Từ bàn tay đến công cụ

Thứ năm, ngày 26/01/2012 08:26 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Thế đất của cao nguyên cong lên theo hình đồi, cày có xu hướng dốc lên trên, thế đất của đồng bằng có xu hướng bằng và trũng, buộc cày phải chúi xuống, từ đó mà thân cày và lưỡi cày phải cấu tạo khác nhau.
Bình luận 0

Sinh ra từ bàn tay

Khi viết về cái rìu, tôi cảm nhận sự sinh ra từ bàn tay con người của chúng. Những chiếc rìu thông thường cũng chỉ to cỡ một lòng bàn tay và mọi động tác của rìu đều là mô phỏng chuyển động của bàn tay. Điều này khiến tôi nghĩ đến hình như mọi công cụ lao động khác cũng vậy, đều là kết quả của quá trình nối dài cánh tay và mô phỏng hành vi của bàn tay.

img
Cối xay thóc đan bằng cót lèn đất của người Việt.

Chúng ta phải lần ra điều đó, bàn tay đã sinh ra các công cụ cơ bản, cộng theo bản năng vận động của từng tộc người mà công cụ khác đi. Ví dụ cái cuốc chẳng hạn, có cái cuốc của người Việt, người Mường, người Trung Hoa hay người châu Phi, chức năng của nó không thay đổi, và hình dáng cũng tựa như nhau, sự khác nhau chút ít là do thói quen vận động khác nhau mà thôi.

Ví dụ chiếc cày của người trên cao nguyên ắt phải khác chiếc cày của người dưới đồng bằng. Thế đất của cao nguyên cong lên theo hình đồi, cày có xu hướng dốc lên trên, thế đất của đồng bằng có xu hướng bằng và trũng buộc cày phải chúi xuống, từ đó mà thân cày và lưỡi cày phải cấu tạo khác nhau. Có thể vài dân tộc phát minh ra công cụ, nhưng qua từng vùng miền, nó thay đổi theo thói quen lao động và đất đai, vì thế mà công cụ cũng mang ý nghĩa văn minh nhất định.

Bàn tay gập vuông góc với cánh tay và dốc xuống gợi ý cho ta cái cuốc. Bàn tay ngửa ra đưa thẳng về phía trước, cho ta cái xẻng. Bàn tay chém thẳng góc, cho ta con dao. Bàn tay sục thẳng xuống, cho ta cái mai. Bàn tay cong lại, cho ta cái liềm. Bàn tay và cả cánh tay cong ôm lại, cho ta cái hái.

img
 

Nắm bàn tay lại chọc ra một ngón, cho ta cái đục, cái dùi. Năm ngón tay xòe ra, cho ta cái cào. Khép ngón tay lại, vơ một vật gì, cho ta cái trang. Bàn tay sục nghiêng, chính là cái lưỡi cày. Hai ngón tay đưa ra, cho ta cái kéo...

Cứ thế coi như lưỡi công cụ là bàn tay, cán công cụ là cánh tay, công cụ sẽ hình thành với hai phần: Lưỡi bằng kim loại và cán bằng tre, gỗ. Sự thay đổi tư thế của lưỡi với cán sẽ sinh ra công cụ khác, với chức năng khác. Ví dụ người dân Phú Thọ thường lắp lưỡi xẻng theo thế lưỡi cuốc và dùng để cuốc ruộng lầy.

Nông cụ phong phú lạ thường

Tôi chỉ dám cho rằng suy luận của mình là một giả thiết, không chỉ xuất phát từ gợi ý của bàn tay, trong tự nhiên có vài vật khác gợi ý cho sản xuất công cụ của con người. Có hai vật rất căn bản và tối giản, đó là cục đá và cái chạc cây. Sự phối hợp giữa cục đá bất kỳ nào đó với bàn tay nguyên thủy đã sinh ra các công cụ đá: Rìu, đục, chày, dao, cuốc, mai, giáo.

Cái chạc cây là một vật tự nhiên mà người nguyên thủy lấy từ cành cây có chạc đôi. Cái này gợi ý cho công cụ có cán, và bản thân cái chạc là vật không thể thiếu với người đi săn dùng nó để đâm và chẹt cổ con thú.

Cái chạc nhỏ nhẹ nhưng có khả năng khống chế cả con thú lớn, miễn là đưa được vào cổ. Một cách gọi khác có lẽ là cái gạc, sau này to thì thành công cụ đinh hai, đinh ba, nhỏ thì thành cái dĩa. Như vậy ba thứ: Cục đá, cái chạc và bàn tay phối hợp với nhau cho ra đời những công cụ cơ bản nhất, có lẽ không nhiều, nhưng biến thái của nó là vô vàn.

img
Cối giã thóc, giã gạo cỡ lớn trong nhà nông dân Việt.

Song từ đâu mà con người lại phát hiện ra bàn tay của mình lắm khả năng vận động đến thế. Chắc các nhà duy vật theo thuyết Đác-uyn (Charles Darwin) cho rằng một loài linh trưởng nào đó phát triển thành người trong quá trình lao động tự nhiên nhào nặn bàn tay trở nên khéo léo. Tuy nhiên cho đến hết thời kỳ đồ đá, các loại công cụ vẫn nghèo nàn.

Với người săn bắn hái lượm hình như không cần quá nhiều công cụ, mà phải đợi đến thời kỳ làm nông nghiệp, công cụ mới trở nên phong phú lạ thường. Và một hoạt động đòi hỏi rất nhiều tư thế của bàn tay đó là nặn gốm không bàn xoay và vuốt gốm có bàn xoay. Bàn tay được xoay xở đa chiều khi tạo ra đồ gốm.

Các hình minh họa trong bài đều được trích từ sách “Văn minh vật chất của người Việt” do họa sĩ Phan Cẩm Thượng vẽ.

Thoạt tiên hai tay nhào nặn đất, đẩy ra và đưa vào lòng, rồi quật và đập tảng đất cho nhuần nhuyễn, các bọt khí bị đẩy hết ra ngoài. Vê dần một cục đất thành hình một cái bát, hai bàn tay ngón cái đặt ở thành trong, bốn ngón kia đặt ở thành ngoài, rồi một tay giữ mặt trong, một tay vuốt sửa mặt ngoài. Khi thao tác trên bàn xoay, động tác của bàn tay còn nhiều hơn thế, nhất là khi làm các đồ phức tạp, như lục bình, âu, hoặc những đồ gốm nhiều phần.

Sự uốn lượn rất tinh tế của bàn tay, dù thay đổi rất nhỏ nhưng tạo ra sự chuyển đổi thắt vào, nở ra trên thân gốm. Sau đó là quy trình sửa bằng các công cụ nhỏ bằng gỗ và kim loại, tạo hoa văn và những trang trí nổi. Bàn tay làm gốm đòi hỏi sự sinh ra rất nhiều công cụ nhỏ cho khoa tạo dáng gốm, sau này khi đục đẽo trong hoạt động điêu khắc, bàn tay đòi hỏi nhiều dụng cụ hơn nữa. Bình quân một người thợ đục chạm gỗ và đá có đến 50 dụng cụ chuyên nghiệp.

Số lượng công cụ cho sản xuất nông nghiệp ít hơn rất nhiều công cụ của sáng tạo thủ công và mỹ nghệ. Và tôi cho rằng hai loại công cụ này sinh ra song song, có sự gợi ý cho nhau trong những hành vi tương đồng ở hoạt động lớn và hoạt động tinh tế.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem