Ngày tin Nhàn sắp lên xe hoa loan ra là một ngày động trời ở làng Lường. Ở đâu người ta cũng túm tụm để xì xèo bàn tán. Đa phần trong những lời xầm xì to nhỏ đó là của những kẻ vốn có tính hay ghen ăn tức ở và luôn thích dè bỉu, dèm pha người khác là chính. Chỉ có một số ít người trong nhà và những bạn bè thân thích thì tỏ ý mừng cho Nhàn. Họ mừng thực sự vì ai cũng nghĩ Nhàn sẽ phải mãi ở vậy và sẽ trở thành bà cô chết già ở trong nhà... Ở cái làng Lường này, từ xưa đến nay con gái cứ ngoài hai lăm, hai sáu tuổi mà vẫn chưa có chồng thì coi như chắc ế. Vậy mà ở cái tuổi đã ngoài ba mươi lăm thì Nhàn lại có người đến hỏi cưới.
Bố mẹ Nhàn trong thâm tâm dù đang rất muốn con gái mình sớm có được tấm chồng cho giống con nhà người ta, nhưng do thương con nên trước khi gật đầu đồng ý nhà bên kia thì cũng có hỏi dò ý con gái. Nhàn phần vì không muốn hai ông bà già phải lo lắng thêm về mình, phần vì thấy ngoại hình của đối tác cũng sáng sủa, ăn nói lại có phần nhẹ nhàng, lễ phép nên cũng gật đầu đồng ý.
Nhà chồng Nhàn ở bên làng Sái cách làng Lường chỉ hai quãng đồng và một con sông nhỏ. Ông nội của chồng Nhàn ngày xưa thuộc vào dạng giàu có nhất nhì ở trong vùng. Sẵn có tiềm lực về kinh tế nên chồng Nhàn đã sớm ra ngoài làm ăn buôn bán. Chừng hơn chục năm về trước anh đã sang làm ăn tít tận bên Anh quốc. Mấy năm trước, anh gửi tiền về cho bố mẹ thuê người xây cất một ngôi nhà ba tầng to đùng ở giữa mảnh đất rộng hàng ngàn mét vuông. Nhà đất to rộng là vậy nhưng luôn chỉ có hai ông bà già ở với nhau. Chồng Nhàn chỉ có hai chị em, bà chị gái thì lấy chồng ở tận mãi trong Sài Gòn, họ chỉ thỉnh thoảng mới về thăm hai ông bà già được đôi ba ngày rồi lại vội vàng đi ngay vì lý do bận con cái, công việc ở trong đó.
Chồng Nhàn năm đó cũng vừa quá ngưỡng bốn mươi, độ tuổi quá phù hợp với một cô gái lỡ thì như Nhàn. Do là con trai duy nhất lại sẵn có điều kiện nên đám cưới của Nhàn thuộc dạng to nhất làng. Nói chính xác ra thì sự to tát, hoành tráng đó chỉ là ở phía đằng nhà trai mà thôi, họ làm hơn năm trăm mâm cỗ, khách mời đến ăn uống liền tù tì trong ba bốn ngày.
Sau cưới chừng một tuần, chồng Nhàn phải bay gấp sang Anh để tiếp tục công việc, vậy là Nhàn suốt ngày chỉ quanh quẩn ở nhà cùng với bố mẹ chồng. Vợ chồng mới cưới đã phải cách xa khiến Nhàn cũng thấy chạnh lòng song cũng chỉ biết im lặng đồng ý.
Đêm trước ngày lên đường, sau khi vợ chồng ân ái xong, chồng có nói với Nhàn: "Bố mẹ anh giờ già cả rồi, họ lại không muốn rời xa quê cha đất tổ… Thôi thì cố đợi đến khi cả bố mẹ khuất núi, anh sẽ đón em qua bên đó với anh... Nước Anh đẹp lắm...!". Những lời thủ thỉ đó là động lực để giúp Nhàn vượt qua nỗi cô đơn trong những đêm thanh vắng.
Con người ai cũng sẵn có tính ích kỷ, tính toán cho riêng mình. Sự ích kỷ khiến trong đầu Nhàn thỉnh thoảng lại có một ý nghĩ đen tối là mong cho bố mẹ chồng mình chóng chết, chết thật nhanh... vì chỉ khi họ chết hết thì cô mới sớm được đoàn tụ với chồng. Mỗi lần ý nghĩ xấu xa kia xuất hiện trong đầu đều khiến Nhàn lại ứa nước mắt.
