Từ loạt bài "Xâm nhập đường dây buôn bán hổ xuyên quốc gia": Tổng kiểm tra tất cả cơ sở nuôi nhốt hổ

Lam Anh - Văn Hoàng Thứ năm, ngày 27/08/2020 12:19 PM (GMT+7)
Liên quan đến loạt bài điều tra "Xâm nhập đường dây buôn bán hổ xuyên quốc gia", theo thông tin từ Cục Kiểm lâm (Tổng cục Lâm nghiệp), Bộ NNPTNT đang giao cho Cơ quan quản lý CITES Việt Nam lập kế hoạch kiểm tra tất cả các cơ sở nuôi nhốt hổ ở Việt Nam.
Bình luận 0

Ông Vương Tiến Mạnh, Phó Giám đốc Cơ quan quản lý CITES Việt Nam cũng xác nhận thông tin này với PV Dân Việt khi cho biết: CITES đang chuẩn bị tổng kiểm tra các cơ sở nuôi nhốt hổ trong toàn quốc. Trước đó, loạt bài điều tra "Xâm nhập đường dây buôn bán hổ xuyên quốc gia" đã được đăng tải trên báo điện tử Dân Việt/NTNN từ ngày 9/7 - 11/8/2020.

Từ loạt bài "Xâm nhập đường dây buôn bán hổ xuyên quốc gia": Tổng kiểm tra tất cả cơ sở nuôi nhốt hổ  - Ảnh 1.

Cảnh người chăm sóc cưỡi hổ trong 1 trại nuôi tư nhân ở Thái Nguyên mà loạt bài báo Dân Việt đã phản ánh.

Trong một diễn biến khác, các dấu hiệu nguy hiểm của việc hổ nuôi xổng chuồng chạy vào khu dân cư tấn công vật nuôi, đe dọa tính mạng người ở Thái Nguyên cũng như việc lực lượng kiểm lâm sở tại đã từng cấp phép nuôi sinh sản thương mại hổ đầy "tai tiếng" (mà Dân Việt đã phản án trong loạt bài) cũng đã bị cơ quan chức năng ra soát và sẽ sớm công bố kết quả.

"Không loại trừ việc tráo đổi mẫu vật, trà trộn các loài vào trại nuôi"

Được biết, hiện nay hổ được đặt ở mức bảo vệ cao nhất - thuộc Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm ưu tiên bảo vệ của Nghị định 64/2019 (sửa đổi một số nội dung của Nghị định 160/2013). Theo đó, mọi hành vi vi phạm được xác định liên quan đến loài này (từ 1 cá thể, sản phẩm hay bộ phận cơ thể không thể tách rời sự sống) đều sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự. 

Việc sửa đổi Bộ Luật hình sự (Điều 244) về chế tài đã đảm bảo tính răn đe đối với loại tội phạm này, thể hiện ở hình phạt tiền đối với cá nhân là rất cao (từ 500 triệu đến 2 tỷ đồng ở khoản 1), tăng 4 lần so với quy định của Bộ luật trước đây và mức phạt tiền cao nhất đối với pháp nhân là 15 tỷ đồng; phạt tù đến 15 năm (tăng gấp đôi so với quy định của Bộ luật cũ).

Điều này thể hiện chính sách hình sự nghiêm khắc của Nhà nước ta đối với tội phạm vi phạm các quy định về bảo vệ động vật hoang dã (ĐVHD) nguy cấp, quý, hiếm. 

Từ loạt bài "Xâm nhập đường dây buôn bán hổ xuyên quốc gia": Tổng kiểm tra tất cả cơ sở nuôi nhốt hổ  - Ảnh 2.

Bà Hoàng Bích Thủy, Giám đốc của tổ chức WCS Việt Nam.

Tuy nhiên, sau khi Dân Việt đăng tải loạt bài "Xâm nhập đường dây buôn bán hổ xuyên quốc gia", chúng tôi nhận được ý kiến phản hồi của bà Hoàng Bích Thủy, Giám đốc Chương trình WCS Việt Nam - Hiệp Hội bảo tồn ĐVHD thế giới (WCS, tổ chức có văn phòng đại diện hoạt động ở gần 60 nước trên toàn cầu) cho rằng: "Hiện nay còn tồn tại một số lỗ hổng có thể kể ra là: Việc truy tố, khởi tố các đối tượng liên quan còn một số khó khăn, trong đó có vấn đề: Xác định đối tượng phạm tội và chứng minh hành vi vi phạm. Ví dụ: Lái xe khai được thuê vận chuyển, không biết mặt hàng mình vận chuyển là gì; cao hổ đã nấu chín không xác định được DNA...". 

Ngoài ra, còn một số khó khăn trong chế độ quản lý như điều kiện sinh sản; hổ được phép nuôi với mục đích nghiên cứu khoa học hay bảo tồn; Đánh dấu mẫu vật - theo quy định hiện hành thì việc đánh dấu mẫu vật sẽ do chủ trang trại tự quyết định và thông báo với cơ quan quản lý.

"Theo đánh giá của tôi cũng như qua trao đổi với cơ quan quản lý, việc kiểm soát các loài này qua đánh dấu hiện nay không hiệu quả, không được kiểm soát chặt chẽ mà các cơ quan chủ yếu quản lý thông qua giấy tờ xuất nhập, giấy phép CITES - không loại trừ khả năng tráo đổi mẫu vật hay trà trộn các loài vào trại nuôi", bà Thủy đánh giá.

13 năm qua, việc nuôi thí điểm bảo tồn hổ đã đem lại ích lợi gì?

Bà Hoàng Bích Thủy cũng đặt ra một số câu hỏi cho các cơ quan quản lý là: Việt Nam cho nuôi thí điểm bảo tồn hổ từ 2007, từ đó đến nay đã có báo cáo, công trình nghiên cứu nào đánh giá hiệu quả của chương trình nuôi thí điểm này chưa?

Từ loạt bài "Xâm nhập đường dây buôn bán hổ xuyên quốc gia": Tổng kiểm tra tất cả cơ sở nuôi nhốt hổ  - Ảnh 2.

Hổ nuôi trong một cơ sở nuôi nhốt tư nhân ở Thái Nguyên. (Ảnh: Nhóm PV)

Từ loạt bài "Xâm nhập đường dây buôn bán hổ xuyên quốc gia": Tổng kiểm tra tất cả cơ sở nuôi nhốt hổ  - Ảnh 4.

Điều kiện nuôi nhốt khá tồi tàn như này dễ tạo điều kiện để thú dữ xổng chuồng gây nguy hiểm cho người.

Các trang trại/cơ sở nuôi hổ được đăng kí nuôi với mục đích nghiên cứu khoa học hay bảo tồn, thể hiện qua một số hoạt động như thực hiện nghiên cứu khoa học về loài được gây nuôi, tái thả về tự nhiên các cá thể khỏe mạnh, đóng góp kinh phí vào quỹ bảo tồn thiên nhiên… Trong thực tế, các chủ trang trại này đã đóng góp gì trong công tác bảo tồn? Nguồn gen của các cá thể này có đảm bảo là thuần chủng phục vụ cho công tác nhân giống không?

Từ đó, theo bà Thủy, các hoạt động tiếp theo có thể cân nhắc thực hiện gồm: Việt Nam cần tiếp tục rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về bảo vệ, bảo tồn hổ để kịp thời sửa đổi, bổ sung, đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất của các quy định.

Đồng thời bà Thủy cho rằng cần đẩy mạnh công tác điều tra, truy tố, xét xử các vụ án hình sự về buôn bán ĐVHD; tăng cường năng lực thực thi pháp luật về bảo vệ ĐVHD cho các cán bộ làm công tác điều tra, truy tố, xét xử loại tội phạm này. 

Tiếp theo là mở rộng, tăng cường hợp tác quốc tế để chia sẻ thông tin, kinh nghiệm trong đấu tranh chống tội phạm về ĐVHD và thiết lập các kênh trao đổi thông tin/hợp tác góp phần nâng cao hiệu quả công tác điều tra, xử lý tội phạm.

"Trong bối cảnh tình trạng buôn bán hổ (như loạt bài trên báo Dân Việt đã phản ánh) đang phát triển ngày một tinh vi, trở thành các đường dây/tổ chức tội phạm xuyên quốc gia, Việt Nam cần tăng cường hợp tác quốc tế trong khu vực và xuyên lục địa để giải quyết triệt để các mạng lưới tội phạm này", bà Hoàng Bích Thủy nhấn mạnh.

Thực hiện nghiêm chỉ thị của Thủ tướng về quản lý ĐVHD

Cũng liên quan tới việc quản lý và bảo vệ ĐVHD, gần đây nhất, ngày 4/8/2020, Tổng cục Hải quan đã ban hành Công văn số 5110/TCHQ-GSQL, yêu cầu Cục Hải quan các tỉnh, thành phố thực hiện một số nhiệm vụ liên quan đến quản lý ĐVHD. Theo đó, Tổng cục Hải quan yêu cầu phải tạm dừng làm thủ tục nhập khẩu đối với ĐVHD còn sống hay đã chết, trứng, ấu trùng, bộ phận, dẫn xuất của các loài ĐVHD… đến khi có chỉ đạo mới của Thủ tướng Chính phủ hoặc trường hợp đặc biệt được Thủ tướng Chính phủ cho phép.

Từ loạt bài "Xâm nhập đường dây buôn bán hổ xuyên quốc gia": Tổng kiểm tra tất cả cơ sở nuôi nhốt hổ  - Ảnh 5.

Việc trưng bày hổ tiêu bản như thế này khá phổ biến ở Việt Nam và ít bị cơ quan chức năng xử lý.

Từ loạt bài "Xâm nhập đường dây buôn bán hổ xuyên quốc gia": Tổng kiểm tra tất cả cơ sở nuôi nhốt hổ  - Ảnh 6.

Đối tượng Nguyễn Mậu Chiến bị truy tố ra tòa do vừa nuôi hổ bảo tồn vừa trữ xác hổ.

Tại Chỉ thị số 29/CT-TTg ngày 23/7/2020 của Thủ tướng Chính phủ về một số giải pháp cấp bách quản lý ĐVHD đã nêu rõ tình trạng săn, bắt, giết mổ, vận chuyển, kinh doanh, tiêu thụ bất hợp pháp các loài ĐVHD còn diễn biến phức tạp ở một số địa bàn, địa phương, dẫn tới gia tăng nguy cơ tuyệt chủng của nhiều loài trong môi trường tự nhiên, ảnh hưởng tiêu cực đến cân bằng sinh thái, sức khỏe con người và uy tín của đất nước trên trường quốc tế; cùng với đó còn phát sinh rủi ro truyền nhiễm dịch bệnh sang người, gia súc, gia cầm.

Do đó, để bảo đảm thực thi nghiêm pháp luật về quản lý động vật hoang dã, Thủ tướng Chính phủ chỉ thị các bộ, ngành, địa phương tiếp tục triển khai các giải pháp bảo vệ ĐVHD ngoài tự nhiên; tăng cường công tác kiểm soát các hành vi khai thác, săn, bắt, vận chuyển, tàng trữ, buôn bán, tiêu thụ và sử dụng ĐVHD; tổ chức triệt phá dứt điểm các đường dây buôn bán ĐVHD trái pháp luật.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem