TTVN – để không lạc lối ở Olympic (Bài 7): Vấn đề dinh dưỡng - không chỉ là chuyện thịt, cá…

Chính Minh Thứ bảy, ngày 07/08/2021 10:10 AM (GMT+7)
Chế độ ăn 320 nghìn đồng/ngày khó có thể đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng, trong đó có cả thực phẩm chức năng, thuốc men cho VĐV Việt Nam.
Bình luận 0

VĐV dự Olympic Tokyo ăn 640 nghìn đồng/ngày

Theo thông tư 86/2020 của Bộ Tài chính, từ 1/1/2021, tiền ăn của các huấn luyện viên (HLV), vận động viên (VĐV) đội tuyển quốc gia và đội trẻ quốc gia được hưởng là 320.000 đồng/người/ngày.

Với các HLV, VĐV được triệu tập vào các đội tuyển thể thao quốc gia và có khả năng giành huy chương vàng tại Đại hội thể thao châu Á, giành huy chương vàng tại Đại hội thể thao Olympic trẻ, có khả năng đạt chuẩn tham dự Đại hội thể thao Olympic và HLV, VĐV tham dự Paralympic Games được hưởng chế độ dinh dưỡng 640.000 đồng/người/ngày.

Dinh dưỡng cho VĐV TTVN: Không chỉ là chuyện thịt, cá, tôm… - Ảnh 1.

Chế độ ăn 320 nghìn đồng/ngày không thể đáp ứng đủ nhu cầu dinh dưỡng cho những VĐV tập luyện với cường độ cao như Ánh Viên. Ảnh: Getty

Và theo tìm hiểu của Dân Việt, các VĐV Việt Nam dự Olympic Tokyo 2020 đã được hưởng chế độ ăn (trong đó bao gồm luôn cả tiền thuốc men) là 640 nghìn đồng trong khoảng 28 ngày trước khi lên đường sang Nhật Bản.

Về tiền lương, các HLV, VĐV đang nhận chế độ tiền công theo Nghị định 152/2018 của Chính phủ. Cụ thể, HLV trưởng các ĐTQG nhận lương 505.000 đồng/người/ngày, HLV ĐTQG nhận 375.000 đồng/người/ngày. HLV đội tuyển trẻ, đội tuyển năng khiếu ngành, tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nhận 180.000 đồng/người/ngày. 

Các VĐV ĐTQG nhận 270.000 đồng/người/ngày, còn đội tuyển trẻ quốc gia nhận 215.000 đồng/người/ngày. VĐV đội tuyển ngành, tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương: 180.000 đồng/người/ngày

Với thời gian tính tiền lương là 26 ngày thì 1 VĐV ĐTQG sẽ nhận được khoảng 7 triệu đồng. Đó là con số rất khiêm tốn nếu so với những nhọc nhằn, mồ hôi và cả máu của các VĐV trên hành trình chinh phục những tấm huy chương ở SEA Games, ASIAD và đỉnh cao là Olympic.

Tổng chi phí ngân sách cấp cho ngành thể thao, nuôi tất cả các VĐV của hơn 40 ĐTQG cũng hạn hẹp, chỉ có 500-600 tỷ đồng. Và nếu không xã hội hóa thì không thể đáp ứng được yêu cầu về mọi mặt.

Dinh dưỡng cho VĐV TTVN: Không chỉ là chuyện thịt, cá, tôm… - Ảnh 3.

Ông Nguyễn Hồng Minh - nguyên Vụ trưởng Vụ Thể thao thành tích cao Tổng cục TDTT khẳng định TTVN phải tìm kinh phí từ nguồn xã hội hóa. Ảnh: Khương Xuân (Báo Tuổi trẻ)

"Hàng năm, TTVN tập trung khoảng 700 đến 1 nghìn VĐV chuẩn bị cho SEA Games, trong đó có khoảng 50-60 VĐV chuẩn bị cho Olympic. Để có kinh phí đầu tư mọi mặt từ việc phát hiện, đào tạo VĐV từ tuyến trẻ, thuê chuyên gia giỏi, trang bị phương tiện tập luyện, trang thiết bị dụng cụ tốt, đảm bảo chế độc dinh dưỡng, thuốc men, áp dụng khoa học kỹ thuật, y học, chữa trị chấn thương cho VĐV, tập huấn, thi đấu quốc tế…; đến khâu quản lý, giám sát, tổ chức thực hiện, thì nguồn ngân sách nhà nước không thể đủ được.

Các Liên đoàn phải huy động nguồn từ xã hội hóa. Các nước khu vực Đông Nam Á, châu lục và thế giới đề phải làm như vậy. Và thực tế ở Việt Nam, bóng đá đã làm được rồi, tại sao các môn khác không thể làm được?

Phải thay đổi cơ chế, giao quyền cho các Liên đoàn để họ có vị trí, vai trò phát huy năng lực.  Đặc biệt, phải quan tâm đến bộ máy tổ chức thể thao từ Trung ương đến địa phương. Đưa những người có chuyên môn thể thao vào bộ máy tổ chức, trực tiếp chỉ đạo thực hiện", ông Nguyễn Hồng Minh - nguyên Vụ trưởng Vụ Thể thao thành tích cao Tổng cục TDTT thể hiện quan điểm.

Bữa ăn thừa mà lại… thiếu!

Một chi tiết đáng chú ý là chế độ ăn nói trên áp dụng cho mọi VĐV ở các môn khác nhau. Bữa sáng thường ăn mì, miến, phở và uống sữa. Bữa trưa và tối có thịt, cá, rau, tôm, thịt bò… Với số tiền ăn nói trên, VĐV ở những môn bắn súng, bắn cung, bóng chuyền… có thể không ăn hết; trong khi các môn tiêu tốn nhiều năng lượng như  bơi, điền kinh, cử tạ… lại thiếu cả chất lẫn lượng. Đó là chưa kể đến việc chế độ ăn của HLV (tiêu tốn ít năng lượng) và VĐV cũng như nhau (?!).

Dinh dưỡng cho VĐV TTVN: Không chỉ là chuyện thịt, cá, tôm… - Ảnh 4.

Bữa ăn của nữ VĐV cử tạ Hoàng Thị Duyên tại Olympic Tokyp 2020. (Ảnh: facebook nhân vật)

Một ví dụ để minh chứng là trong những ngày tập huấn ở Mỹ, Ánh Viên phải ăn hết 1kg thịt bò, 50 con tôm, 1 đĩa mì, 1 đĩa rau trộn, gần lít sữa tươi, chưa kể hoa quả các loại chỉ trong một bữa ăn. Chỉ với mức ăn như vậy, Viên mới có thể đảm bảo đủ năng lượng khoảng trên dưới 4.000 calo để duy trì được 6-7 tiếng mỗi ngày tập luyện liên tục ở cường độ cao.

Chuyện ăn đã có những "trục trặc" như thế nhưng vẫn chưa hết. Dưới góc nhìn của mình, ông Hoàng Vĩnh Giang – Phó Chủ tịch Ủy ban Olympic Việt Nam còn chia sẻ thêm: "Dinh dưỡng cho VĐV không chỉ thịt cá đóng vai trò quan trọng. Chúng ta cần tìm hiểu, nghiên cứu thuốc bắc, thuốc nam cho VĐV dùng hàng ngày, tăng cường sức mạnh cơ bắp, giúp VĐV có thể trạng sung mãn, đáp ứng được khối lượng, cường độ tập luyện nặng".

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem