa hấu đầu tiên trên ruộng lúa. Người tiên phong thực hiện mô hình này là anh Phạm Văn Tặng, Khóm 6, thị trấn Trần Văn Thời.

Mướn đất trồng dưa trái vụ

Anh Phạm Văn Tặng cho biết: “Thấy sau vụ đông xuân, đất ruộng của nông dân bỏ không, sẵn có người cháu nhiều kinh nghiệm, kỹ thuật trồng dưa hấu nên tôi hợp tác mướn 20 công đất trồng dưa. Tuy là lần đầu trồng nhưng khá suôn sẻ, đến ngày thu hoạch tôi rất vui vì dưa sai trái, ai ăn cũng khen ngon và ngọt. Nhất định mùa sau tôi sẽ trồng tiếp, diện tích sẽ lớn hơn".

Không chỉ chủ đất có thêm khoản tiền thu nhập, mà những người dân xung quanh cũng được vụ dưa hấu bội thu. Ngay khi bắt đầu vụ dưa, người dân ở địa phương được thuê bỏ hạt, sửa dây dưa, làm cỏ, chấm nụ..., tới thời điểm thu hoạch thì đi hái dưa, chở dưa ra bãi tập kết.

Đây là loại quả ngon trồng trái mùa ở Cà Mau, nông dân bất ngờ vì bán giá tốt - Ảnh 1.

Dù được trồng ở đất mặn nhưng dưa hấu trái to, đạt năng suất khá cao ở Cà Mau. Ảnh: An Kỳ

Bà Huỳnh Thị Diệu, Khóm 5, thị Trấn Trần Văn Thời, chia sẻ: “Trước thì tôi buôn bán, sau này về nhà chăn nuôi nhỏ lẻ, nhờ mấy hộ trồng dưa cần nhân công khá nhiều nên mỗi ngày tôi làm được từ 200-250 ngàn đồng. Công việc cũng nhàn, có thêm ít tiền chi tiêu trong gia đình, vui lắm!".

Có hơn 10 năm kinh nghiệm trồng dưa hấu tại huyện Cù Lao Dung, tỉnh Sóc Trăng, đây là lần đầu anh Nguyễn Văn Cảnh, cùng với anh Tặng mướn đất và trồng dưa. Vốn có kinh nghiệm từ trước nên anh Cảnh dễ dàng canh tác trên vùng đất mới, với kết quả khá khả quan, sản lượng đạt 3 tấn/công.

Anh Cảnh chia sẻ: “Cách trồng dưa không lên liếp cũng giống như tôi trồng trước đây nên không có gì khó khăn. Ban đầu chưa quen đất nhưng về sau tôi nhận thấy vùng nước ngọt tại Trần Văn Thời còn có thế mạnh hơn cả vùng tôi trồng trước đó. Thắng vụ này tôi quyết tâm đặt mục tiêu 5-6 tấn/công trong những vụ dưa hấu tiếp theo”.

Ông Lê Văn Ðang, Chủ tịch Hội Nông dân thị trấn Trần Văn Thời, chia sẻ: “Ban đầu khi được tin sẽ thu hoạch lượng lớn dưa nên tôi khá lo lắng về đầu ra, dưa trái vụ trái không to nhưng nặng, ăn thử thì rất ngon; thương lái, tiểu thương đến mua và đặt hàng rất nhiều. Chỉ trong buổi sáng thu hoạch, lượng dưa đã được xuất bán hết, đây là tín hiệu vui của người trồng dưa và cũng là cơ hội để nông dân học tập kinh nghiệm trong quá trình sản xuất".

Dưa trái mùa được tiêu thụ mạnh, chỉ với giá 5 ngàn đồng/kg, mỗi công đất người trồng dưa trừ hết chi phí có lãi 8 triệu đồng. Với 20 công đất trồng dưa hấu, anh Cảnh bỏ túi 160 triệu đồng trong 2 tháng canh tác.

Trồng dưa trên đất mặn

Tận dụng đất sản xuất xung quanh nhà, bờ vuông nuôi tôm, thời gian qua nhiều hội viên phụ nữ ở thị trấn Cái Nước, huyện Cái Nước có thêm nguồn thu nhập đáng kể nhờ trồng dưa hấu.

Dưa hấu được trồng phổ biến tại một số vùng ngọt của TP Cà Mau, huyện Thới Bình, Trần Văn Thời... Tuy nhiên, ở vùng đất mặn nuôi tôm, từ bàn tay cần cù của những người nông dân, dưa hấu vẫn được trồng và năng suất khá cao. Sau vụ dưa Tết cho thu nhập hàng chục triệu đồng, chị em phụ nữ thị trấn Cái Nước lại tiếp tục cải tạo đất và xuống giống dưa hấu trái vụ. Các giống dưa phổ biến như An Tiêm, Tiểu Long F1…được bà con trồng hiệu quả. 

Đây là loại quả ngon trồng trái mùa ở Cà Mau, nông dân bất ngờ vì bán giá tốt - Ảnh 2.

Dưa hấu vừa hái được cân sẵn để giao cho lái, giá 5 ngàn đồng/kg. Ảnh: Ngô Nhi

Chị Châu Thị Nhung, ở khóm Hữu Trí, thị trấn Cái Nước tận dụng đất bờ vuông nuôi tôm để trồng dưa hấu đã nhiều năm nay. Trung bình 1 năm chị Nhung trồng được 5, 6 vụ dưa, mỗi vụ khoảng 2 tháng. Chị Nhung cho biết: “Ở đây đất mặn nên kinh tế chính là nuôi tôm. Mấy năm nay, lên mạng coi thấy bà con ở vùng mặn trồng được rau màu, dưa hấu hiệu quả nên tôi làm theo để cải thiện kinh tế gia đình. Cách trồng thì mình tự tìm tòi rồi lâu ngày có thêm kinh nghiệm. May mắn là mấy năm nay vụ dưa nào cũng hiệu quả, trái to, đỏ, ngọt, người mua rất thích”.

“Vất vả nhất là khâu tưới nước vì hầu hết dưa đều được trồng ở bờ vuông trên đất mặn. Vào tháng nắng nếu gặp mưa thất thường thì dưa dễ chết vì đất bị phèn. Tôi trồng chủ yếu lấy công làm lời, hạn chế sử dụng thuốc, chăm sóc kỹ, tưới nước thường xuyên, ủ phân từ cỏ làm mát gốc, tạo đất màu mỡ cho dưa phát triển”, bà Nhung chia sẻ kinh nghiệm.

Tiếp nối vụ dưa tết cho thu nhập khá cao, thời điểm này chị Trương Thị Ba, khóm Tân Lập, thị trấn Cái Nước tiếp tục xuống giống 1 công đất trồng dưa hấu. 

Bà Ba cho biết: “Mô hình này đã được gia đình tôi duy trì hơn 10 năm qua. Theo tôi, dưa hấu là loại hoa màu phù hợp với đất và điều kiện thời tiết ở vùng này. Nếu chịu khó trồng, chăm sóc nghiêm túc, bà con nông dân có thể kiếm thêm thu nhập đáng kể. Như gia đình tôi trung bình 1 năm sẽ trồng 3-4 vụ dưa, 1 vụ tôi xuống giống được 700-800 dây, thu nhập khoảng 20 triệu đồng. Ðây là nguồn thu nhập rất ổn định cho hộ gia đình ở nông thôn”.

Chị Bùi Kim Út, Chủ tịch Hội LHPN thị trấn Cái Nước, (tỉnh Cà Mau) cho biết: “Tận dụng đất và thời gian nhàn rỗi, chị em phụ nữ trồng rau màu cải thiện bữa ăn và thu nhập gia đình. Tuy là vùng đất mặn nuôi tôm nhưng nhờ các chị chăm sóc tỉ mỉ nên hoa màu phát triển rất tốt. 

Ðặc biệt, mấy năm qua, dưa hấu được các chị em ưu tiên lựa chọn, có hộ đã duy trì trồng cả chục năm. Do được trồng chủ yếu bằng cách truyền thống, chăm sóc kỹ lưỡng và ít sử dụng phân thuốc nên giá thành, đầu ra ổn định, giúp các chị em phát triển kinh tế gia đình”.

Ngô Nhi - An Kỳ (Báo Cà Mau)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem