Giới chuyên gia cho biết Tổng thống Mỹ Donald Trump dường như vừa gửi "quà năm mới" cho Trung Quốc hôm 31/12, khi tuyên bố sẽ ký thỏa thuận thương mại giai đoạn một "rất lớn và toàn diện" tại Nhà Trắng vào ngày 15/1, sau đó bay tới Bắc Kinh để bắt đầu đàm phán thỏa thuận thương mại giai đoạn hai.
Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung có dấu hiệu hạ nhiệt đáng kể từ giữa tháng trước sau gần hai năm đàm phán, khi Washington quyết định hoãn tăng thuế với 160 tỷ USD hàng Trung Quốc và mức thuế 15% cũng được giảm một nửa. Đáp lại, Bắc Kinh đồng ý mua số lượng lớn nông sản Mỹ và thuế bổ sung với một số mặt hàng Mỹ cũng được hoãn lại.
Giới chức Mỹ cho biết thỏa thuận thương mại giai đoạn một đang trong quá trình đánh giá pháp lý và dịch thuật, bao gồm 86 trang, 9 chương với các nội dung về bảo vệ sở hữu trí tuệ, giảm thuế và cơ chế giải quyết tranh chấp.
Cố vấn Nhà Trắng Peter Navarro hôm 31/12 cũng cho hay thỏa thuận thương mại giai đoạn một "đã sẵn sàng", nói thêm rằng văn bản bao gồm cả những điều khoản được đề xuất trong các cuộc thảo luận trước thời điểm đàm phán sụp đổ vào tháng 5 năm ngoái.
Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Bắc Kinh hồi tháng 11/2017. Ảnh: AP.
Zhu Feng, giáo sư quan hệ quốc tế tại Đại học Nam Kinh, Trung Quốc, tin rằng chuyến công du Bắc Kinh của Trump là một cử chỉ thiện chí nhằm cải thiện quan hệ giữa hai nước.
"Việc trở lại Bắc Kinh sẽ mang lại lợi ích cho Trump", Zhu cho biết, gợi nhắc lần gần đây nhất Tổng thống Mỹ thăm Trung Quốc là hồi năm 2017. "Ông ấy cũng nên mời Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đến Mỹ để vun đắp cho quan hệ Mỹ - Trung".
Giới quan sát đánh giá dấu hiệu hàn gắn với Trung Quốc của Trump có thể giúp ông "ghi điểm" trong cuộc chạy đua vào Nhà Trắng. "Áp lực đối với nền kinh tế Mỹ cũng khiến Trump lo lắng. Ông ấy khao khát bắt đầu đàm phán thỏa thuận giai đoạn hai với Trung Quốc nhằm đưa cuộc xung đột kéo dài xuống thang", Gao Lingyun, chuyên gia tại Học viện Khoa học Xã hội Trung Quốc ở Bắc Kinh, cho hay.
Tuy nhiên, Shi Yinhong, giáo sư quan hệ quốc tế tại Đại học Nhân dân Trung Quốc, nhận định Trump còn có thể tận dụng chuyến thăm này để đòi hỏi ông Tập nhượng bộ thêm, trong khi Trung Quốc vốn đã cảm thấy khó khăn với việc tuân thủ các điều khoản của thỏa thuận giai đoạn một, bao gồm tăng giá trị xuất khẩu của Mỹ sang nước này lên 200 tỷ USD trong hai năm tới.
"Trump có thể nỗ lực sử dụng bầu không khí tích cực được tạo ra nhờ thỏa thuận giai đoạn một để thúc đẩy Trung Quốc nhượng bộ thêm, như yêu cầu mua thêm hàng Mỹ, ngay cả khi nhu cầu nội địa cho những sản phẩm đó không cao, đồng thời thúc giục Bắc Kinh cam kết cải cách cơ cấu kinh tế", Shi cho biết.
Theo giới phân tích, Trung Quốc không có khả năng chấp nhận chiều ý Trump. "Triết lý của các nhà đàm phán thương mại Trung Quốc là xem xét việc bắt đầu đàm phán giai đoạn hai dựa trên kết quả thực hiện thỏa thuận giai đoạn một. Trong khi đó, phía Mỹ muốn tiến hành thỏa thuận giai đoạn một và thảo luận về giai đoạn hai cùng một lúc", Gao cho biết.
Bắc Kinh tới nay vẫn chưa tiết lộ bất cứ chi tiết nào về lễ ký kết thỏa thuận giai đoạn một. Nhiều người suy đoán sự im lặng cho thấy nước này vẫn chuẩn bị cho bất cứ thay đổi nào vào phút chót, trong trường hợp Washington vi phạm tinh thần của thỏa thuận.
Bai Ming, chuyên gia có mối quan hệ gần gũi với Bộ Thương mại Trung Quốc, cho biết các cuộc đàm phán giai đoạn hai sẽ tập trung vào những vấn đề khó giải quyết hơn như trợ cấp nhà nước cho các doanh nghiệp Trung Quốc, chính sách công nghệ cao, dù chúng từng được đề cập trong hàng chục vòng đàm phán trước đây.
Bai nhấn mạnh việc thảo luận "sẽ khá khó khăn nếu Washington kiên quyết kiềm chế Bắc Kinh". Hầu hết chuyên gia cũng hoài nghi về khả năng đạt được thỏa thuận giai đoạn hai trước cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vào ngày 3/11.
"Bất kể điều gì xảy ra với thỏa thuận giai đoạn một, Trump vẫn sẽ không thay đổi cách tiếp cận khi đối phó với Trung Quốc. Ông ấy luôn cố tìm cách buộc Bắc Kinh bỏ ra thêm nhiều thứ nữa", Shi bổ sung thêm.
Jia Qingguo, giáo sư về quan hệ quốc tế tại Đại học Bắc Kinh, cũng đồng tình khi cho rằng chuyến thăm Trung Quốc của Tổng thống Mỹ sẽ giúp quan hệ thương mại giữa hai nước ổn định hơn, nhưng với điều kiện hai bên phải nhất trí những vấn đề trong giai đoạn hai được đàm phán trước chuyến công du của Trump.
"Họ sẽ phải đồng thuận về những điều khoản có thể đạt được trong thỏa thuận thương mại giai đoạn hai. Nếu không có điều nào được nhất trí, chuyến thăm sẽ biến thành trở ngại với Trung Quốc", Jia cho hay, nói thêm rằng những căng thẳng trong một số vấn đề, bao gồm lệnh hạn chế của Mỹ với tập đoàn viễn thông Huawei và các công ty công nghệ Trung Quốc khác, cũng không có khả năng hạ nhiệt sau chuyến công du của Trump.
Giới phân tích cũng như các cựu quan chức Trung Quốc cho rằng việc ký kết thỏa thuận thương mại giai đoạn một chỉ là chuyện sớm muộn, bất kể nó diễn ra ở Trung Quốc, Mỹ hay nước thứ ba. "Đầu tháng một có lẽ là thời điểm tốt bởi hai bên đều sốt sắng với thỏa thuận", cựu thứ trưởng thương mại Trung Quốc Wei Jianguo nói.
Theo Gao, quan hệ thương mại Mỹ - Trung trên thực tế vẫn chưa có sự khác biệt lớn và tình hình khó có thể tiến triển chừng nào hai bên còn chưa sẵn sàng "làm lành". Chuyên gia này nói thêm rằng nhiệm vụ cấp bách hơn là khẩn trương tiến hành các bước nhằm đưa xung đột thương mại chính thức bước vào giai đoạn "đình chiến".
Ánh Ngọc (VNE)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.