Đó chỉ là ý nghĩ thoảng qua trong đầu Nhàn vào những đêm trằn trọc, thao thức vì nhớ chồng. Thực tế ngoài đời thì Nhàn luôn chăm sóc bố mẹ chồng hết mình. Đôi khi cô còn nhìn thấy sự biết ơn từ ánh mắt, nét mặt hài lòng của hai ông bà.
Nhưng mỗi khi đêm về, dẫu Nhàn đã cố tình không muốn nghĩ đến và luôn bị dằn vặt ngay sau đó, nhưng cái ý nghĩ xấu xa kia lại cứ thường xuyên xuất hiện với mức độ ngày càng dày thêm khiến hầu như đêm nào chiếc gối cũng bị ướt đẫm bởi nước mắt.
* * *
Nhàn là con út trong gia đình có bốn chị em gái. Do tư tưởng trọng nam khinh nữ thời đó nên bố mẹ Nhàn đã phải cố để đẻ cho bằng được một cậu con trai. Chỉ đến khi đẻ đến đứa thứ tư vẫn tòi ra con gái thì bố mẹ Nhàn mới quyết định dừng lại.
Nhàn sinh ra đúng vào thời kỳ cả nước cùng đói kém, nhà nào cũng phải làm quần quật cả ngày mà vẫn thiếu ăn, thiếu mặc. Thế nên ngay khi sinh ra, bố mẹ bèn đặt tên con họ là Nhàn để hi vọng cuộc đời nó sẽ được nhàn hạ sung sướng.
Thiếu ăn ngay từ khi còn nằm trong bụng mẹ lẫn khi đã ra đời khiến thể trạng Nhàn lúc nào cũng còi cọc, ốm yếu. Từ bé đến lớn không năm nào là hai mẹ con Nhàn không phải vào ra bệnh viện huyện một đôi lần.
Do thể trạng ốm yếu nên Nhàn thường phải chịu thua thiệt trong các trò chơi ganh đấu với bạn bè. Nếu có trò chơi trò gì đó mà cần phải chia ra làm hai phe nhóm thì chẳng có đứa nào thích ở cùng nhóm với một người ốm yếu, ẻo lả như Nhàn. Vậy nên chấp nhận sự thua thiệt đã âm thầm thẩm thấu, len lỏi và hình thành nên tính cách của Nhàn từ thuở bé.
Ốm yếu, bệnh tật khiến sức học của Nhàn cũng dần dần sa sút, năm nào cũng lẹt đẹt đứng ở cuối lớp. Nếu không phải nhờ vào nhận xét ngoan ngoãn và hiền lành của các thầy cô thì Nhàn đã bị đúp đến mấy bận. Sau này nhiều lúc nghĩ lại Nhàn phải thầm bật cười vì cái suy nghĩ của thầy cô lúc đó, họ đâu biết rằng Nhàn cũng chỉ vì bất đắc dĩ mà phải ngoan, phải hiền như vậy. Nếu mà trời cho được khỏe mạnh bình thường như chúng bạn thì tính cách của Nhàn cũng sẽ khác, đó là điều chắc chắn. Nhàn luôn mong muốn được nghịch ngợm và hư hỏng nhưng lại không thể.
Học xong lớp 12, biết sức học của mình cũng làng nhàng nên Nhàn không thi đại học mà khăn gói lên thành phố xin làm công nhân trong một khu công nghiệp. Thu nhập của những người công nhân chủ yếu trông chờ vào tăng ca, thêm giờ nên hôm nào cũng tối mịt Nhàn mới về đến phòng trọ. Cuộc sống công nhân tuy có vất vả là vậy nhưng dù sao cũng vẫn đỡ cực hơn là làm ruộng ở quê.
Chẳng có mấy thời gian rãnh rỗi để có thể giao lưu, kết bạn, tạo dựng các mối quan hệ nên đến ngoài ba mươi mà Nhàn vẫn còn độc thân. Đấy là Nhàn nghĩ ra lý do như vậy để tự an ủi cho bản thân mình, chứ thực tình thì Nhàn biết nguyên nhân chính là do mình xấu... Không đúng! Phải nói là quá xấu thì mới chính xác.
Nhàn lờ mờ biết rằng mình xấu khi bắt đầu bước vào cấp 3, khi đó phần tâm hồn thiếu nữ ít ỏi ở trong con người Nhàn cũng phát triển đến giai đoạn đủ tinh tế để có thể nghe được những lời thì thầm to nhỏ của đám bạn trai cùng lớp phát ra từ phía sau lưng mình.
Nhưng Nhàn chỉ biết chắc chắn rằng mình rất xấu vào một ngày chợt phát hiện ra những đứa bạn gái vốn chơi rất thân với nhau từ nhỏ bỗng tự nhiên tỏ ra không còn thân thiết như thuở nào. Nhàn bắt đầu phải đánh đổi thêm nhiều sự thua thiệt khác để đổi lấy việc duy trì mối quan hệ bạn bè.
Đời công nhân vất vả nhưng trôi qua rất nhanh, những người thuê chung phòng trọ với Nhàn cứ liên tục thay đổi, đứa này vừa ra thì lại có đứa khác thế vào. Nhàn nhẩm tính ra thì thấy đứa nào ở lâu nhất cũng chỉ tầm dăm ba năm là cũng lấy chồng rồi chuyển ra ngoài sống. Bình quân chỉ cần ba năm là quá đủ cho một cô gái từ lúc chân ướt chân ráo bước từ quê ra thành phố, bắt đầu làm công nhân, tạo dựng các mối quan hệ, lựa chọn và tiến tới quyết định kết hôn với một người đàn ông. Vậy mà với riêng Nhàn, đã mười lăm năm trôi qua, quãng thời gian dài gấp năm lần của một người bình thường nhưng cô vẫn một mình lẻ bóng.
Sống với hàng chục bạn trọ trong nhiều năm nên Nhàn tự rút ra được một điều là những người con gái xinh đẹp thì có thể ốm yếu cũng được. Vì khi họ ốm hoặc chỉ mới nhức đầu, sổ mũi tí chút thì sẽ có người đến thăm nom hỏi han. Còn đã là con gái xấu xí thì phải luôn luôn khỏe mạnh, không được phép ốm vì có ốm cũng chỉ có một mình nằm một chỗ mà khóc cho đến khi tự khỏi thì thôi. Nhàn biết vậy nên luôn có ý thức phải giữ gìn sức khỏe cho bản thân mình.
Nhưng sức khỏe con người thì đâu phải cứ muốn có là có và muốn giữ là được. Một lần về quê lên phải đi xe buýt về nơi thuê trọ, hôm đó Nhàn phải khệ nệ xách một chiếc túi to đùng bước lên xe rồi đứng chôn chân giữa một đám đàn ông có đủ cả già lẫn trẻ đang ngồi trên ghế. Sức yếu lại do vừa bị say xe trước đó nên Nhàn chỉ thầm mong có một người đàn ông nào đó tử tế đứng dậy nhường chỗ cho mình. Song tất cả những người đàn ông hôm đó đều cố tình lờ đi trước ánh mắt gần như van xin của Nhàn. Khi xe chạy được cả chục cây số rồi thì Nhàn không còn trông mong gì vào sự tử tế của đám đàn ông kia nữa. Họ gật gà ngủ hoặc cố tình giả vờ ngủ để không phải để ý đến một cô gái yếu đuối đang muốn xỉu đi về mệt. Nhàn thất vọng nghĩ "Đúng là một lũ đàn bà trong hình hài đàn ông". Nhưng Nhàn nhanh chóng biết rằng mình đã nhầm, ngay ở bến tiếp theo, khi xe dừng lại và có một cô gái cao ráo, trắng trẻo vừa mới bước chân lên xe buýt thì cả năm, sáu người đàn ông quanh đó vụt đứng dậy cùng lúc để nhường chỗ khiến cô gái kia cũng phải bối rối mất một lúc vì không biết lựa chọn ghế nào. Nhìn thấy cảnh tượng lúc đó khiến Nhàn thấy chạnh lòng xót xa và mỗi khi nhớ lại thì cô lại có cảm giác bị tổn thương ghê gớm. Sau hôm đó Nhàn tự đưa ra một kết luận là: Đàn ông bị mù hoàn toàn trước những người con gái xấu và đã là con gái xấu thì phải có sức khỏe để có thể tự lo được mọi việc chứ không thể trông chờ vào sự giúp đỡ của đàn ông.
Nhàn thường nghe nói con gái lớn tuổi mà chưa lập gia đình thường hay bị bố mẹ thúc giục chuyện chồng con. Nhưng bố mẹ cô thì không bao giờ nhắc đến chuyện đó. Nhàn đủ tinh tế để nhận thấy những ánh mắt lo lắng, thương cảm từ bố mẹ và biết rằng họ không giục chuyện đó không có nghĩa là họ có tư tưởng tiến bộ gì. Mà chẳng qua họ biết, với nhan sắc của con gái mình thì dẫu có giục nữa, giục mãi thì con gái họ cũng không thể có được một tấm chồng tử tế. Còn nếu chịu đánh đổi để lấy đại một người nào đó làm chồng thì họ cũng không muốn.
Tưởng cuộc sống đời người công nhân cứ thầm lặng trôi qua theo tháng ngày cho đến khi đủ tuổi nghỉ hưu, khi đó Nhàn sẽ về quê sống với bố mẹ. Nhưng làm công nhân được tròn mười lăm năm thì Nhàn bỗng nhận được quyết định cho thôi việc. Công ty cho cô nghỉ việc với lý do cắt giảm lao động, song cô và bạn bè đều biết lý do thực sự mà những người phụ nữ ngoài ba mươi tuổi bị cho thôi việc là để công ty tuyển vào một lớp công nhân mới trẻ tuổi hơn vì người trẻ vừa nhanh nhẹn lại dễ dàng chấp nhận một mức lương thấp hơn.
Vậy là Nhàn khăn gói từ thành phố về quê, quay trở lại với công việc làm ruộng khi đã gần ba mươi lăm tuổi.
* * *
Nhà chồng vốn từ lâu đã không còn làm ruộng nên từ ngày về làm dâu, Nhàn không phải trồng cấy gì cả. Hàng ngày cô chỉ có việc đi chợ, cơm nước, giặt giũ và chăm sóc cho hai ông bà già. Công việc tuy không vất vả như làm ruộng nhưng nó cũng cuốn Nhàn theo từ sáng cho đến tối.
Thỉnh thoảng cũng có được chút thời gian rảnh rỗi, mỗi khi như vậy Nhàn lại chạy qua nhà mẫu giáo của làng vừa phụ giúp hai cô giáo, vừa chơi với lũ trẻ con. Nói là nhà mẫu giáo cho oai chứ thực ra nó chỉ là một cái nhà kho cũ của hợp tác xã ngày trước. Lớp học chỉ rộng chừng hai chục mét vuông mà có tới gần ba chục đứa trẻ từ một đến năm tuổi. Lũ trẻ con ở quê bao giờ cũng nghịch nên hai cô giáo lúc nào cũng phải đánh vật với bọn chúng.
Thanh niên trai gái trong làng hầu như cứ học hết lớp 12 thì dắt díu nhau lên hết thành phố, đứa đi học đứa đi làm. Câu nói "Giàu nhà quê không bằng ngồi lê thành phố" lúc nào cũng đúng, nên thanh niên trong làng chỉ thấy đi thì lắm mà ít thấy người về. Đám thanh niên ra ngoài chừng vài ba năm thì đứa lấy vợ, đứa lấy chồng, chúng sinh con, đẻ cái rồi gửi con về quê cho các ông bà nuôi nấng. Nhiều cô gái nhẹ dạ phải làm mẹ đơn thân cũng gửi cháu về cho ông bà ngoại chăm nom. Vậy nên thanh niên trong làng thì chẳng thấy có nhưng trẻ con thì vẫn cứ nhiều.
Thời của Nhàn ngày trước thì làm gì được đi học mẫu giáo, trẻ con cứ đến sáu tuổi là tự động vào học lớp một trường làng. Nhưng giờ đã khác, lũ trẻ phải học mầm non, mẫu giáo rồi mới được vào tiểu học. Bậc học thay đổi nhưng cơ sở vật chất thì chưa theo kịp nên ba chục đứa trẻ con trong làng vẫn chỉ học chung trong một phòng học nhỏ tạm bợ.
Với Nhàn thì chỉ có những lúc được chơi đùa với lũ trẻ con là khoảng thời gian vui nhất. Cô như được sống lại với những ký ức tuổi thơ của chính mình. Nhưng sau đó mỗi khi đêm về, những hình ảnh của đám trẻ con khi chúng chơi, chúng ăn, chúng cười... lại mang đến cho Nhàn một cảm giác buồn bã, chạnh lòng. Mỗi khi như vậy, Nhàn luôn thầm ước chồng mình sớm về và cô sẽ sớm có được một đứa con của chính mình.
Nhàn những tưởng chồng mình chỉ đi lâu chừng dăm tháng, cùng lắm là một năm sẽ về thăm nhà, ai ngờ anh đi một lèo đến gần năm năm mới có một lần về. Lần đó cũng chính là ngày mẹ chồng Nhàn mất. Tang lễ cho mẹ xong xuôi anh lại hớt hải quay trở lại Anh quốc. Trước khi đi chồng lại thủ thỉ rót vào tai Nhàn "Chỉ còn mỗi bố nữa thôi, em cố gắng chịu đựng nhé...!".
Bằng câu dặn dò chân tình đó, Nhàn tiếp tục ở lại chăm sóc bố chồng. Sau khi vợ mất, sức khỏe bố chồng Nhàn suy sụp nhanh chóng, ông ốm đau liên miên. Đôi lúc Nhàn dằn vặt tự trách mình bởi cô cho rằng những ý nghĩ đen tối, xuất hiện trong nhưng đêm khuya thanh vắng của mình đã góp phần làm cho ông già sinh bệnh.
Sau một cơn đột quỵ thì bố chồng Nhàn phải nằm bẹp trên giường, mọi chăm sóc cơm ăn, thuốc uống hàng ngày đều đổ dồn lên đôi tay bé nhỏ của Nhàn. Cũng may chồng cô thường xuyên gửi tiền và gọi điện nhắn nhủ, động viên khiến Nhàn có đủ sức khỏe và nghị lực để mà chăm nom cho ông cụ.
Bố chồng tuy nằm một chỗ song đầu óc thì vẫn còn tỉnh táo. Mỗi khi nhìn con dâu hết lòng chăm sóc mình, ông lại ứa nước mắt. Dẫu không phải là người tinh tế song Nhàn vẫn thấy rõ sự thương cảm, xót xa từ trong ánh mắt của bố chồng dành cho mình. Được bố chồng đồng cảm, thấu hiểu khiến Nhàn cũng cảm thấy ấm lòng.
Ba năm sau thì bố chồng Nhàn cũng mất. Trước lúc nhắm mắt, ông cố gom góp chút sức tàn tạ cuối cùng của mình mà nắm chặt lấy bàn tay Nhàn rồi phều phào trong nước mắt "Bố xin lỗi... con...".
Nhàn có cảm giác lúc đó ông phải thật khó khăn lắm thì mới có thể thốt được từ CON ra khỏi cửa miệng. Nhàn còn chưa kịp hỏi lại lý do vì sao lại phải xin lỗi mình thì ông đã trút ra hơi thở cuối cùng.
* * *
Gia đình chị gái chồng Nhàn về sớm hơn do ở gần. Chồng Nhàn cũng bay về gấp ngay sau khi biết tin bố mất. Có điều anh ta không về một mình mà dẫn theo một người đàn bà và hai đứa trẻ một trai, một gái đều tầm trên mười tuổi.
Nhàn như muốn ngất xỉu ngay khi chồng bước đến gần rồi ghé sát vào tai mình nói nhỏ nhưng gằn lên từng lời:
- Tôi đưa vợ con về chịu tang ông cụ... Cô đừng làm to chuyện... có gì xong xuôi hết hãy nói chuyện...
Chẳng cần đợi hết tang lễ của ông cụ, qua lời thầm thì, xì xèo của mọi người tới tai mình thì Nhàn đã biết. Hóa ra anh ta hỏi cưới Nhàn về bên này chỉ nhằm mỗi một mục đích duy nhất là để chăm sóc cho hai ông bà già đang trong giai đoạn gần đất xa trời.
Bao nhiêu suy nghĩ rối ren xuất hiện trong đầu Nhàn. Lúc này Nhàn mới lờ mờ hiểu tại sao ông cụ trước lúc lâm chung lại nói lời xin lỗi mình, chứng tỏ ông già cũng đã biết đến việc này... Nhàn nghĩ vậy thì uất nghẹn không nói nên lời mà chỉ thầm kêu lên trong đầu:
- Trời ơi...! Trên thế gian này có kẻ nào đểu giả đến thế này không...? Sao số tôi lại khốn nạn thế này chứ...?
Nhàn định bỏ về nhà đẻ ngay khi biết được sự lừa rối của gia đình chồng. Song sau một hồi đấu tranh tư tưởng, nghĩ đến cảnh ngày xưa chính ông già cũng đã sang tận nhà bố mẹ đẻ của mình để hỏi cưới nên Nhàn tặc lưỡi: Dẫu sao nghĩa tử cũng là nghĩa tận!
Đám tang ông già đông hơn thường lệ, người ta đến viếng vì thương xót cho người chết thì ít mà đến vì tò mò với hành xử của những người đang sống thì nhiều. Nhưng tất cả đều phải ra về trong thất vọng vì đám tang vẫn diễn ra một cách bình thường như bao đám tang khác.
Nhàn khóc nức nở trong suốt thời gian tang lễ cho ông già, nhưng cô không khóc để tiếc thương cho ông ấy mà chỉ khóc vì thương cảm cho số phận hẩm hiu, cay đắng của chính đời mình. Qua màn nước mắt, Nhàn có thể nhìn thấy rõ được sự thương hại toát ra từ ánh mắt của những người đến viếng.
Hai ngày sau thì tang lễ ông cụ đã xong. Chồng và con bà chị gái cũng phải về Sài Gòn trước do đã phải nghỉ quá nhiều. Sau khi khách khứa vừa ra về hết thì một cuộc họp nhanh chóng được hai chị em chồng Nhàn tổ chức. Nhàn nghĩ mình chẳng còn gì liên quan tới họ nên định bỏ về bên nhà đẻ thì bà chị chồng chạy ra gọi bắt phải vào cùng dự họp. Bà chị chồng là người mở lời đầu tiên:
- Ông bà giờ mất cả rồi! Vậy cậu định thế nào?
- Chị nói định đoạt cái gì cơ?
- Thì tôi hỏi chuyện đất cát ông bà để lại đấy... giờ cậu định xử lý thế nào?
Chồng Nhàn tỏ vẻ chưa hiểu hỏi lại:
- Chị hỏi vậy là sao?
- Ông bà có mỗi tôi và cậu. Nếu mảnh đất mà nhỏ thì tôi chẳng nói làm gì. Nhưng mà mảnh đất này rộng không dưới bảy ngàn mét vuông... Tôi phải có phần... Vậy cậu định thế nào...?
Người đàn bà theo chồng Nhàn về chịu tang vội nói xen vào:
- Chị là phận đàn bà, lại lấy chồng xa... đòi đất đòi cát để làm gì?
- Cô là người ngoài! – Chị chồng Nhàn vội dằn mặt - Cô không được có ý kiến về việc này...
- Sao tôi không được có ý kiến...? – Chị kia trừng mắt vặc lại – Tôi là vợ của em trai chị... là con dâu của ông bà đấy...
- Con dâu ư...? Ai chấp nhận...?
- Cần gì ai...? Chỉ có pháp luật chấp nhận thôi!
- Nhàn...! – Bà chị chồng quay ngoắt sang nhìn Nhàn hỏi – Cô có giấy đăng ký kết hôn không?
Tưởng đâu đã chắc chắn bị ế đến chết già, vậy mà bỗng nhiên lại có người đến hỏi cưới khiến Nhàn cùng người nhà cô quên mất một việc quan trọng là tờ giấy đăng ký kết hôn. Nhàn cũng có nghĩ đến việc đó, song với tâm lý mặc cảm mình là người ở cửa dưới nên cũng không dám lên tiếng đòi hỏi. Sau đám cưới hoành tráng do nhà trai tổ chức, lại cộng với sự thương yêu quý mến của cả bố mẹ chồng dành cho mình, thì Nhàn càng thêm phần nể phục và tin tưởng hoàn toàn vào nhà chồng, nên quên hoàn toàn việc phải đi đăng ký kết hôn. "Mà có thì cũng chẳng để làm gì!", Nhàn nghĩ vậy vì vốn chịu thiệt thòi từ bé nên không quen với việc phải đòi hỏi một điều gì đó cho riêng mình.
Thấy Nhàn lắc đầu, bà chị quay lại nhìn hai người kia hỏi:
- Thế cô có giấy đăng ký kết hôn không?
- Sao không...? Tôi biết sẽ có người hỏi nên có mang về đây nếu chị muốn xem...
Đến lúc này Nhàn mới lờ mờ hiểu ra vấn đề, hóa ra mục đích của cuộc họp này là để tranh giành quyền thừa kế mảnh đất mà hai ông bà già để lại.
Nghĩ mình không cần phải ở lại để tham gia tranh cãi với đám người này, Nhàn lẳng lặng bỏ ra ngoài rồi lấy xe chạy thẳng về nhà bố mẹ đẻ. Vừa đi Nhàn vừa nghĩ: "Đúng là một lũ khốn nạn...! Bố vừa mới nằm xuống đã cãi nhau để tranh chia đất cát...".
***
Tin giật gân trong làng truyền đi nhanh hơn cả mạng xã hội. Ngay hôm chồng Nhàn đưa vợ con anh ta về chịu tang bố đẻ thì ở bên này bố mẹ Nhàn cũng đã nhanh chóng biết rõ đầu đuôi mọi việc. Họ cũng cũng uất hận, nghẹn ngào không nói nên lời. Tủi nhục, xấu hổ, nỗi ê chề… khiến cả hai ông bà đều không dám bước ra khỏi nhà kể từ lúc biết tin.
Chỉ sợ con gái nghĩ quẩn mà làm điều dại dột nên khi thấy con gái về, hai ông bà cùng chạy ào ra đón. Ba người lặng lẽ dìu nhau vào nhà mà chẳng ai nói ra một lời nào. Nhàn xin phép bố mẹ đi nghỉ sớm rồi vào buồng nằm. Đến lúc này Nhàn đã cạn khô nước mắt nên không thể khóc dẫu rất muốn.
Tầm gần trưa hôm sau thì bà chị chồng Nhàn tìm tới. Hai ông bà già tuy trong lòng đang rất căm ghét người nhà của thông gia song vẫn cố phải kìm lòng ngồi tiếp khách để giữ phép lịch sự.
Nhàn gượng dậy bước ra nhìn bà chị chồng hỏi:
- Chị tới tìm tôi có việc gì nữa?
- Hôm qua chị tưởng cô có cái giấy đăng ký kết hôn...
- Có thì để làm gì chứ...! – Nhàn chua xót nói.
- Cô bình tĩnh nghe chị nói đã... Chị tưởng có thì đòi thêm phần cho cô...
- Tôi đâu cần đất cát...
- Cô phải có phần chứ...! Dẫu pháp luật không công nhận cô là vợ thằng Khánh nhưng đã có bố mẹ chị và anh chị công nhận... Chị biết cô đang căm giận thằng Khánh, anh chị cũng rất tức giận khi biết nó lợi dụng cô như vậy...
- Anh chị không biết thật sao?
- Có thể cô không tin, nhưng việc anh chị không biết đến âm mưu của thằng Khánh hoàn toàn là sự thật...
Bà chị chồng Nhàn nói đến đây thì thò tay vào trong túi xách lấy ra một tờ giấy gấp đôi đặt lên mặt bàn rồi nhìn Nhàn nói:
- Đây là phần quyền lợi con dâu của cô...
- Nó là cái gì vậy?
- Mười sào đất thổ cư...
- Tôi không nhận đâu...
- Dẫu cô không nhận thì nó vẫn là của cô… cô muốn làm gì với nó thì làm… Sáng nay chị đã ra xã làm công chứng chuyển giao toàn quyền sử dụng hết cho cô rồi... Thôi chị đi đây...! – Bà chị chồng Nhàn đứng lên rồi nói thêm - Một lần nữa chị thay mặt cả linh hồn của hai ông bà để xin cô tha lỗi vì cái tội của thằng Khánh.
Bà chị chồng đi được một lúc mà Nhàn vẫn ngồi tần ngần nhìn ra cửa. Nhàn chỉ bừng tỉnh khi nghe giọng bố hỏi:
- Vậy giờ con định tính sao...?
Nhàn không vội trả lời bố, những hình ảnh rút gọn cuộc đời Nhàn lần lượt lướt qua trong đầu như một bộ phim được phát ở tốc độ nhanh. Hình ảnh bọn trẻ con trong lớp mẫu giáo xuất hiện rồi đột nhiên dừng lại khiến Nhàn nhanh chóng đưa ra được câu trả lời.
- Con nghĩ rồi! Con chẳng dùng đến đất cát nhà họ làm gì… Nhưng con vẫn lấy, con sẽ hiến đất cho xã để xây trường mẫu giáo cho bọn trẻ con…
Tin cùng chủ đề: Thi viết truyện ngắn Làng Việt thời hội nhập
Vui lòng nhập nội dung bình luận.