TTVN – để không lạc lối ở Olympic (Bài 5): Tiền chỉ là… nguyên nhân nhỏ!
TTVN – để không lạc lối ở Olympic (Bài 5): Tiền chỉ là… nguyên nhân nhỏ!
Chính Minh
Thứ sáu, ngày 06/08/2021 10:10 AM (GMT+7)
Trao đổi với Dân Việt sau thất bại của TTVN tại Olympic Tokyo 2020, bình luận viên Trương Anh Ngọc nói: "Có lý do từ Covid-19, kinh tế khó khăn nhưng theo tôi đó chỉ là nguyên nhân nhỏ".
Theo dõi rất sát bước đi của đoàn Thể thao Việt Nam (TTVN) tại Olympic Tokyo 2020 trong mối tương quan với các đoàn thể thao trong khu vực Đông Nam Á, châu lục và thế giới, bình luận viên Trương Anh Ngọc nói:
"Chỉ so với các nước Đông Nam Á, TTVN đã thua từ số lượng VĐV dự Olympic Tokyo. Cụ thể, TTVN chỉ có 18 VĐV ở 11 môn, trong đó Thái Lan có 41 VĐV ở 15 môn. Tiếp theo là Malaysia (30 VĐV), Indonesia (28), Singapore (23), Philippines (19).
Việc các nước Đông Nam Á cụ thể là Indonesia (1 HCV đôi nữ cầu lông, 1 HCB, 3 HCĐ cử tạ), Philippines (1 HCV cử tạ - tấm HCV Olympic đầu tiên sau 97 năm dự Thế vận hội, 1 HCB, 1 HCĐ), Thái Lan (1 HCV taekwondo, 1 HCĐ), Malaysia (1 HCĐ cầu lông đôi nam) có huy chương khiến mình chạnh lòng".
BLV Trương Anh Ngọc cũng chia sẻ với những khó khăn mà các VĐV phải đối mặt trong quá trình chuẩn bị cho Olympic Tokyo: "Tôi có dịp tiếp xúc với một số VĐV dự Olympic và tất cả đều nói năm nay "khó khăn lắm anh ạ! Vì Covid nên không được đi ra ngoài, thậm chí tập chay luôn".
Về kinh phí, cũng không biết chính xác con số đầu tư trọng điểm cho Olympic là bao nhiêu nhưng có người trong ngành cũng chia sẻ là thấp hơn những năm trước. Cụ thể, chế độ ăn hàng ngày đã được đề xuất nâng lên từ trước khi Covid-19 bùng phát nhưng cũng không được duyệt. Chế độ ăn 320 nghìn đồng/ngày không đủ dinh dưỡng chứ đừng nói tới thuốc men".
Khi Dân Việt đặt vấn đề về kinh tế khó khăn cũng như những ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 có phải là nguyên nhân chính khiến TTVN trắng tay tại Olympic Tokyo 2020 hay không, bình luận viên Anh Ngọc bày tỏ quan điểm:
"Tôi muốn đề cập tới câu chuyện về một đất nước bé tí như Kosovo mới được hơn 100 nước trên phạm vi quốc tế công nhận mà người ta đã có 2 HCV judo. Một ví dụ khác, đất nước có gần 30 nghìn dân là San Marino mà còn đoạt 2 HC bắn súng.
Nghĩa là những ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, kinh tế khó khăn chỉ là những nguyên nhân nhỏ trong thất bại của TTVN tại Thế vận hội. Sau tất cả, TTVN phải nhìn lại chính mình, xem lại cung cách quản lý, đầu tư… Chỉ còn 3 năm nữa là tới Olympic Paris 2024. Tôi cho rằng thất bại Olympic Tokyo tới cũng rất đúng thời điểm. Trước mắt, TTVN sẽ có SEA Games 31 và ASIAD 2022 để "tổng duyệt", chuẩn bị cho Thế vận hội 2024 và các kỳ Olympic tiếp theo".
Chuẩn bị không tốt!
Lý giải về việc thành tích của đoàn TTVN đi xuống tại Olympic Tokyo, ông Nguyễn Hồng Minh – nguyên Vụ trưởng Vụ Thể thao thành tích cao Tổng cục TDTT chỉ ra nguyên nhân chủ yếu nằm ở quá trình chuẩn bị không tốt:
Olympic là đấu trường danh giá nhất thế giới, phải có sự chuẩn bị dài hơi, có hệ thống. TTVN không thể thành công khi thiếu tất cả các yếu tố như: Thiếu đầu tư, thiếu khoa học kỹ thuật, y học, tâm lý, thiếu giám sát kiểm tra, thiếu y học hồi phục, chữa trị chấn thương, thiếu cơ quan, hội đồng có trách nhiệm giám sát, kiểm soát quá trình tập luyện của VĐV được đầu tư trọng điểm".
Ông Minh đặt vấn đề trong suốt quá trình cách ly 42 ngày (thực hiện cách ly 21 ngày theo quy định sau khi thi đấu nước ngoài về nước. Khi sắp hết cách ly, địa điểm cách ly lại xuất hiện ca F0 mới và phải tiếp tục cách ly 21 ngày nữa), Hoàng Thị Duyên không được tập luyện gì cả. Tại sao không thể mang tạ tới nơi tập luyện và giám sát quá trình tập luyện để Duyên có thể tới Olympic Tokyo với một tâm thế tốt nhất?
Trường hợp của VĐV bơi Nguyễn Huy Hoàng cũng chỉ biết giao phó cho chuyên gia Trung Quốc Huang Gouhui. Việc kiểm tra, đôn đốc, kiểm soát không có cũng giống như trường hợp của Ánh Viên ở Mỹ cùng HLV Đặng Anh Tuấn trước đây.
Trường hợp Thạch Kim Tuấn cũng vậy, Tuấn bị chấn thương cũng không được chữa trị đến nơi đến chốn, ăn uống không đảm bảo, phó mặc hết cho HLV Huỳnh Hữu Chí vốn không đủ tầm đưa Tuấn lên đỉnh cao Thế vận hội.
Phải đầu tư "Cá thể hóa"
Trong những năm qua, TTVN đã chuyển hướng đầu tư nhiều cho các môn thể thao Olympic và đã gặt hái được những thành công ở SEA Games (các môn Olympic giành 80-90% tổng số HCV tại các kỳ SEA Games từ 2015 đến nay) và trong chừng mực nhất định là ASIAD (điền kinh giành 2 HCV ASIAD 2018 của Bùi Thị Thu Thảo nhảy xa và Quách Thị Lan 400m rào). Nhiều người hy vọng từ "cái nền" đó, VĐV Việt Nam sẽ vươn tới tầm Olympic.
Nhưng thực tế cho thấy tại Olympic Tokyo 2020, những tấm HCV SEA Games, ASIAD còn rất xa… mới có thể cạnh tranh huy chương Thế vận hội.
Dưới góc nhìn của mình, nhà báo Vũ Công Lập chia sẻ một câu chuyện như một minh chứng cho việc "mài ngọc" để có huy chương Olympic: |
"Trước đây, tôi có lần cùng với anh Thái (nguyên Bộ trưởng, Chủ nhiệm UBTDTT Nguyễn Danh Thái), anh Chí (cố Viện trưởng Viện Khoa học TDTT Dương Nghiệp Chí) tới một Viện Khọc học TDTT ở bên Đức. Ông Viện trưởng đã cho xem hồ sơ của một VĐV giành HCV môn ném đĩa Olympic. Hồ sơ của VĐV đó ghi chép mọi chỉ số thể hình, chuyên môn, phát triển thành tích… từ năm 8 tuổi. Ông ta bảo đào tạo thể thao đỉnh cao, ngay từ bé đã phải theo hướng cá thể hóa với sự hỗ trợ của khoa học công nghệ, y học, tâm lý, trang thiết bị tập luyện hiện đại, thầy giỏi…".
Chia sẻ với quan điểm của nhà báo Vũ Công Lập, ông Hoàng Vĩnh Giang – Phó Chủ tịch Ủy ban Olympic Việt Nam nhấn mạnh: "TTVN áp dụng khoa học, công nghệ, y học vào việc sàng lọc, tuyển chọn VĐV ngay từ khi còn nhỏ, đào tạo cá biệt. Phải có tầm nhìn dựa trên các chỉ số khoa học, cấu trúc cơ thể xem VĐV có thể phát triển tới đâu, phù hợp với môn nào chứ không thể cảm tính, dựa theo kinh nghiệm được".
Vui lòng nhập nội dung bình luận.