Trường Sa: Điều bất ngờ ở “đảo xanh” An Bang

Thành An Thứ ba, ngày 12/02/2019 06:10 AM (GMT+7)
Tại đảo An Bang, PV Báo NTNN đã được Trung úy Trần Văn Tình - Trợ lý hậu cần dẫn đi thăm mô hình tăng gia sản xuất của cán bộ, chiến sĩ trên hòn đảo được coi là nơi có điều kiện tự nhiên, khí hậu khó khăn, khắc nghiệt nhất trên Trường Sa.
Bình luận 0

Vượt sóng, chống gió

Tàu KN-491 sau khi rời đảo Đá Tây di chuyển theo hướng về đảo An Bang - điều này trái ngược với lịch trình. Theo lý giải của Trưởng đoàn, do điều kiện thời tiết thuận lợi nên phải vào An Bang ngay nếu không mấy ngày nữa sẽ có cơn dông không thể vào được. Song, khi tiếp cận gần đảo An Bang cả đoàn phải "neo nghỉ" một ngày vì xuất hiện mưa lớn, sóng biển cuộn trào ầm ầm đánh vào mạn tàu dữ dội.

Trước khi ra Trường Sa, tôi đã được nhiều người "gửi gắm" rằng An Bang là đảo tiếp cận khó nhất trong các đảo ở Trường Sa. Nơi đây điều kiện khí hậu và tự nhiên rất khắc nghiệt, nhiều cơn sóng lớn dữ dội có thể quăng quật thuyền, xuồng xuống đáy biển bất cứ khi nào. Trên bờ nắng cháy da thịt bởi lượng hơi muối cao gấp nhiều lần các đảo khác.

img

 Vườn rau xanh đáng mơ ước ở Trường Sa do cán bộ, chiến sĩ đảo An Bang trồng được. ảnh: Thành An

Hôm sau, sóng biển như chiều lòng người, Chỉ huy trưởng đoàn công tác Thượng tá Nguyễn Xuân Giáp - Phó Chính ủy Lữ đoàn 146, Hải quân Vùng 4 đưa "lệnh" vào đảo nhưng do sóng vẫn lớn nên phải giảm bớt số lượng người trên các xuồng. PV báo NTNN là một trong số người ít ỏi được vào đảo. Cũng vì sóng lớn nên thay vì đi canô như mọi khi, tôi và đoàn công tác phải ngồi xuồng truyền tải để vào.

Hai chiếc xuồng truyền tải được hạ xuống biển, sóng lớn làm xuồng dập dềnh, phải lựa sóng rất lâu xuồng mới tiếp cận được mạn tàu KN-491. Ngay lập tức, một thang gỗ được thả xuống và các thủy thủ tập trung cao độ lựa cho nhịp sóng đẩy lên cao để đỡ, đón người và hàng tết xuống xuồng.

Tôi là người cuối cùng của đoàn vừa bước xuống xuồng từ thang dây thì thủy thủ Đỗ Đăng Đạt hô: "Sóng lớn! Đề nghị mọi người ngồi im, tay bám chặt phía trong thuyền, không đứng lên". Suốt chuyến đi, Đạt cứ nhắc đi nhắc lại, dù mọi người đang cố gắng bám chắc chắn vào xuồng, thậm chí bấu chắc vào nhau bởi sóng lớn dập dềnh lên xuống liên tục. Khoảng 20 phút, rời tàu KN 491 chúng tôi tiến sát mép bờ đảo An Bang cũng là lúc sóng bắt đầu dữ dội hơn và bất ngờ đánh úp vào mạn xuồng, cả khối nước trút thẳng xuống khiến nhiều cán bộ chiến sĩ và nhà báo bị ướt sũng. Lúc này một lực lượng lớn quân đội ở đảo An Bang lao ra dắt xuồng vào bờ, mọi thứ vẫn an toàn. Đại úy Hoàng Hưng Hiếu - Phó Chủ nhiệm hậu cần, Lữ đoàn 146 cho biết: “Chúng ta có mặt ở đây hôm nay là rất may mắn. Không mấy người vào được An Bang vì sóng to, gió lớn. Như thế này là đẹp, thuận lợi lắm đấy”.

Chăm rau còn hơn chăm con mọn

Dọc con đường vào đảo đập vào mắt chúng tôi là vườn rau xanh mướt với các loại như muống, cải, dền, hành, xà 

Ngoài việc trồng cây xanh, cán bộ chiến sĩ đảo An Bang còn sản xuất được đậu phụ bằng máy. Trên đảo còn nuôi và phát triển được rất nhiều lợn. Song, cũng giống như trồng rau, việc nuôi lợn trên đảo cũng gặp vô vàn khó khăn so với đất liền...

lách... Điều này trái hoàn toàn với những gì tôi biết được trước khi ra Trường Sa, bởi mọi người vẫn hay nhắc rằng trồng rau trên Trường Sa khó như trồng cây trên sa mạc bởi điều kiện thời tiết vô cùng khắc nghiệt. Thấy tôi thắc mắc, Trung úy Trần Văn Tình - Trợ lý hậu cần đảo An Bang thừa nhận: "Không chỉ riêng đảo An Bang, rất nhiều đảo khác của quần đảo Trường Sa, việc trồng được rau xanh rất khó nên khi trồng được những luống rau xanh mướt như thế này là rất quý".

Nói đoạn, Trung úy Tình dẫn tôi đi thăm vườn rau của đảo, khu vực trồng rau khoảng 200m2, mỗi loại rau có cách trồng và chăm sóc khác nhau, song rau muống vẫn là rau chủ đạo vì dễ trồng và phát triển nhanh hơn cả. Điều đáng nói rau chủ yếu được trồng trong chậu và đều có gắn biển ghi rõ như phân chia khu vực "chỉ huy trưởng", "pháo...", "chăn nuôi"... khu vực nào rau cũng tươi tốt mơn mởn, gây chú ý nhất chắc hẳn là khu vực trồng rau mùng tơi với những lá to như lá bàng, lá sen.

Trợ lý hậu cần đảo An Bang bảo: Để trồng được vườn rau như hiện nay cán bộ, chiến sĩ trên đảo phải rất kỳ công, chăm rau còn hơn chăm con mọn. Do ở trên đảo không có đất phù hợp để trồng rau, nên phải chuyển từ đất liền ra. Tuy nhiên, lượng đất không nhiều, nếu trồng nhiều chất dinh dưỡng trong đất sẽ giảm, không trồng được rau nên sau mỗi vụ thu hoạch xong, toàn bộ số đất này được phơi khô sau đó trộn với phân để tái sử dụng trồng rau lứa mới. Ngoài việc trồng rau từ hạt, lượng đất này còn được sử dụng để ươm giống để trồng.

Việc chăm sóc rau cũng rất cầu kì, cẩn thận bởi mưa gió thất thường. Khi có mưa cán bộ, chiến sĩ trên đảo phải huy động lực lượng che đậy cẩn thận những cây xanh, đặc biệt là những chậu rau không để nước muối từ biển theo nước mưa làm ảnh hưởng đến cây, gây cháy lá, hỏng cây.

Công đoạn tưới rau cũng phải khoa học, sáng tưới sương để nước muối bám vào rau trôi đi, buổi chiều tưới đậm hơn để cây đảm bảo đủ nước phát triển lá xanh, sạch; nước tưới rau được lấy trong quá trình sinh hoạt hàng ngày của cán bộ chiến sĩ như nước tắm, rửa. Khi trời mưa thì không phải tưới, mưa dài ngày thì phải thông lỗ cho nước thoát ra ngoài tránh ngập, úng rau... Nhiều lúc anh em cán bộ, chiến sĩ phải "bê rau chạy gió" nếu gặp những lúc gió mạnh ở hướng Nam thì nhanh chóng di chuyển những chậu rau về hướng Bắc và ngược lại để tránh hơi muối từ biển bám vào rau.

Thiếu tá Lã Văn Thành - Chỉ huy trưởng đảo An Bang cho hay, việc phát triển rau tại đảo An Bang cũng gặp nhiều khó khăn so với đất liền, rau phát triển chậm, nhiều sâu bệnh, đặc biệt phải đối mặt với hơi muối từ biển kìm hãm sự phát triển của rau nên để có được vườn rau xanh tốt như hiện nay công sức của cán bộ, chiến sĩ trên đảo phải bỏ ra rất nhiều. Theo đó, nếu chăm sóc tốt rau trồng trong vòng 1-2 tháng là có thể thu hoạch được, việc sử dụng rau cũng hết sức tiết kiệm, phải cắt tỉa cẩn thận.

Các cán bộ, chiến sĩ vẫn tự hào rằng rau trên đảo 100% là rau sạch, không phun thuốc hóa học. Trên đảo anh em chiến sĩ vẫn lưu truyền câu chuyện rau sạch đến nỗi, ban đêm số lượng sâu nhiều vô kể. Cán bộ chiến sĩ lập phong trào thi đua bắt sâu vào mỗi buổi đêm. Phong trào nhận được sự hưởng ứng tích cực của anh em trên đảo.

Chúng tôi chào tạm biệt An Bang trước khi cơn giông ập đến. Trên đường xuống xuồng, cán bộ chiến sĩ trên đảo không quên vác thêm nhiều bao tải chứa đầy rau xanh mang lên tàu, bởi theo Trung úy Nguyễn Văn Nam - phụ trách "bếp núc" hiện lượng rau trên tàu đã giảm nên cần bổ sung một phần để anh em có thêm rau tươi, một phần dự trữ để gửi sang các đảo khác hoặc cho những ngư dân đang hoạt động dài ngày trên lãnh hải thuộc chủ quyền nước ta. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem