Nuôi tôm thẻ chân trắng trên cát công nghệ cao, nông dân tỉnh Thừa Thiên Huế bất ngờ thu tiền tỷ
Huế: Xôn xao chuyện "nuôi nước" trước khi nuôi tôm, nông dân ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao này đút túi tiền tỷ
Văn Hòa
Thứ ba, ngày 02/11/2021 19:02 PM (GMT+7)
Nhờ ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao cộng với kinh nghiệm nuôi tôm lâu năm, nhiều nông dân ở xã Phong Hải (huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế) thu về hàng tỷ đồng mỗi năm bằng mô hình nuôi tôm trên cát. Đặc biệt, đối với mô hình nuôi tôm công nghệ cao thì phải "nuôi nước" trước khi nuôi tôm. Thực hư chuyện này thế nào?
Công nghệ cao-chìa khóa để nông dân Thừa Thiên Huế đột phá với nghề nuôi tôm
Bắt đầu nuôi tôm từ năm 2007, anh Trương Đình Trung (trú thôn Hải Thành xã Phong Hải, huyện Phong Điền) là một trong những người tiên phong phát triển nuôi tôm ở xã Phong Hải.
"Sau khi học xong trung cấp lý luận chính trị, tôi về công tác ở Xã đội Phong Hải. Nhưng vì kinh tế gia đình khó khăn, thu nhập lúc ấy không đủ trang trải cho cuộc sống nên tôi quyết tâm kiếm một công việc khác tốt hơn", anh Trung tâm sự.
Nhận thấy điều kiện ở Phong Hải phù hợp cho việc phát triển nuôi tôm, anh Trung mạnh dạn đầu tư 4 hồ nuôi với diện tích hơn 10.000 m2.
"Vụ tôm đầu tiên, tôi thu được gần 2 tỷ đồng tiền lãi. Thời gian từ lúc xử lý môi trường, lắp đặt thiết bị và thả nuôi đến khi thu hoạch tôm trong vòng 6 tháng", anh Trung kể.
Anh Trung chia sẻ: "Nghề nuôi tôm này "phiêu" lắm, đỏ thì thu tiền tỷ mấy chốc, lỡ đen thì bể nợ, ra đê ở mấy hồi. Trong xã, trước đây hầu như nhà nào cũng có hồ nuôi, nhưng đến nay chỉ còn hơn phân nửa".
Theo anh Trung, nuôi tôm là "nuôi nước", tức người nuôi phải tạo môi trường nước trong hồ nuôi với các chỉ số sinh hóa tốt nhất, phù hợp với con tôm. Việc này hết sức quan trọng, ảnh hưởng lớn đến năng suất mỗi vụ nuôi.
Theo ông Kháng, có những vụ nuôi thuận lợi ông thu về hơn 15 tấn tôm mỗi hồ. Với giá thành 230.000 đồng/kg, ông đạt lợi nhuận từ 1,9 - 2 tỷ đồng. Năm nào gặp biến cố, nuôi được ít vụ thì ông thu lãi từ 600 - 700 triệu đồng.
Theo kinh nghiệm của ông Kháng, nuôi tôm trước hết phải chọn con giống khỏe mạnh, sau đó đến môi trường, trong đó con giống quyết định đến 70% mức độ thành công của vụ nuôi.
Ông Kháng cho biết, tôm dễ phát bệnh khi ở thời điểm từ 20 - 30 ngày thả nuôi, thời gian từ tháng 2 đến tháng 4 cũng là lúc tôm dễ nhiễm các bệnh do thời tiết.
"Nuôi tôm không khó, nhưng phải tỉ mỉ từng chút một. Môi trường nuôi tôm là khu vực chung nên mỗi hộ nuôi phải liên kết với nhau. Nếu một hồ có bệnh nhiều hồ sẽ bị lây nhiễm nên khi phát hiện bệnh dịch thì phải kết hợp để xử lý cả khu vực rộng, như vậy mới hiệu quả", ông Kháng nói.
Clip: Anh Trương Đình Trung gia cố lại hệ thống nâng của máy quạt oxy tại hồ nuôi tôm. Video: Văn Hòa.
Ông Kháng cho biết thêm, sai lầm mà ông thấy nhiều người nuôi tôm mắc phải đó là việc cho tôm ăn. Theo ông, có những giai đoạn tôm ăn được rất ít và có giai đoạn tôm ăn nhưng không lớn, vì vậy cần phải tính kỹ lượng thức ăn dùng mỗi giai đoạn cho tôm.
Theo cách cho tôm ăn của ông Kháng, với hồ nuôi 1 triệu con tôm thì lượng thức ăn cần bỏ ra là 3 tấn. Giai đoạn tôm ít sinh trưởng mỗi lần ăn chỉ cần thả khoảng 25-30kg thức ăn.
Nhờ cách nuôi tôm thông minh, áp dụng các phương pháp hay vào mô hình nuôi tôm của mình, ông Võ Như Kháng và anh Trương Đình Trung đã được Hội Nông dân Việt Nam công nhận là nông dân sản xuất kinh doanh giỏi cấp Trung ương giai đoạn 2016-2020.
Ông Trương Diên Hùng- Chủ tịch Hội Nông dân huyện Phong Điền (tỉnh Thừa Thiên Huế) cho biết: Qua tổng kết hoạt động nuôi trông thủy sản nửa đầu năm 2021, huyện Phong Điền có 90,41ha diện tích nuôi tôm, sản lượng đạt 4.000 tấn. Nuôi tôm đầm phá đạt 25 tấn/26,3 ha.
Để giúp bà con nông dân nâng cao hiểu quả nuôi tôm, huyện đã thường xuyên rà soát điều chỉnh bổ sung quy hoạch nuôi trông thuỷ sản tại các địa phương ven biển, quản lý chặt chẽ hoạt động nuôi trồng thuỷ sản, đồng thời thực hiện hiệu quả các chính sách hỗ trợ nuôi trồng thuỷ sản hiện hành...
Vui lòng nhập nội dung bình luận.